04/10/2017 - 22:15

Tạo cơ chế thông thoáng cho công tác quản lý khu công nghiệp, khu kinh tế 

Trong thời gian qua, việc phát triển các khu công nghiệp (KCN), khu chế xuất (KCX), khu kinh tế (KKT) là nguồn quan trọng thúc đẩy kinh tế đất nước phát triển. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện công tác quản lý nhà nước đối với KCN, KCX, KKT còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc.

Công tác quản lý còn nhiều bất cập

Thực tế thời gian qua, công tác quy hoạch và phát triển các KCN, KCX, KKT không tập trung mà mang tính chất dàn trải. Mỗi tỉnh, thành đều có KCN, KCX, KKT, việc quy hoạch này có ưu điểm là thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương và giải quyết việc làm cho những địa phương có điều kiện kém phát triển hơn các tỉnh, thành phố trung tâm. Tuy nhiên, kết quả đạt được không như kỳ vọng. Vẫn còn xảy ra hiện tượng các KCN, KCX, KKT phát triển ồ ạt và không hiệu quả, không kêu gọi được các nhà đầu tư trong và ngoài nước có tiềm lực mạnh vào đầu tư. Đó là chưa nói đến việc cạnh tranh giữa các địa phương trong thu hút đầu tư.

KCN Trà Nóc, TP Cần Thơ.

Về kiểm tra, thanh tra, theo Nghị định số 29/2008/NĐ-CP ngày 14/3/2008, Nghị định số 164/2013/NĐ-CP ngày 12-11-2013 và Thông tư Liên tịch số 06/2015/TTLT-BKHĐT-BNV ngày 03-9-2015 thì giao Ban Quản lý các KCN, KCX, KKT là đơn vị chủ trì “tổ chức kiểm tra, xử lý theo thẩm quyền”. Tuy nhiên, trong Luật Thanh tra số 56/2010/QH12 ngày 15/11/2010 và Nghị định số 86/2011/NĐ-CP ngày 22/09/2011 thì không có Ban Quản lý KCN, KCX, KKT. Như vậy, Ban quản lý rất khó thực hiện được nhiệm vụ kiểm tra, xử lý theo thẩm quyền.

Thực tế hiện nay, trong KCN, KCX, KKT gần như cơ quan nào cũng đều được quyền tổ chức kiểm tra, thanh tra (thanh tra địa phương, thanh tra các Bộ, thanh tra chuyên ngành…). Lấy một ví vụ điển hình về lĩnh vực môi trường trong KCN, KCX, KKT, một doanh nghiệp phải tiếp hơn 4 cơ quan kiểm tra, thanh tra: Tổng cục Môi trường của Bộ Tài nguyên Môi trường, Sở Tài nguyên Môi trường, Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường, Cục cảnh sát môi trường…

Về quản lý và phát triển hạ tầng ngoài KCN, KCX, KKT, hiện nay vẫn chưa có sự đồng bộ về hạ tầng trong và ngoài KCN, KCX, KKT (điện, nước, hạ tầng giao thông…). Các hạ tầng ngoài KCN, KCX, KKT được quy hoạch nhằm mục đích phục vụ dân sinh trên địa bàn và do nhiều cơ quan quản lý riêng. Vì thế, rất khó khăn cho việc đáp ứng nhu cầu và phục vụ cho KCN, KCX, KKT. Bên cạnh đó, quản lý giá cho thuê đất, việc quản lý giá mà các chủ đầu tư kinh doanh hạ tầng KCN, KCX, KKT cho doanh nghiệp thuê đất vẫn còn bất cập và chưa phù hợp. Tại mục 2, khoản 10, Điều 1 Nghị định 164/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 29/2008/NĐ-CP ngày 14/3/2008 có quy định: “nhà đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng KCN, KTT định giá cho thuê, cho thuê lại đất đã xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật, các loại phí sử dụng hạ tầng liên quan khác theo quy định của Pháp luật và đăng ký với Ban Quản lý về khung giá và các loại phí...

Do đó, chủ đầu tư kinh doanh hạ tầng đưa ra khung giá cho thuê đất, Ban quản lý KCN, KCX, KKT chỉ tiếp nhận đăng ký giá cho thuê đất của chủ đầu tư kinh doanh hạ tầng; dẫn đến trường hợp nhà đầu tư hạ tầng đưa ra giá thuê đất quá cao (không có cơ quan nhà nước có thẩm quyền tham gia) và Ban Quản lý KCN, KCX, KKT không có quyền can thiệp, làm ảnh hưởng đến việc kêu gọi đầu tư.

Ngoài ra công tác quản lý nhà nước trong KCN, KCX, KKT về môi trường, xây dựng, lao động, đăng ký bảng lương của doanh nghiệp... phải được ủy quyền của UBND cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Sở chuyên ngành liên quan, thậm chí là UBND quận, huyện thì Ban Quản lý mới được thực hiện. Tóm lại, công tác quản lý nhà nước trong khu chỉ thực hiện được nhiệm vụ sau khi được ủy quyền.

Cần tạo cơ chế thoáng

Từ những khó khăn, vướng mắc nêu trên, để nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước đối với KCN, KCX, KKT các tỉnh, thành trong cả nước, Chính phủ, Quốc hội xem xét, tạo điều kiện tốt cho công tác quản lý của Ban Quản lý. Nên giao nhiệm vụ cho Trưởng ban và Trưởng ban chịu trách nhiệm về quyết định của mình.

Về quy hoạch phát triển KCN, KCX, KKT, đề nghị Chính phủ rà soát lại, địa phương nào có điều kiện thì phát triển và phát triển theo định hướng chuyên ngành dễ thu hút được đầu tư; tránh lãng phí đất đai, nhân - vật lực và còn triệt tiêu lẫn nhau. Tập trung quy hoạch, phát triển KCN ở các trung tâm kinh tế trọng điểm vùng, còn các tỉnh, thành phố khác thì quy hoạch phát triển cụm tiểu thủ công nghiệp để phát triển kinh tế, giải quyết việc làm cho địa phương.

Về tên gọi Ban quản lý KCN, KCX, KKT, trên thực tế hiện nay, khi nói đến “Ban Quản lý KCN, KCX, KKT” thì nhiều tổ chức, doanh nghiệp hiểu nhầm là “Ban Quản lý dự án” trực thuộc các chủ đầu tư kinh doanh hạ tầng KCN, KCX, KKT. Trong đó, nhiều cơ quan quản lý nhà nước từ Trung ương đến địa phương cũng hiểu là “Ban Quản lý dự án”. Từ đó, dẫn đến “quên mất” Ban Quản lý KCN, KCX, KKT khi ban hành các văn bản quy pháp luật và các cuộc họp quan trọng, có tính chất quyết định đến sự phát triển của địa phương và cả nước. Để tránh nhầm lẫn, đề nghị Chính phủ, Quốc Hội đổi tên Ban Quản lý KCN, KCX, KKT (có thể gọi là “Cục Quản lý các KCN, KCX, KKT” trực thuộc UBND tỉnh, thành phố hoặc trực thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư).

Về cơ sở pháp lý của Ban quản lý, cần khắc phục những chồng chéo trong ban hành văn bản pháp luật, đề nghị Chính phủ, Quốc hội ban hành Luật về KCN, KCX, KKT và có các Văn bản hướng dẫn Luật như các Luật chuyên ngành khác theo cơ chế đặc thù. Từ đó, sẽ khắc phục được các chồng chéo, bất cập trong quản lý nhà nước như hiện nay. Đồng thời, kèm theo việc ban hành thống nhất chung cả nước “Mẫu quy chế phối hợp” giữa Ban Quản lý với các cơ quan chức năng có thẩm quyền trực tiếp giải quyết thủ tục hành chính theo cơ chế “một cửa liên thông” áp dụng tại các Ban Quản lý. Có như vậy mới tạo được môi trường thông thoáng hấp dẫn để thu hút đầu tư.

Về công tác thanh tra, kiểm tra, kiến nghị bổ sung chức năng thanh tra của Ban quản lý KCN, KCX, KKT vào Luật Thanh tra; trước mắt, cho phép Ban Quản lý thực hiện nhiệm vụ thanh tra theo ủy quyền của tỉnh, thành phố để thực hiện việc kiểm tra, giám sát và xử lý theo quy định của Thông tư số 06/2015/TTLT- BKHĐT-BNV. Có như vậy mới phát huy được vai trò quản lý nhà nước đối với Ban quản lý KCN, KCX, KKT.

Về ủy quyền, Chính phủ nên có văn bản thống nhất quy định rõ chỉ có cơ quan quản lý nhà nước cấp trên mới được ủy quyền cho cơ quan quản lý nhà nước cấp dưới (không có trường hợp ủy quyền cùng cấp hoặc ủy quyền ngược không phù hợp với phân cấp hành chính, lãnh thổ).

NGUYỄN HỮU PHƯỚC
Phó trưởng Ban Quản lý các KCX&CN Cần Thơ

Chia sẻ bài viết