* LŨ Ở ĐỒNG BẰNG SÔNG CỬU LONG: Vỡ đê bao kênh Bắc Viện (Đồng Tháp) mất trắng 415 ha lúa
Đó là ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải tại cuộc họp của Ban chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương bàn các biện pháp đối phó với cơn bão số 6 và tình hình lũ tại Đồng bằng sông Cửu Long vào chiều 2-10, tại Hà Nội.
Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương không được chủ quan trong việc đối phó với bão lũ; kiểm soát chặt chẽ tàu thuyền, không để người dân tự ý ra khơi đánh bắt cá. Bộ Công thương và Tập đoàn Điện lực (EVN) kiểm tra chất lượng các hồ chứa, theo dõi thông tin để xử lý chính xác công tác điều tiết các hồ chứa.
Rút kinh nghiệm từ cơn bão số 5, Phó Thủ tướng nhấn mạnh, các địa phương phải xác định vùng chịu ảnh hưởng của bão để triển khai công tác ứng phó, đề phòng tình huống xấu nhất có thể xảy ra. Các tỉnh, thành phố cần xử lý, răn đe những trường hợp không chấp hành quyết định sơ tán dân.
Các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long tập trung lực lượng, phương tiện để gia cố bờ bao bảo vệ diện tích lúa vụ 3, đặc biệt là các tỉnh đầu nguồn An Giang, Đồng Tháp. Các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống bão số 6. Riêng tỉnh Quảng Bình tập trung chỉ đạo theo dõi diễn biến để chủ động đối phó với lũ trên sông Gianh.
Phó Thủ tướng đánh giá cao công tác đối phó với bão số 5 và lũ ở Đồng bằng sông Cửu Long của các bộ, ngành, địa phương; nhờ đó, đã làm giảm nhẹ thiệt hại về người, tài sản.
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, lũ vùng đầu nguồn sông Cửu Long, Đồng Tháp Mười (ĐTM) và Tứ giác Long Xuyên (TGLX) đang dao động ở mức đỉnh và ở mức lũ đặc biệt lớn, một số nơi đã vượt đỉnh lũ lịch sử. Cụ thể, mực nước cao nhất ngày 1-10, trên sông Cửu Long như sau: Trên sông Tiền, tại trạm Tân Châu, mực nước cao nhất là 4,86m, cao hơn báo động (BĐ) 3 là 0,36m; tại trạm Cao Lãnh, mực nước cao nhất là 2,45m, cao hơn BĐ3 là 0,15m; tại trạm Mỹ Thuận, mực nước cao nhất là 1,76m, dưới BĐ3 là 0,04m; trạm Mỹ Tho là 1,57m, dưới BĐ3 là 0,03m. Trên sông Hậu, tại Châu Đốc, mực nước cao nhất là 4,25m, cao hơn BĐ3 là 0,25m; trạm Long Xuyên, mực nước cao nhất là 2,76m, cao hơn BĐ3 là 0,26m và cao hơn đỉnh lũ lịch sử năm 1978 là 0,11m; trạm Cần Thơ, mực nước cao nhất là 2,01m, cao hơn BĐ3 là 0,11m và cao hơn đỉnh lũ lịch sử năm 2006 là 0,02m. Tại trạm Chợ Mới (Ông Chưởng), mực nước cao nhất là 3,48m, cao hơn BĐ3 là 0,48m và cao hơn đỉnh lũ lịch sử năm 1961 là 0,03m. Trên sông Vàm Cỏ Tây tại Mộc Hóa lúc 7 giờ ngày 2-10 là 2,21m, dưới BĐ3: 0,19m.
Dự báo, trong 1-2 ngày tới, lũ vùng đầu nguồn sông Cửu Long, Đồng Tháp Mười và Tứ giác Long Xuyên tiếp tục dao động ở mức đỉnh sau đó xuống dần nhưng vẫn ở mức rất cao. Đến ngày 6-10, mực nước cao nhất ngày tại Tân Châu xuống mức 4,8m (trên BĐ3: 0,3m), tại Châu Đốc xuống mức 4,2m (trên BĐ3: 0,2m), các trạm chính vùng ĐTM&TGLX ở mức BĐ2-BĐ3, trên sông Vàm Cỏ Tây tại Mộc Hóa ở mức 2,4m (BĐ3). Cần chủ động phòng chống lũ đặc biệt lớn, ngập sâu ở vùng đầu nguồn và Đồng Tháp Mười, Tứ giác Long Xuyên.
* Vào lúc một giờ sáng 2-10, tuyến đê bao bờ Nam kênh Bắc Viện thuộc ấp Thi Sơn, xã Tân Thành A, huyện Tân Hồng, tỉnh Đồng Tháp bị vỡ, nước lũ tràn vào gây mất trắng 415 ha lúa vụ thu đông của trên 220 hộ dân. Số lúa này đang được 50 đến 65 ngày tuổi, chỉ còn khoảng một tháng nữa là cho thu hoạch nên ước tính gây thiệt hại cho bà con trong xã khoảng hơn 16 tỉ đồng. Bên cạnh đó, một xe mô tô, một máy phát điện và nhiều vật tư, phương tiện dùng để ứng cứu cũng bị lũ cuốn trôi.
Ông Trần Quốc Hội, Chủ tịch UBND xã Tân Thành A cho biết: Tuyến đê bao kênh Bắc Viện đã được gia cố vào 21 giờ ngày 1-10 nhưng sau đó hơn 3 giờ, dòng nước xoáy bất ngờ làm sụt một đoạn đê khoảng 3 mét. Ngay sau đó nước tràn vào dữ dội, dẫn đến sạt đê bao lở nhanh với tổng chiều dài là 20 mét. Tuy lực lượng cứu hộ túc trực đã huy động thêm hàng trăm người cứu đê nhưng không cứu được do áp lực nước quá lớn. Đê bị vỡ, dòng nước chảy xiết nên một chiếc xáng cạp và một chiếc phà sắt bị trôi dạt vào bên trong đê.
Đê vỡ khiến nhiều hộ nơi đây bị thiệt hại nặng nề, đặc biệt là 171 hộ nghèo và 27 hộ cận nghèo. Hiện chính quyền địa phương và các ban, ngành, đoàn thể đã giúp người dân chằng néo, kê kích nhà cửa, di dời đồ đạc, vật nuôi lên địa điểm an toàn. Đồng thời, địa phương cũng điều tra thống kê mức thiệt hại để hỗ trợ cho những hộ có diện tích sản xuất bị lũ nhấn chìm.
NGUYỄN VĂN TRÍ - LƯU THANH TUẤN(TTXVN)