22/04/2020 - 18:42

Tăng cường giải pháp đảm bảo chất lượng và tiến độ cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận 

Ngày 22-4, Công ty Cổ phần BOT Trung Lương - Mỹ Thuận tổ chức hội nghị về “Tiến độ - Chất lượng - Thông tuyến Dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận”. Tham dự hội nghị có đại diện của Bộ Giao thông Vận tải (GTVT), tỉnh Tiền Giang (cơ quan nhà nước có thẩm quyền dự án), Cục Quản lý Xây dựng (Bộ Xây dựng), cơ quan an ninh và thông tấn báo chí…

Tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận đang được tập trung thi công, phấn đấu thông tuyến trong năm nay. 

Đối với Dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận, đến tháng 12-2019, tỉnh Tiền Giang đã bàn giao 100% mặt bằng tuyến chính, chiều dài 51km. Riêng một số công trình hạ tầng kỹ thuật, viễn thông, đường điện cần phải di dời đã được UBND tỉnh Tiền Giang thống nhất sẽ giải quyết dứt điểm trong Quý II-2020. Về công tác thi công và kiểm soát chất lượng trên hiện trường, mặc dù dịch COVID-19 đang ảnh hưởng đến toàn bộ hoạt động của xã hội, nhưng toàn thể cán bộ, công nhân viên dự án thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 31-3, đảm bảo quá trình thi công an toàn. Đến nay, với sự quyết tâm vượt khó, tiến độ dự án đã đạt trên 40% (tăng hơn 30% so với thời điểm tháng 3-2019), với giá trị sản lượng 2.580 tỉ đồng. Chủ đầu tư, cùng các bên liên quan thường xuyên kiểm soát chất lượng công trình theo quy định; các hạng mục chỉ được phép chuyển giai đoạn khi khối lượng đã thực hiện được nghiệm thu đảm bảo đúng quy định dự án.

Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ GTVT phối hợp UBND tỉnh Tiền Giang và các cơ quan, đơn vị có liên quan giám sát chặt chẽ chất lượng thi công dự án, đảm bảo tiến độ… Thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Công ty Cổ phần BOT Trung Lương - Mỹ Thuận đã cùng với các chuyên gia tổ chức họp với các bên liên quan gồm: nhà thầu, tư vấn giám sát, nhà cung cấp vật liệu để đánh giá lại quá trình triển khai và tổ chức thực hiện dự án, rà soát quy trình cung cấp vật liệu đưa vào thi công, trong đó có 310m3 cấp phối đá dăm tập kết tại hiện trường gói thầu XL10; thực hiện các giải pháp tăng cường các biện pháp kiểm soát chất lượng vật liệu cung cấp cho dự án.

Theo Công ty Cổ phần BOT Trung Lương - Mỹ Thuận, dự án này đang gặp một số khó khăn, vướng mắc. Đó là hạn mặn đã ảnh hưởng đến cung cấp vật tư, nguyên vật liệu, do phương tiện vận chuyển khó khăn. Do đó, phải tăng cường vận chuyển bằng đường bộ nhằm đảm bảo tiến độ cung cấp vật liệu theo kịp tiến độ thi công dự án. Khó khăn nữa là nguồn vốn cho dự án, đến thời điểm này tất cả các nguồn vốn của dự án đều có, tuy nhiên nguồn vốn ngân sách hỗ trợ còn khoảng 410 tỉ đồng chưa được giải ngân cho dự án. Chủ đầu tư dự án đề nghị UBND tỉnh Tiền Giang sớm giải ngân phần vốn ngân sách Nhà nước còn lại này… Ban Điều hành dự án phấn đấu với mục tiêu sẽ thông tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận trong năm 2020, kịp phục vụ người dân trong dịp Tết Nguyên đán tới đây. Kế hoạch thi công thời gian tới: trong quí II này hoàn thành công tác gia tải và hoàn thành thi công phần móng cọc cầu; quí III hoàn thành mố, trụ cầu và thảm bê tông nhựa một số đoạn; quí IV dỡ tải, thi công cấp phối đá dăm, hoàn thành bản mặt cầu… Dự án có 1.400 cán bộ, công nhân, trong thời điểm dịch COVID-19 nhưng vẫn nỗ lực thi công trên công trường để hoàn thành mục tiêu thông tuyến trong năm nay.

Chủ đầu tư dự án cho rằng, theo quy định của Chỉ dẫn kỹ thuật của dự án, cấp phối đá dăm đảm bảo chất lượng để làm vật liệu gia tải. 

Ông Nguyễn Tấn Đông, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần BOT Trung Lương - Mỹ Thuận, cho biết: “Ở Dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận vấn đề chất lượng được chủ đầu tư đặt lên hàng đầu, không phải vì chạy theo tiến độ mà bỏ qua chất lượng công trình, chủ đầu tư kiên quyết trong vấn đề xử lý chất lượng. Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ GTVT phối hợp UBND tỉnh Tiền Giang kiểm điểm những sai phạm để rút kinh nghiệm. Nhưng giai đoạn hiện nay, chủ đầu tư cảm thấy chưa sai gì. Tuy nhiên, nhiều người có ý kiến đánh giá thi công không đảm bảo chất lượng, đã ảnh hưởng rất lớn đến dự án, làm cho tinh thần cán bộ, công nhân lao động đang hừng hực khí thế thi công phải chùn xuống.

Cũng theo ông Nguyễn Tấn Đông, đối với 310m3 cấp phối đá dăm thuộc gói thầu XL10 thời gian qua dư luận rất quan tâm, số vật liệu này sử dụng để gia tải. Theo quy định của Chỉ dẫn kỹ thuật của dự án (đã được Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông - Bộ GTVT thẩm định), vật liệu gia tải là những vật liệu có thể xây dựng nền đường hoặc vật liệu khác, miễn là đủ tải trọng để ép xuống cho tăng độ cấu kết của nền đất. Còn việc sử dụng vật liệu xây dựng để làm nền mặt đường là chuyện khác, hai chuyện khác nhau hoàn toàn. Vừa qua, có hiểu lầm là vật liệu này gia tải xong làm mặt đường. Giai đoạn này, dự án đang thực hiện công tác gia tải nên bất cứ vật liệu nào có đủ tải trọng để thực hiện gia tải là được đưa vào để sử dụng. Về khối lượng cấp phối đá dăm 310m3, khẳng định hoàn toàn đảm bảo chất lượng để làm vệu gia tải. Tuy nhiên, trong dự án này có sử dụng cấp phối đá dăm để gia tải, để hạn chế việc lãng phí của nhà thầu thì dự án cũng tăng cường kiểm soát từ đầu vào, hạn chế trong trường hợp nhà thầu đem vật liệu không thích hợp làm phối đá dăm sau này phải bỏ đi vì không đảm bảo chất lượng. Ngoài việc thành lập một tổ kiểm soát chất lượng tại mỏ sản xuất, dự án cũng tăng cường kiểm soát tại công trường trước khi vật liệu cập bến ở công trường...

Hồng Bảo

Chia sẻ bài viết