06/06/2013 - 05:29

Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIII:

Tăng cường trách nhiệm của Quốc hội trong giám sát việc ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành luật

(TTXVN)- Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIII, sáng 5-6, các đại biểu làm việc tại Hội trường, nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra dự án Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (sửa đổi); thảo luận về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2014, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh khóa XIII và năm 2013 của Quốc hội.

Theo Tờ trình của Chính phủ, dự án luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (sửa đổi) gồm 5 Chương, 76 Điều. Dự án luật được xây dựng nhằm kịp thời khắc phục những tồn tại, hạn chế của Luật hiện hành; hoàn thiện thêm cơ chế phát hiện và đấu tranh chống các hành vi gây lãng phí một cách hiệu lực, hiệu quả thông qua việc tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, kiểm toán nội bộ, kiểm soát chi trong các lĩnh vực thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; bảo đảm tính đồng bộ của hệ thống pháp luật...

Đa số ý kiến của Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội nhất trí về phạm vi điều chỉnh như Dự thảo luật, theo đó Luật tập trung điều chỉnh, làm nổi bật vấn đề thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong quản lý, sử dụng tài sản công, tài chính công.

Thảo luận về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2014, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh khóa XIII và năm 2013 của Quốc hội, các đại biểu cơ bản tán thành với Tờ trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá: Thời gian qua Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, các đại biểu Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan, tổ chức hữu quan đã có nhiều cố gắng trong việc xây dựng luật, pháp lệnh, góp phần nâng cao chất lượng cũng như tiến độ chuẩn bị các dự án. Công tác xây dựng pháp luật ngày càng đi vào nề nếp, về cơ bản đáp ứng được yêu cầu quản lý nhà nước, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh và hội nhập kinh tế quốc tế.

Nhiều ý kiến đề nghị các cơ quan có thẩm quyền trình, soạn thảo dự án luật, pháp lệnh cần tập trung đầu tư, nghiên cứu, khảo sát thực tiễn, xây dựng dự thảo văn bản để bảo đảm tiến độ trình và chất lượng của từng dự án. Cần giảm bớt số lượng các dự án luật; tăng cường trách nhiệm của các cơ quan liên quan trong quá trình soạn thảo, bổ sung, chỉnh lý. Đồng thời, Quốc hội cần dành thời gian thỏa đáng tại các Kỳ họp cho công tác xây dựng pháp luật.

Kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu tán thành với ý kiến của các đại biểu về việc bổ sung dự án Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân (sửa đổi) vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2014 cùng với các dự án Luật tổ chức Quốc hội (sửa đổi), Luật tổ chức Chính phủ (sửa đổi)..., để bảo đảm cụ thể hóa Hiến pháp; đồng thời bảo đảm cho khóa mới của Hội đồng nhân dân, Ủy ban Nhân dân sau 2016 có cơ sở để thực hiện nhiệm vụ...

Buổi chiều, Quốc hội đã nghe: Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về dự án Luật đấu thầu (sửa đổi);  Ủy viên Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban kinh tế của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu trình bày Báo cáo thẩm tra về dự án Luật đấu thầu (sửa đổi); Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Phạm Thị Hải Chuyền, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về dự án Luật việc làm; Ủy viên Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội Trương Thị Mai trình bày Báo cáo thẩm tra về dự án Luật việc làm.

Sau đó, Quốc hội đã thảo luận ở hội trường về dự án Luật sửa đổi Điều 170 của Luật doanh nghiệp.

Trong buổi làm việc, đã có 8 đại biểu Quốc hội của 8 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phát biểu. Các ý kiến thảo luận tập trung vào những nội dung sau: Sự cần thiết sửa đổi Điều 170 của Luật doanh nghiệp; Việc đăng ký lại của doanh nghiệp; Đảm bảo tính công bằng giữa các doanh nghiệp tuân thủ và chưa tuân thủ pháp luật…

Hôm nay, 6-6, buổi sáng, Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường; buổi chiều, Quốc hội thảo luận ở tổ.

 

Chia sẻ bài viết