03/03/2008 - 21:22

Các trường cao đẳng, trung cấp

Tạo "lực hút" cho các ngành học mới

Sinh viên Trường Cao đẳng Cần Thơ trong giờ thực hành Tin học.

Trong “cuộc đua” tuyển sinh hàng năm, hầu như các trường trung cấp, cao đẳng luôn “lép vế” hơn so với các trường đại học, cho dù ngành giáo dục luôn nhắc đến chính sách phân luồng, mở rộng đào tạo liên thông... Vì vậy, để thu hút đông thí sinh, các trường trung cấp, cao đẳng trên địa bàn TP Cần Thơ đang nỗ lực đầu tư nâng cấp, xây dựng cơ sở vật chất, tăng cường trang bị thiết bị. Đây cũng là yếu tố để mở rộng ngành nghề, nâng cao chất lượng đào tạo, đáp ứng yêu cầu xã hội.

Chủ động chuẩn bị để đón đầu...

Từ khi chuyển sang đào tạo đa ngành vào năm 2007, Trường Cao đẳng Cần Thơ rất chú trọng việc mở thêm các ngành học mới bên cạnh các ngành sư phạm. Kỳ tuyển sinh năm 2008, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho phép Trường Cao đẳng Cần Thơ mở thêm 3 ngành: Công nghệ May, Tài chính Ngân hàng, Công nghệ Kỹ thuật Xây dựng. Dự kiến, năm đầu tiên, mỗi ngành tuyển 60 sinh viên.

Để mở những ngành học này, Trường Cao đẳng Cần Thơ đã có sự chuẩn bị về cơ sở vật chất, trang thiết bị. Chẳng hạn, để mở ngành Công nghệ May, trường trang bị 40 máy may công nghiệp, 4 phòng học tin học (mỗi phòng 40 máy vi tính), đảm bảo đầy đủ tài liệu, giáo trình cho sinh viên, giảng viên. Còn ở ngành Công nghệ Kỹ thuật Xây dựng, ngoài một số trang thiết bị phục vụ chuyên sâu cho học phần kiến trúc, kết cấu xây dựng... trường còn liên kết với các đơn vị, công ty xây dựng để sinh viên có nơi thực hành, thực tập. Ngoài ra, dự kiến trong tháng 8 năm nay, 6 phòng thực hành do Sở Giáo dục và Đào tạo TP Cần Thơ đầu tư xây dựng sẽ hoàn tất, phục vụ cho ngành Công nghệ Kỹ thuật Xây dựng và ngành Tài chính- Ngân hàng. Ông Nguyễn Ngọc Lợi, Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Cần Thơ, cho biết: “Dự kiến, trường sẽ tiếp tục trang bị phòng Điện - Điện tử, là một trong 6 phòng bộ môn quan trọng để phục vụ cho các ngành học mới”.

Không chỉ Trường Cao đẳng Cần Thơ mà các trường khác như: Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Cần Thơ, Cao đẳng Y tế Cần Thơ, Trung cấp Cơ điện và Kỹ thuật Nông nghiệp Nam bộ cũng đã có bước chuẩn bị khá chu đáo cho kỳ tuyển sinh năm 2008. Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Cần Thơ cũng mở thêm 2 ngành học mới ở bậc cao đẳng là Công nghệ thực phẩm và Quản lý đất đai. Ông Huỳnh Thanh Nhã, Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Kinh tế- Kỹ thuật Cần Thơ, cho biết: “Trường tiếp tục thực hiện Dự án nâng cấp cơ sở vật chất để đầu tư trang thiết bị cho một số khoa, như: tủ đông, thiết bị lạnh phục vụ cho khoa Công nghệ chế biến; 2 phòng máy vi tính cho bộ môn Quản lý đất đai... Tất cả nhằm tạo điều kiện để sinh viên, giảng viên có thể thực hành, thực tập, nâng cao chất lượng dạy và học của trường”. Còn theo ông Tôn Thất Khải, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Y tế Cần Thơ, năm 2008 là năm đầu tiên trường tuyển sinh đào tạo bậc cao đẳng ngành Cử nhân Điều dưỡng. Trường cũng đang xin phép Bộ Giáo dục và Đào tạo mở ngành Hộ sinh ở bậc cao đẳng. Do đó, từ năm học 2007-2008, trường đã đầu tư máy chiếu, máy vi tính, mô hình thực tập... phục vụ cho các ngành học này.

Từ khi triển khai thực hiện dự án nâng cấp thành trường cao đẳng kỹ thuật (giai đoạn 2006-2010), hàng năm, Trường Trung cấp Cơ điện và Kỹ thuật Nông nghiệp Nam Bộ được đầu tư khoảng 1 tỉ đồng để nâng cấp, sửa chữa và mua sắm trang thiết bị thực hành, thí nghiệm. Ông Nguyễn Văn Châu, Phó Hiệu trưởng trường, cho biết: “Trường đang đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy. Đồng thời, đầu tư thêm một số thiết bị hiện đại như máy CNC, máy kiểm tra chẩn đoán, kiểm chuẩn ô tô và mô hình trang thiết bị ô tô... cho giáo viên, học sinh thực hành”.

Mặc dù đã nỗ lực đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, trang bị thiết bị nhằm từng bước đáp ứng yêu cầu đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo, song trên thực tế, các trường cao đẳng, trung cấp còn gặp không ít khó khăn.

Còn nhiều trăn trở...

Dù đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo quyết định nâng cấp thành trường cao đẳng, thế nhưng, Trường Cao đẳng Y tế Cần Thơ vẫn còn hoạt động ở cơ sở cũ. Theo ông Tôn Thất Khải, phần lớn kinh phí đầu tư các trang thiết bị thực hành hiện đại là từ nguồn kinh phí hợp tác quốc tế hoặc kinh phí đào tạo của trường. Ông nói: “Điều khiến chúng tôi lo lắng nhất vẫn là tình trạng cơ sở vật chất, phòng ốc thiếu thốn, sắp tới sẽ càng thiếu hơn, trong khi qui mô đào tạo của trường sẽ ngày một tăng. Đến nay, phần đất gần 3 ha ở phía sau trường, do UBND TP Cần Thơ giao, vẫn chưa được giải phóng mặt bằng. Sắp tới, dãy nhà hai tầng của trường sẽ bị giải tỏa để mở rộng đường Nguyễn Văn Cừ”.

Còn ở Trường Cao đẳng Kinh tế- Kỹ thuật Cần Thơ, trang thiết bị thực hành chỉ đáp ứng tương đối cho khối ngành kinh tế. Riêng khối ngành kỹ thuật, trường vẫn chưa có hệ thống trại thực nghiệm. Dù đã có khá đầy đủ trang thiết bị nhưng lãnh đạo Trường Cao đẳng Cần Thơ cũng không kém băn khoăn. Bởi lẽ, trước nay, Trường Cao đẳng Cần Thơ là một trường sư phạm nên cơ sở vật chất, trang thiết bị thực hành chủ yếu dành phục vụ cho lĩnh vực sư phạm. Khi chuyển sang đào tạo đa ngành, trường gặp không ít khó khăn trong việc đào tạo các ngành: Công nghệ kỹ thuật Xây dựng, Công nghệ kỹ thuật Hóa học... Ông Nguyễn Ngọc Lợi nói: “Hiện nay, với một số ngành, trường phải mời giảng viên và liên kết với một số đơn vị, công ty có chuyên môn sâu, giúp giảng viên, sinh viên thực hành, thực tập”.

Đầu tư cơ sở vật chất, tăng cường trang thiết bị luôn là vấn đề được các trường quan tâm. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, để tạo “lực hút” thật sự cho các trường cao đẳng, trung cấp, cần sự đầu tư tập trung, đồng bộ và căn cơ hơn nữa. Đây cũng là nền tảng để nâng cao chất lượng đào tạo của các trường.

• Bài, ảnh: BÍCH KIÊN

Chia sẻ bài viết