Tăng quyền tự chủ, làm rõ hoạt động hội đồng trường (HĐT); đẩy mạnh việc phân tầng, xếp hạng đại học (ĐH)... là những điểm chính được cán bộ quản lý các trường ĐH ở ĐBSCL góp ý Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục Đại học (GDĐH), do Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tổ chức tại TP Cần Thơ vừa qua.
Tăng quyền tự chủ, làm rõ vai trò HĐT
Luật GDĐH ban hành năm 2012 là luật chuyên ngành đầu tiên của lĩnh vực này, đáp ứng kịp thời việc thể chế hóa quan điểm, đường lối của Đảng về đổi mới căn bản và toàn diện GDĐH để phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa- hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Tuy nhiên, sau gần 5 năm thực hiện, Luật GDĐH đã dần bộc lộ một số hạn chế, bất cập trước thực tiễn tổ chức và hoạt động GDĐH trong điều kiện phát triển kinh tế- xã hội và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng. Theo Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Mạnh Hùng, việc xây dựng và ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật GDĐH nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập về pháp luật đối với GDĐH trong thời gian qua, hoàn thiện khung pháp lý về GDĐH, giải quyết những vấn đề mới phát sinh và đáp ứng yêu cầu đổi mới GDĐH trong thời gian tới.

Cơ sở vật chất là một trong tiêu chuẩn kiểm định chất lượng giáo dục, cơ sở đánh giá phân tầng, xếp hạng GDĐH. (Trong ảnh: Một góc Trường ĐHCT). Ảnh: B.KIÊN
Trong dự thảo Luật GDĐH sửa đổi lần này, cán bộ quản lý các trường ở ĐBSCL đánh giá cao nhiều bổ sung so với luật trước đây. Thế nhưng vẫn cần làm rõ nhiều vấn đề; trong đó có vấn đề tự chủ ĐH và HĐT. Tiến sĩ Nguyễn Minh Phương, Trưởng Phòng Đào tạo ĐH, Trường ĐH Y Dược Cần Thơ, cho biết: Tuy trường được giao cơ chế tự chủ nhưng chưa thể quyết bổ nhiệm ban giám hiệu trường. Do vậy, trường cần được giao quyền tự chủ nhiều hơn, để HĐT tiến hành quy trình bầu hiệu trưởng và trình Bộ trưởng Bộ GD&ĐT phê chuẩn. Đồng thời có thể ra nghị quyết về kinh phí đầu tư mua sắm, xây dựng cơ bản. Tiến sĩ Phương nói: “Quy định HĐT, thành viên ngoài trường tối thiểu 20% và tối đa 30% là phù hợp; không nhất thiết có sinh viên tham gia, bởi trường đã có hoạt động ghi nhận ý kiến của sinh viên ở hội, đoàn thể”.
Về HĐT, cán bộ quản lý các trường thống nhất phương án 1: HĐT tiến hành bầu hiệu trưởng và trình Bộ trưởng Bộ GD&ĐT phê chuẩn. Thế nhưng, cần quy định rõ nhiệm kỳ của HĐT là 5 năm. Theo Thạc sĩ Nguyễn Minh Trí, Trưởng Phòng Đào tạo, Trường ĐH Cần Thơ, Luật cần quy định rõ nhiệm kỳ của HĐT, của hiệu trưởng là 5 năm. Hiệu trưởng được bổ nhiệm theo nhiệm kỳ và không quá 2 nhiệm kỳ liên tiếp. Đồng thời quy định các cơ sở GDĐH khác với ĐH Quốc gia được tự chủ trong việc mở ngành đào tạo trình độ đại học, thạc sĩ và tiến sĩ. Cụ thể là cho phép mở đào tạo trình độ tiến sĩ đối với các trường ĐH đã được kiểm định công nhận chất lượng đào tạo. Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Tiền Giang Lê Quang Trí cho rằng: “Luật nên quy định rõ trách nhiệm của người đứng đầu (hiệu trưởng, chủ tịch HĐT, chủ tịch hội đồng quản trị). Với trách nhiệm được quy định, các trường phải chọn những người có tâm, có trách nhiệm, nếu họ không hoàn thành nhiệm vụ thì có các biện pháp khắc phục, nhằm góp phần nâng cao chất lượng GDĐH”.
Ông Võ Văn Thắng, Hiệu trưởng Trường ĐH An Giang, cho rằng: Dự thảo Luật chưa khái quát đầy đủ về các trường ĐH thuộc địa phương; trong đó có mối quan hệ của HĐT với Đảng ủy cơ sở ở địa phương. Thực tế, các quyết sách, định hướng phát triển của Trường ĐH An Giang đều phải thông qua Tỉnh ủy, kể cả việc bổ nhiệm trưởng khoa, trưởng phòng cũng phụ thuộc vào Sở Nội vụ. Luật cần quy định rõ về việc HĐT quyết định chiến lược, nhân sự và đưa ra các quyết sách;… cũng như ngân sách hoạt động của HĐT. Về vấn đề người ngoài trường tham gia vào HĐT, quy định có sinh viên tham gia sẽ không khả thi vì sinh viên lo việc học, thời gian học chỉ có 4 năm; còn các đại diện bên ngoài tham gia vào HĐT trường khó có sự gắn kết vì bận rộn công việc. Do vậy, thành phần ngoài trường tham gia HĐT cần quy định ở một số lượng nhất định, hợp lý hơn.
Phân tầng ĐH: Xu thế tất yếu
Bên cạnh vấn đề tự chủ ĐH, việc phân tầng, xếp hạng các cơ sở GDĐH được nhiều đại biểu quan tâm. Ông Dương Thái Công, Hiệu trưởng Trường ĐH Kỹ Thuật- Công nghệ Cần Thơ, cho biết: Để làm tốt việc phân tầng, xếp hạng GDĐH, thì nên có tổ chức độc lập, có thể bổ sung một tổ chức nước ngoài có uy tín, không phụ thuộc vào cơ sở giáo dục nào, nhằm đánh giá khách quan để phân tầng, xếp hạng các cơ sở GDĐH Việt Nam. Ông Công nói thêm: “Với quy hoạch mạng lưới cơ sở GDĐH, cần có định hướng sáp nhập các lĩnh vực đào tạo trùng với nhau, đầu tư có trọng điểm để tạo thành các trường ĐH mạnh về nguồn lực, cơ sở vật chất. Ví dụ như ĐBSCL có 18 triệu dân nên cần thiết phải có một trường kỹ thuật (giống như ĐH Bách khoa cho vùng), để thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội vùng. Từ đó, nâng mức đầu tư tương xứng hơn. Kiến nghị Bộ GD&ĐT tham mưu, đề xuất Chính phủ đầu tư xây dựng trường ĐH bách khoa ĐBSCL trong 5-10 năm tới”.

Sinh viên Trường ĐH Kỹ thuật- Công nghệ Cần Thơ trong giờ học thực hành. Ảnh: B.KIÊN
Đồng ý với quan điểm cần thiết phải kiểm định chất lượng, tiến tới phân tầng, xếp hạng GDĐH, nhưng ông Trương Tấn Đạt (Trường ĐH Đồng Tháp) vẫn lo lắng về giảng viên. Bởi vẫn còn một số trường có thể hợp đồng, thỉnh giảng giảng viên từ các trường ĐH khác, dẫn đến việc xét tiêu chí xếp hạng ĐH hay quản lý nhân sự khó khăn đối với trường ĐH công lập. Theo ông Lê Quang Trí, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Tiền Giang, Luật cần bổ sung rõ ràng hơn về chính sách trong GDĐH. Thực tế hiện nay, cả nước có trên 200.000 kỹ sư, cử nhân thất nghiệp là do không đảm bảo chất lượng đào tạo, hay chỉ tiêu đào tạo của trường vượt so với nhu cầu xã hội… Đây vốn là một trong những tiêu chuẩn kiểm định chất lượng GDĐH nhưng chưa được chú trọng.
Nhiều cán bộ quản lý quan tâm việc đầu tư nguồn lực cho các trường ĐH nói chung, trường ĐH ngoài công lập nói riêng. Ở khoản 7, điều 1 dự thảo quy định về xã hội hóa giáo dục, nên bổ sung cụm từ “được miễn tiền thuê đất” cho trường ĐH tư, cũng như được quyền quyết định nhân sự của trường. Đồng thời, Bộ nên giao chỉ tiêu tuyển sinh theo nhóm ngành đào tạo để các trường chủ động hơn.
Theo bà Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Vụ GDĐG, Bộ GD&ĐT, tự chủ ĐH, phân tầng, xếp hạng GDĐH là xu thế tất yếu, nhằm tạo lòng tin đối với xã hội về chất lượng. Bộ ủng hộ việc mở rộng phạm vi và nâng cao hiệu quả tự chủ GDĐH trên các phương diện hoạt động chuyên môn, tổ chức và nhân sự; tự chủ trong mở ngành đào tạo; tài chính và tài sản; nhất là đổi mới quản lý đào tạo để đảm bảo chất lượng, hiệu quả để tiệm cận khu vực và quốc tế. Những ý kiến góp ý của các trường ĐH là cơ sở góp phần cho dự thảo Luật GDĐH sửa đổi được hoàn thiện, đạt hiệu quả hơn khi trình tại kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa 14 vào tháng 5-2018.
B.KIÊN