13/10/2015 - 08:22

Tập trung đổi mới phương pháp dạy - học

Đổi mới phương pháp dạy - học được xem là khâu đột phá mà giáo dục bậc tiểu học TP Cần Thơ tập trung thực hiện để nâng cao chất lượng giáo dục, tạo không khí thi đua dạy và học sôi nổi ở các trường. Đây là tiền đề nền tảng để ngành giáo dục thành phố tiếp tục gặt hái kết quả những năm tới.

* Nỗ lực đổi mới

Thầy Trần Thanh Tài, Trưởng phòng Giáo dục Tiểu học, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) thành phố, cho biết: "Năm học qua, ngành kịp thời đề ra nhiều giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện. Đó là việc đổi mới phương pháp dạy - học theo hướng lấy học sinh làm trung tâm". Ngành chỉ đạo tích hợp một số nội dung trong giảng dạy các môn học, hướng dẫn dạy học dựa trên chuẩn kiến thức, kỹ năng… Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong điều hành, quản lý giáo dục và phục vụ đổi mới phương pháp dạy và học có chuyển biến đáng kể. Phong trào tự học, rèn luyện để nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, tin học, ngoại ngữ trong đội ngũ giáo viên ngày càng phát triển; tỷ lệ giáo viên đạt chuẩn và trên chuẩn tiếp tục được nâng lên, đồng thời với công tác xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia tiếp tục được quan tâm đầu tư và mang lại hiệu quả. Năm học qua, thành phố có 12 trường tiểu học được công nhận đạt chuẩn quốc gia và tính chung có 62 trường tiểu học đạt chuẩn quốc gia….

Giờ học theo mô hình VNEN của cô trò Trường Tiểu học Nhơn Nghĩa 1, huyện Phong Điền.

Đối với Trường Tiểu học Mỹ Khánh 1, huyện Phong Điền, giáo dục không chỉ thực hiện qua các hoạt động học tập trên lớp mà còn phải tổ chức ngoài lớp học. Sau giờ học, học sinh có thể tham gia các hoạt động ngoại khóa ở các mặt học tập, lao động, vui chơi, công tác xã hội. Theo ban giám hiệu nhà trường, qua những hoạt động giáo dục được đa dạng hóa đã thu hút học sinh tham gia, là cách hình thành năng lực và phẩm chất hiệu quả và thiết thực. Các hoạt động này luôn được địa phương đồng tình và phụ huynh nhiệt tình ủng hộ.

Qua thời gian triển khai, Mô hình Trường học mới Việt Nam (gọi tắt VNEN) mang lại hiệu quả thiết thực, xóa bỏ cách dạy truyền thống "đọc - chép", giúp học sinh năng động sáng tạo trong quá trình học và tiếp thu kiến thức. Cô Nguyễn Thị Hậu, Hiệu phó nhà trường, cho biết: "Dạy học theo mô hình trường học mới VNEN phù hợp với hướng dẫn đánh giá theo Thông tư 30 về quá trình học tập, sự tiến bộ và kết quả học tập của học sinh theo chuẩn kiến thức, kỹ năng từng môn học và hoạt động giáo dục khác theo chương trình giáo dục phổ thông cấp tiểu học".

Năm học 2014-2015, thành phố nhân rộng thêm 31 trường dạy học theo mô hình VNEN. Trường Tiểu học Võ Trường Toản (quận Ninh Kiều) thí điểm dạy theo mô hình VNEN cho 6 lớp (gồm các khối: 2, 3, 4; mỗi khối 2 lớp). 35 lớp còn lại áp dụng một phần của mô hình trường học mới. Giờ học theo mô hình VNEN diễn ra khá sôi nổi, học sinh chia thành các nhóm giữ vai trò trung tâm tự thảo luận, chia sẻ kết quả tự nghiên cứu bài học theo hướng dẫn của cô giáo; hội đồng tự quản quản lý lớp học. Cô Hậu nhấn mạnh: Học tập theo mô hình VNEN giúp học sinh năng nổ, tích cực trong các hoạt động học tập, tự nghiên cứu sách. Các em biết cách tự quản, biết chia sẻ với bạn, kỹ năng giao tiếp tốt, hình thành sự tự tin, mạnh dạn hơn trong học tập, sinh hoạt.

Trường Tiểu học Bình Thủy (quận Bình Thủy) là một trong những điểm sáng thực hiện Thông tư 30. Lãnh đạo nhà trường thường xuyên dự sinh hoạt tổ chuyên môn, thành lập Tổ công tác hỗ trợ. Từ đó có sự hỗ trợ kịp thời, hướng dẫn cách đánh giá và ghi nhận xét thường xuyên trên vở học sinh, sổ theo dõi chất lượng giáo dục hằng tháng, học bạ…, giáo viên từng bước quen dần. Thông qua lời nhận xét cụ thể và từ sự định hướng, học sinh kịp thời khắc phục hạn chế, điều chỉnh cách học phù hợp với thế mạnh và điểm yếu. Cô Trịnh Thị Nhung, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Bình Thủy, cho biết: Việc không chấm điểm số hàng ngày đã giảm áp lực, giúp học sinh thoải mái hơn, hứng thú, tự tin trong quá trình học tập. Phụ huynh không còn áp lực con em bị điểm kém.

* Còn những khó khăn

Bên cạnh thành tựu đạt được, giáo dục tiểu học thành phố còn gặp khó về công tác chỉ đạo thực hiện; việc đổi mới phương pháp dạy - phương pháp học còn một số hạn chế (một số giáo viên còn ngại khó, chỉ đổi mới hình thức tổ chức dạy học chưa đổi mới phương pháp); việc ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học vẫn chưa được phát huy đều khắp các đơn vị, đặc biệt ở vùng xa. Một số đơn vị thiếu quỹ đất để xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia như: Cái Răng, Ninh Kiều và Bình Thủy. Số học sinh/lớp của một số trường khá đông (vị trí trung tâm quận, huyện) ảnh hưởng tiêu chí xét công nhận trường đạt chuẩn quốc gia…

Năm học 2014-2015, cũng như các trường tiểu học trên cả nước, quá trình triển khai thực hiện Thông tư 30 gặp không ít khó khăn. Cô Trịnh Thị Nhung cho biết: Đây là năm học đầu tiên thực hiện đánh giá học sinh theo Thông tư 30, cán bộ quản lý, giáo viên mới tiếp cận và thực hiện việc đánh giá nên còn nhiều bỡ ngỡ, cách lựa chọn từ ngữ trong việc ghi lời nhận xét vào vở học sinh hay vào sổ theo dõi chất lượng giáo dục cũng gặp nhiều khó khăn. Giáo viên mất nhiều thời gian ghi nhận xét vào sổ theo dõi, nhất là giáo viên bộ môn… Giáo viên, học sinh quen với đánh giá bằng điểm số, nay đổi bằng nhận xét nên nhiều giáo viên, học sinh chưa quen. Một số ít phụ huynh chưa đồng tình với cách đánh giá học sinh theo Thông tư 30. Vì phụ huynh đã quen với cách đánh giá bằng điểm số nên họ cho rằng lời nhận xét khó xác định được kiến thức của con em mình đạt được ở mức nào, gia đình khó theo dõi tình hình học tập của các em.

Đối với việc thực hiện mô hình VNEN, cô Hậu cho biết: Cơ sở vật chất và số lượng học sinh trên lớp chưa đáp ứng yêu cầu; một số thầy cô còn bám bàn và bảng trong tiết dạy; thời gian đầu do khả năng đọc -hiểu của học sinh lớp 2 có phần hạn chế, chưa quen với cách học mới nên thời gian thực tế một tiết học thường nhiều hơn 35 phút.

Bài, ảnh: Minh Hoàng

Chia sẻ bài viết