29/10/2014 - 09:34

Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIII:

Tạo khuôn khổ pháp lý thống nhất cho việc ban hành văn bản pháp luật

Sáng 28-10, các đại biểu Quốc hội làm việc tại Hội trường nghe Tờ trình về dự án Luật ban hành văn bản pháp luật và thảo luận một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật hộ tịch.

Tờ trình dự án Luật ban hành văn bản pháp luật do Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường trình bày nêu rõ: Việc xây dựng dự án luật nhằm tạo khuôn khổ pháp lý thống nhất cho việc ban hành văn bản pháp luật của các cơ quan nhà nước từ Trung ương tới địa phương với nhiều đổi mới về nội dung nhằm góp phần tiếp tục xây dựng, hoàn thiện và vận hành hệ thống pháp luật đồng bộ, minh bạch, dễ tiếp cận, hiệu lực và hiệu quả…

Luật mới quy định về xây dựng, ban hành văn bản pháp luật và tổ chức thi hành văn bản pháp luật thống nhất từ Trung ương tới địa phương; không quy định việc làm, sửa đổi Hiến pháp; không quy định việc ban hành văn bản có chứa quy tắc xử sự, nhưng chỉ áp dụng trong nội bộ, cơ quan, đơn vị. Việc ban hành quyết định hành chính của các cơ quan Nhà nước ở Trung ương và chính quyền địa phương tuân theo Luật ban hành văn bản hành chính đang được xây dựng và trình Quốc hội năm 2015. Việc ban hành quyết định, bản án của Tòa án nhân dân tuân theo các luật, bộ luật tố tụng (hình sự, dân sự, hành chính). Dự thảo Luật gồm 16 chương, 159 điều (tăng 4 chương, 64 điều so với Luật năm 2007, ít hơn 2 chương, tăng 8 điều so với tổng số chương, điều của cả hai Luật về ban hành văn bản pháp luật hiện hành). Ủy ban Pháp luật là cơ quan thẩm tra dự án Luật cơ bản nhất trí với Tờ trình của Chính phủ về sự cần thiết xây dựng, ban hành Luật Ban hành văn bản pháp luật trên cơ sở sửa đổi, bổ sung và hợp nhất Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2008 và Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân năm 2004.

Ủy ban Pháp luật tán thành với nhiều nội dung của dự thảo Luật. Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng, để đề xuất các quy định mới trong dự thảo Luật có tính khả thi cao thì việc đánh giá các hạn chế, bất cập của các quy định hiện hành, đặc biệt là phân tích nguyên nhân của các hạn chế, bất cập cần được cụ thể, sâu sắc hơn. Trong đó, cần phân biệt giữa hạn chế của các quy định pháp luật hiện hành và hạn chế do việc tổ chức thực hiện, để từ đó đưa ra các kiến nghị trong dự thảo Luật chính xác hơn, phù hợp và khả thi hơn. Theo Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2014, thì dự kiến chính phủ chuẩn bị dự án Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật để trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 8 (tháng 10/2014), nhưng nay Chính phủ đổi tên thành Luật Ban hành văn bản pháp luật để phù hợp với các quy định của Hiến pháp. Vấn đề này, Ủy ban Pháp luật nhận thấy, Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã quy định về thẩm quyền của các cơ quan nhà nước trong việc ban hành văn bản pháp luật và các văn bản pháp luật phải phù hợp với Hiến pháp. Vì vậy, việc đổi tên Luật thành Luật Ban hành văn bản pháp luật là cần thiết để bảo đảm phù hợp với quy định của Hiến pháp. Về phạm vi điều chỉnh của Dự án Luật vẫn còn ý kiến khác nhau. Nhiều ý kiến tán thành với đề nghị của Chính phủ và cho rằng, dự thảo Luật chỉ nên quy định về ban hành các văn bản pháp luật có chứa quy tắc xử sự chung, có hiệu lực bắt buộc chung, được áp dụng nhiều lần đối với mọi cá nhân, tổ chức. Đối với các loại văn bản pháp luật khác, như việc ban hành bản án, quyết định của Tòa án nhân dân tối cao được thực hiện theo luật; các văn bản pháp luật là quyết định hành chính của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền sẽ được điều chỉnh cụ thể trong Luật Ban hành quyết định hành chính đã được đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2015.

Một số ý kiến đề nghị mở rộng phạm vi điều chỉnh của Dự án Luật cho phù hợp với tên gọi, bao gồm cả việc ban hành văn bản pháp luật chung và văn bản pháp luật là các quyết định hành chính, trừ văn bản pháp luật trong lĩnh vực tố tụng. Theo đó, nên sáp nhập nội dung điều chỉnh trong dự án Luật Ban hành quyết định hành chính vào dự án Luật này với tên gọi chung là “Luật Ban hành văn bản pháp luật”. Các ý kiến này cho rằng, quy định như vậy bảo đảm sự thống nhất điều chỉnh các văn bản pháp luật (cả văn bản pháp luật chung và văn bản pháp luật cá biệt) trong một đạo luật. Tuy nhiên, hạn chế của phương án này là do trình tự, thủ tục ban hành văn bản và cơ chế tổ chức thực hiện của mỗi loại văn bản pháp luật là khác nhau, nên rất khó cho việc quy định chung trong một đạo luật. Mặt khác, việc mở rộng phạm vi điều chỉnh của Dự án Luật này đòi hỏi phải có thời gian nghiên cứu, tổng kết thực tiễn, nên có thể ảnh hưởng đến tiến độ trình, thông qua Dự án Luật. Ủy ban Pháp luật cho rằng, để bảo đảm tính khả thi trong tình hình hiện nay, dự án Luật này chỉ nên điều chỉnh đối với việc ban hành văn bản pháp luật như loại ý kiến thứ nhất; đối với các văn bản pháp luật là quyết định hành chính thì sẽ điều chỉnh trong dự án Luật ban hành quyết định hành chính.

Thời gian còn lại của phiên làm việc sáng nay, các đại biểu Quốc hội đã thảo luận về các nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Hộ tịch. Thảo luận về việc cấp Giấy khai sinh và Thẻ căn cước công dân, đa số ý kiến đại biểu Quốc hội tán thành với đề nghị của Chính phủ tiếp tục cấp Giấy khai sinh cho trẻ em khi đăng ký khai sinh như quy định hiện hành, bởi vì đây là nhu cầu và là quyền của người dân được sử dụng thuận lợi từ nhiều năm nay để bảo vệ lợi ích của mình.

Tại phiên thảo luận, các đại biểu Quốc hội cũng đã cho ý kiến cụ thể về các nội dung: Phạm vi điều chỉnh của dự án Luật Hộ tịch; lệ phí hộ tịch; thủ tục, thời hạn đăng ký hộ tịch; công chức tư pháp - hộ tịch.

Quỳnh Hoa (TTXVN)

Chia sẻ bài viết