25/09/2021 - 11:23

Nguồn cung vaccine hạn chế:

Tăng độ phủ mũi 1 hay tập trung tiêm đủ 2 mũi?

PGS.TS.BS LÊ THÀNH TÀI 
TRƯỜNG ĐẠI HỌC Y DƯỢC CẦN THƠ

Trong bối cảnh nguồn phân bổ vaccine còn hạn chế như hiện nay, nhiều người băn khoăn khoảng cách giữa 2 mũi tiêm cách xa nhau hơn khuyến cáo của nhà sản xuất có ảnh hưởng đến hiệu lực bảo vệ của vaccine không hoặc có cần tiêm lại từ đầu không? Theo Bộ Y tế, khuyến cáo của nhà sản xuất cho thấy khoảng cách giữa 2 mũi tiêm của các loại vaccine là khác nhau. Cụ thể, vaccine AstraZeneca: từ 8-12 tuần; vaccine Pfizer: 3 tuần và vaccine Moderna là 28 ngày. Theo TS Ðặng Thị Thanh Huyền, Phó trưởng Văn phòng Tiêm chủng mở rộng Quốc gia (Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương), những khuyến cáo về khoảng cách giữa 2 mũi tiêm mà nhà sản xuất đưa ra là mốc lý tưởng nhất, trong bối cảnh sẵn nguồn vaccine. “Nhưng trong tình trạng thiếu vaccine như hiện nay ở Việt Nam, việc tiêm chậm hơn so với khuyến cáo không ảnh hưởng đến hiệu lực của vaccine. Người dân không phải tiêm lại từ đầu các mũi vaccine" - TS Huyền khẳng định.

Việc tiêm vaccine chậm hơn so với khuyến cáo không hề lạ. Chuyện này đã từng xảy ra với nhiều loại vaccine khác nhau trong chương trình tiêm chủng quốc gia. Việc chậm trễ tiêm vaccine COVID-19 trong một khoảng thời gian nhất định, đến mũi tiêm sau vẫn tiếp tục duy trì hiệu quả của vaccine. Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ, khoảng cách giữa 2 liều vaccine là 3 hoặc 4 tuần. Tuy nhiên, có thể tiêm mũi thứ 2 trong vòng 6 tuần kể từ lần tiêm đầu tiên mà vẫn đạt được phản ứng miễn dịch đầy đủ. Ðiều đó cũng không có nghĩa là mũi 2 sẽ không hiệu quả nếu nó được tiêm sau mũi 1 hơn 6 tuần.

Rõ ràng, tất cả các chuyên gia trong và ngoài nước đều thống nhất tiêm chậm mũi 2 trong khoảng thời gian nhất định không hề ảnh hưởng tới miễn dịch của cơ thể, thậm chí có trường hợp giúp tăng miễn dịch và chắc chắn người tiêm mũi 1 không cần phải tiêm bắt đầu lại. Tại các tỉnh ÐBSCL, hiện có 3 loại vaccine phổ biến phòng COVID-19 đã được tiêm cho lực lượng tuyến đầu chống dịch và người dân theo đối tượng ưu tiên, gồm: AstraZeneca, Pfizer và Moderna.

Với vaccine Moderna, theo ThS.BS. Nguyễn Hiền Minh, Phó trưởng Ðơn vị tiêm chủng Bệnh viện Ðại học Y Dược TP Hồ Chí Minh, tất cả người tiêm vaccine Moderna cần tiêm 2 liều cách nhau tối thiểu 28 ngày. Ðây là khoảng thời gian tối thiểu cần thiết để kích thích trí nhớ miễn dịch giữa 2 lần tiêm. Khi các tế bào nhớ của hệ miễn dịch đã hình thành thì việc tiêm những mũi vaccine tiếp theo nếu có muộn hơn cũng không làm trí nhớ miễn dịch mất đi. Thời gian cách xa nhau của 2 mũi vaccine Moderna có thể lên đến 6 tuần-16 tuần (tùy nghiên cứu) mà vẫn đạt được hiệu quả bảo vệ.

Về vaccine AstraZeneca, theo nghiên cứu mới đăng vào tháng 3-2021 trên Lacet - tạp chí y khoa hàng đầu thế giới, với 1 liều tiêu chuẩn của vaccine Astra Zeneca giúp giảm được 70% nguy cơ bệnh COVID-19 có triệu chứng trong 90 ngày đầu tiên sau khi tiêm chủng, đồng thời 1 liều tiêm giúp giảm 100% những ca bệnh phải nhập viện. Nghiên cứu cũng cho thấy với khoảng cách 2 liều từ 12 tháng trở lên, hiệu lực bảo vệ của vaccine tăng đến 82%. Còn theo TS Ðặng Thị Thanh Huyền, Phó trưởng Văn phòng Tiêm chủng mở rộng quốc gia, Bộ Y tế, theo hướng dẫn cập nhật của Bộ Y tế, đối với vaccine AstraZeneca, cần tiêm 2 mũi vaccine, trong đó mũi 2 cách mũi thứ nhất ít nhất 8-12 tuần. Trong trường hợp thời gian tiêm chậm hơn 12 tuần thì người tiêm cũng không phải tiêm lại từ đầu và cũng sẽ không ảnh hưởng hiệu lực của vaccine. Ðến nay, chưa có thời gian tối đa của việc chậm tiêm mũi 2 là bao nhiêu.

Vaccine Pfizer/BioNTech được Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) cấp phép sử dụng đầy đủ cho người trên 16 tuổi và đây cũng là vaccine đầu tiên được Mỹ cấp phép sử dụng đầy đủ, sau khi đã được cấp phép sử dụng khẩn cấp phục vụ tiêm chủng đại trà. Ðối với phần lớn người tiêm vaccine Pfizer/BioNTech, sự bảo vệ đã đạt mức cao sau 2-3 tuần tiêm mũi đầu tiên.

Như vậy, với nguồn cung khan hiếm như hiện nay, có nên vẫn rập khuôn rằng người đã được tiêm 1 mũi nên nhanh chóng được tiêm mũi 2 không? Trong khi đó, tỷ lệ tiêm mũi 1 rất quan trọng trong ngừa nhiễm COVID-19, do vậy tiêu chí ở mọi nơi vẫn là ưu tiên bao phủ mũi 1, 70-80%. Tỷ lệ tiêm mũi 1 của Cần Thơ chỉ mới hơn 20% là quá thấp. Các tỉnh khác trong vùng cũng không khá hơn, nếu không nói là ít hơn. Trong khi Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và một số tỉnh khác đặt mục tiêu 100%. Vậy bài toán đặt ra là với nguồn cung vaccine còn ít như hiện nay thì có nên tập trung tiêm đủ 2 mũi, trong khi rất nhiều người đang cần tạm chỉ 1 mũi để được bảo vệ nhất định? Có lẽ giải pháp can thiệp cộng đồng sắp tới ở Cần Thơ nên là ưu tiên cho phủ nhanh mũi 1 rộng rãi trong dân khi được phân bổ vaccine đợt tới sẽ hiệu quả hơn là tập trung đủ 2 mũi cho chỉ một số người. Khi bao phủ mũi 1 đến mức ngừa bệnh khá an toàn rồi thì lúc có nguồn cung dồi dào - hy vọng là vào cuối năm - thì thoải mái phủ mũi 2 cho cộng đồng. Ðiều này cũng phù hợp với nhận định của GS. Zoe McLaren thuộc Ðại học Maryland, Mỹ: “Qua nghiên cứu cho thấy rõ mức độ tiêm rộng rãi trong dân số sẽ giúp giảm sự lây nhiễm và giữ số ca nhiễm ở mức thấp”. 

 

Chia sẻ bài viết