03/10/2019 - 23:07

Ông Huỳnh Thanh Sử, Giám đốc Ban Quản lý dự án ODA thành phố:

Tập trung hoàn thành sớm dự án 3 để tăng khả năng chống ngập cho đô thị 

TP Cần Thơ vừa trải qua đợt triều cường đầu tiên trong năm 2019 với mực nước đỉnh triều lên đến 2,25m. Nhiều tuyến đường trong khu vực nội ô ngập sâu làm ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt, lưu thông của người dân. Mực nước triều dâng cao ngoài dự báo tác động đến vùng lõi đô thị đặt ra vấn đề cho thành phố trong việc thực hiện các giải pháp căn cơ để tăng khả năng chống ngập cho đô thị, thích ứng với những diễn biến bất thường của biến đổi khí hậu. Chia sẻ về những giải pháp chống ngập thành phố đã và đang triển khai, ông Huỳnh Thanh Sử, Giám đốc Ban Quản lý Dự án ODA TP Cần Thơ, cho biết:

- Biến đổi khí hậu đang diễn ra nhanh chóng trên toàn thế giới và Cần Thơ nằm trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) là 1 trong 3 đồng bằng chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu. Sức ép đô thị hóa của TP Cần Thơ ngày một gia tăng. Thành phố nhận thức rất rõ yêu cầu quan trọng của việc nâng cấp hạ tầng kỹ thuật nhất là hạ tầng kỹ thuật đô thị bằng nhiều nguồn vốn: Trung ương, địa phương, vốn vay ưu đãi nước ngoài… Trong đó có Dự án nâng cấp đô thị 1 triển khai từ năm 2004-2014, Dự án Nâng cấp đô thị 2 triển khai từ năm 2012-2018. Hai dự án với mục tiêu chỉnh trang đô thị, giảm ngập nghẹt trong khu đô thị, xây dựng cơ sở hạ tầng cấp 3, các tuyến hẻm, khu dân cư thu nhập thấp ở vùng nội ô Ninh Kiều, Bình Thủy, Cái Răng và một phần của quận Ô Môn.

* Giải pháp căn cơ chống ngập cho Cần Thơ hiện nay là gì, thưa ông?  

- Từ kết quả của Dự án 1 và Dự án 2 về nâng cấp đô thị, thành phố đang triển khai Dự án 3 Phát triển TP Cần Thơ và tăng cường khả năng thích ứng đô thị. Dự án được Ngân hàng Thế giới cho vay 250 triệu USD, Chính phủ Thụy Sỹ hỗ trợ không hoàn lại 10 triệu USD cùng với vốn đối ứng của thành phố. Tổng giá trị dự án lên đến 7.844 tỉ đồng, triển khai trong giai đoạn từ năm 2016-2022 nhằm giải quyết căn bản tình trạng ngập đô thị trong vùng lõi của thành phố. Mục tiêu của dự án là kiểm soát ngập trong vùng lõi đô thị Ninh Kiều, Bình Thủy với diện tích 2.600ha, kết nối hạ tầng giao thông, hỗ trợ kỹ thuật cho vấn đề kiểm soát ngập và quản lý tổng hợp đô thị. Việc xác định đầu tư cho vùng lõi đô thị 2.600ha là đầu tư “không hối tiếc” để bảo vệ vùng lõi trung tâm hành chính, kinh tế, thương mại của thành phố, nơi tập trung đông dân số nhằm bảo vệ sản xuất, đời sống và sinh hoạt của người dân đô thị vùng lõi.

Nguyên lý kiểm soát ngập trước tiên là dùng đê bao từ bên ngoài để bảo vệ vùng lõi đô thị; cải tạo hệ thống thoát nước chính đô thị; kết hợp đầu tư hệ thống trữ nước, điều tiết nước với hơn 20 kênh rạch và các hồ điều hòa. Cụ thể, vùng lõi sẽ được bảo vệ bằng các giải pháp công trình như: làm kè, làm cống, đập, âu thuyền ngăn triều cường từ sông Cần Thơ vào khu đô thị lõi. Các kênh rạch trong khu vực lõi được cải tạo để trữ nước trong trường hợp khi triều cường lên kết hợp với mưa lớn nước không tiêu thoát kịp các kênh rạch này sẽ trữ nước để góp phần giảm ngập nhanh chóng. Hệ thống thoát nước chính đô thị được cải tạo thông thoáng sẽ tiếp nhận nước từ các tuyến đường nhánh, hẻm nhánh để đưa ra kênh rạch giúp thoát ngập nhanh chóng cho đô thị.

* Được biết, giải pháp phi công trình trong chống ngập là một hợp phần quan trọng của Dự án 3, đề nghị ông cho biết chi tiết hơn về giải pháp này?

- Bên cạnh giải pháp công trình, Dự án còn có hợp phần hỗ trợ chống ngập, điều tiết giao thông và quản lý tổng hợp đô thị, thích ứng biến đổi khí hậu. Khi đó sẽ thiết lập cơ quan là đầu mối để thực hiện chống ngập đô thị. Dự án 3 sẽ xây dựng các mô hình thủy lực, hệ thống cảnh báo sớm để dự báo về tình hình ngập, dự báo chính xác thời điểm xảy ra ngập, mức độ ngập, địa điểm xảy ra ngập trước khi diễn ra các đợt triều cường. Hệ thống kỹ thuật sẽ thực hiện chức năng điều tiết nước, trữ nước và thoát nước  kịp thời.

Một đoạn ngập sâu do ảnh hưởng triều cường trên đường Nguyễn Văn Cừ.

Như vậy sẽ có các mô hình, các phương tiện kỹ thuật, scada (hệ thống cảnh báo sớm)  hỗ trợ cho việc tính toán để điều chỉnh lưu lượng nước trong khu vực nội ô một cách chủ động trước khi triều cường hay mưa lớn. Bên cạnh đó, sẽ có các cảnh báo sớm bằng cách thông tin về tình hình ngập ở từng khu vực, tuyến đường đến ngành chức năng và người dân thông qua thiết bị công nghệ nhằm chủ động ứng phó. Việc xây dựng mô hình chống ngập sẽ trên cơ sở tiếp thu, học hỏi kinh nghiệm thế giới và điều kiện thực tiễn của TP Cần Thơ.

* UBND thành phố vừa chỉ đạo các sở ngành liên quan tập trung thực hiện các giải pháp giảm tác hại của triều cường tại đô thị. Ban Quản lý Dự án ODA có kế hoạch gì để thực hiện chỉ đạo này, thưa ông?

- Thực hiện chỉ đạo của UBND thành phố, Ban Quản lý Dự án ODA với chức năng của mình đang triển khai rà soát các công trình đang thi công để trong giai đoạn triều cường như hiện nay không ảnh hưởng đến chất lượng công trình, đảm bảo tiến độ thi công. Đối với các hạng mục công trình đang thiết kế, bắt đầu chuẩn bị triển khai thi công hoặc đang thi công, Chủ tịch UBND thành phố cũng chỉ đạo Ban rà soát, tham chiếu, cập nhật các thông số mới nhất để điều chỉnh cho phù hợp. Hiện nay, hệ thống đường bao và đỉnh kè có cao độ từ 2,7-3m. Qua ghi nhận số liệu các đợt triều cường năm 2019, chúng tôi sẽ kiểm tra lại cao độ đường và đê bao trong dự án, xem xét liệu có đáp ứng khả năng chống lũ hiện nay và trong tương lai hay không để có điều chỉnh phù hợp, kịp thời, phát huy chức năng chống ngập lâu dài. Ban sẽ tập trung thực hiện quyết liệt chỉ đạo của UBND thành phố về việc tăng cường đẩy nhanh tiến độ các hạng mục của dự án 3, phấn đấu hoàn thành sớm hơn so với dự kiến để sớm phát huy hiệu quả, giải quyết căn cơ vấn đề chống ngập cho thành phố.

* Xin cảm ơn ông!

MINH HUYỀN (thực hiện)

Chia sẻ bài viết