27/04/2023 - 20:33

Tạo điều kiện cho doanh nghiệp hấp thụ vốn tín dụng 

Nhiều năm qua, khó khăn lớn nhất mà khối doanh nghiệp (DN) tư nhân Việt Nam luôn đối mặt là tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng, phục vụ cho sản xuất kinh doanh. Nhất là kể từ lúc dịch COVID-19 bùng phát, việc thu hẹp khả năng hấp thụ dòng vốn tín dụng đã đẩy hàng chục ngàn DN rơi vào tình thế khó khăn. DN rất kỳ vọng, tín dụng ngân hàng “nới lỏng” hơn để DN có điều kiện phục hồi và phát triển sản xuất kinh doanh.

Nhiêu khê trong tiếp cận tín dụng 

Kết quả điều tra PCI 2022 do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa công bố, với trên 8.478 DN tư nhân Việt Nam phản hồi thông tin, cho thấy niềm tin kinh doanh của DN năm 2022 đã cải thiện so với năm 2021, nhưng vẫn ở mức thấp. Triển vọng kinh doanh trong 2 năm tới, chỉ 35% DN cho biết sẽ mở rộng quy mô kinh doanh; 10% DN dự định giảm quy mô, hoặc đóng cửa. Năm 2022, tỷ lệ DN báo lãi, tăng quy mô lao động đều giảm so với năm 2019 (thời điểm chưa có dịch COVID-19); trong khi tỷ lệ DN báo lỗ tăng mạnh. Điều này cho thấy, các DN trong nước đã trải qua quãng thời gian khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh trong thời điểm dịch COVID-19 bùng phát từ năm 2020 đến nay.

Cũng theo khảo sát PCI 2022, trong 5 khó khăn lớn nhất mà DN gặp phải trong năm 2022 thì tiếp cận vốn và tìm kiếm khách hàng là 2 khó khăn chiếm tỷ trọng cao nhất. DN quy mô siêu nhỏ và nhỏ là nhóm khó tiếp cận tín dụng hơn cả trong năm 2022. Tỷ lệ DN có khoản vay từ ngân hàng giảm mạnh, nếu thời điểm trước dịch COVID-19 (năm 2019), có 43% DN có vay vốn từ ngân hàng, thì đến năm 2022, tỷ lệ này giảm chỉ còn 17,8%. Nhóm các DN có quy mô vốn từ 3 tỉ đồng trở xuống, tỷ lệ DN đang tiếp cận tín dụng chỉ 11,3%. Với nhóm vốn từ trên 3 tỉ đồng đến 10 tỉ đồng, tỷ lệ này là 20,5%. Nhóm DN quy mô vốn 10-20 tỉ đồng là 28,3%. Ở các nhóm còn lại, tỷ lệ DN đang tiếp cận vốn cũng chỉ xung quanh mức 25-35%.

Khảo sát PCI 2022 cũng cho thấy trở ngại lớn nhất là việc DN không thể vay vốn nếu không có tài sản thế chấp (79,4%). Cụ thể, 58,7% DN cho biết “các ngân hàng, tổ chức tín dụng áp đặt điều kiện tín dụng bất lợi cho DN tư nhân” (năm 2021 là 41,8%; “thủ tục vay vốn phiền hà” 58,6% (năm 2021 là 46,2%); tình trạng “DN phải “bồi dưỡng” cho cán bộ tín dụng để vay vốn” 55,8% (năm 2021 là 37,3%), và “cán bộ tín dụng cố tình bắt lỗi, kéo dài thời gian xử lý hồ sơ của doanh nghiệp” đến 49,8% trong khi năm 2021 chỉ 27,4%. Đánh giá về tình hình vay vốn tại địa phương, khoảng 61% DN cho biết “thủ tục vay vốn phiền hà” trong năm 2022 có liên quan đến việc vay từ các ngân hàng tư nhân, trong khi tỷ lệ này chỉ khoảng 36% đối với DN đi vay từ ngân hàng có vốn nhà nước.

Vốn tín dụng từ ngân hàng là “điểm tựa” rất quan trọng đối với DN, vì vậy, việc tiếp cận vốn khó khăn sẽ tạo ra áp lực rất lớn cho DN trong quay vòng vốn phục vụ sản xuất kinh doanh. Các chuyên gia kinh tế cho rằng, vốn là mạch máu của DN, nhất là trong tình thế khó khăn hiện nay, cầu thị trường thấp điểm, xuất khẩu gặp khó thì việc hỗ trợ DN tìm kiếm thị trường, khơi thông dòng vốn cho sản xuất kinh doanh cần được tính toán căn cơ hơn. Cùng với đó, chính sách tài chính cũng cần song hành để tạo sự linh hoạt, thích ứng nhanh trong hoàn cảnh khó khăn, thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế.

Tiếp sức thêm cho DN

Năm 2022, một trong những chương trình hỗ trợ tín dụng quan trọng cho DN là gói hỗ trợ lãi suất 2%, với quy mô 40.000 tỉ đồng (thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội 2022-2023) thông qua hệ thống ngân hàng thương mại nhằm giúp các DN, hộ kinh doanh, hợp tác xã phục hồi sau đại dịch COVID-19 (Nghị định 31/NĐ-CP của Chính phủ ngày 20-5-2022). Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã có Thông tư số 03/2022/TT-NHNN hướng dẫn các ngân hàng thương mại và đã có nhiều cuộc họp, hội nghị triển khai, tuy nhiên DN rất khó khăn trong tiếp cận.   

Theo VCCI, kết quả khảo sát PCI 2022, về tiếp cận gói hỗ trợ lãi suất 2% cho thấy, tỷ lệ DN biết đến gói hỗ trợ rất thấp và con số tiếp cận được cũng khiêm tốn. Cụ thể, 29,5% DN có biết tới gói hỗ trợ 2% lãi suất, song chỉ khoảng 2% DN cho biết đã nhận được khoản vay theo chương trình hỗ trợ lãi suất 2%. Trên thực tế, tính đến cuối tháng 12-2022, số tiền lãi đã hỗ trợ mới đạt khoảng 135 tỉ đồng cho hơn 1.700 khách hàng và theo dự kiến của cơ quan chức năng đến cuối năm 2023, con số giải ngân của gói hỗ trợ 2% lãi suất chỉ đạt khoảng 2.450 tỉ đồng. Trong khi đó, DN đang khó khăn và rất cần vốn, nhất là vốn hỗ trợ, với lãi suất ưu đãi, thấp.

Kết quả PCI 2022 cũng cho biết, tới 56,7% DN gặp khó khăn khi thực hiện thủ tục tiếp cận khoản vay theo gói hỗ trợ 2% lãi suất, do khó đáp ứng điều kiện cho vay của ngân hàng. Cũng theo phản ánh của DN, tiêu chí “có khả năng phục hồi” (theo quy định của Nghị định 31/2022/NĐ-CP) chưa có hướng dẫn cụ thể để thực hiện, nên các ngân hàng lúng túng trong việc xét duyệt hồ sơ cho DN vay. Bên cạnh đó, nhiều DN cũng e ngại phải tuân thủ các thủ tục liên quan đến hậu kiểm, thanh tra, kiểm toán sau khi tiếp nhận hỗ trợ, nên tìm nguồn vốn khác…

Đáng lo ngại hơn cả, có tới 12,5% DN đã phải xoay sang vay “tín dụng đen” (tăng mạnh so với con số 4% của năm 2021); PCI 2022 ghi nhận lãi suất trung bình các khoản tín dụng đen là khoảng 46,5%/năm.

Báo cáo PCI 2022 cũng ghi nhận, trường hợp không thể vay vốn được từ các ngân hàng, các DN vẫn phải xoay sở từ các nguồn khác để có vốn kinh doanh. Cụ thể, 75,5% DN vay mượn từ người thân, bạn bè, tăng đáng kể so với con số 51% của báo cáo PCI 2021. Cạnh đó, 24,3% DN tìm tới các nguồn khác như huy động từ cổ đông, vay từ DN khác hoặc cầm cố, bán tài sản của DN... Các chuyên gia cho rằng, những đánh giá về triển vọng kinh tế toàn cầu vẫn tiếp tục ghi nhận những yếu tốt bất định, khó dự đoán. Việt Nam dù thích ứng linh hoạt sau đại dịch và đạt tăng trưởng ấn tượng, nhưng nền kinh tế có độ mở lớn hơn 200% GDP thì các biến động bên ngoài sẽ ảnh hưởng tức thời đến hoạt động sản xuất kinh doanh của DN. Vậy nên, cần có các chương trình, chính sách hỗ trợ toàn diện hơn cho DN; đặc biệt là khơi thông dòng vốn tín dụng.  

Theo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN), năm 2023, định hướng tín dụng của NHNN tăng trưởng 14-15% có điều chỉnh tùy tình hình thực tế của nền kinh tế. Tính đến 20-4-2023, tín dụng toàn hệ thống đạt trên 12,23 triệu tỉ đồng, tăng 2,57% so với cuối năm 2022, tăng 10% so với cùng kỳ năm 2022. Lãnh đạo NHNN cũng yêu cầu các tổ chức tín dụng (TCTD) tiếp tục hướng dòng vốn vào sản xuất kinh doanh, các lĩnh vực ưu tiên; tạo thuận lợi cho người dân, DN tiếp cận vốn tín dụng từ ngân hàng; tiếp tục triển khai gói hỗ trợ 2% lãi suất; tuyên truyền rộng rãi về gói hỗ trợ 120.000 tỉ đồng xây dựng, mua nhà ở xã hội…

Song song đó, NHNN cũng vừa ban hành Thông tư 02/2023/TT-NHNN (ngày 23-4-2023) quy định về việc TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời gian trả nợ và giữ nguyên món nợ nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn. Thời gian thực hiện cơ cấu lại nợ từ 24-4 đến 30-6-2023; NHNN giao quyền tự quyết cho các TCTD thực hiện cơ cấu nợ và giữ nguyên món nợ, nhưng thời hạn trả nợ không vượt quá 12 tháng. Theo nhận định của các chuyên gia, khi Thông tư 02 là liều thuốc kịp thời cho DN hiện nay. Bởi trong đợt cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho nhóm khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 trước đó (theo Thông tư 01/2020/TT-NHNN) có gần 1,1 triệu khách hàng được cơ cấu lại thời ghạn trả nợ, giữ nguyên món nợ với giá trị 722.000 tỉ đồng. Qua đó giúp DN có động lực phục hồi sản xuất kinh doanh, nên các DN rất kỳ vọng Thông tư 02 triển khai nhanh chóng để DN giảm bớt gánh nặng về chi phí vốn.

GIA BẢO

Chia sẻ bài viết