14/08/2013 - 09:37

Tăng cường công khai, minh bạch trong hoạt động tố tụng

(CT)- Ngày 13-8-2013, đồng chí Lê Văn Tâm, Trưởng ban Nội chính Thành ủy cùng các thành viên trong Ban đã đến nắm tình hình phòng chống tham nhũng và hoạt động của ngành TAND TP Cần Thơ.

7 tháng đầu năm 2013, TAND 2 cấp trong thành phố đã thụ lý 6.811 vụ việc, đã giải quyết 3.608 vụ, việc đạt tỷ lệ 52,97%. Theo đánh giá của TAND thành phố, mặc dù có nhiều nỗ lực nhưng tỷ lệ giải quyết án còn thấp; án tồn nhiều, án quá hạn luật định khá cao. Nguyên nhân án tồn đọng là do đương sự cố tình lẩn tránh khi đo đạc, định giá, vắng mặt nhiều lần… TAND các cấp đã tăng cường mở các phiên tòa xét xử lưu động. Hàng năm, TAND thành phố đều xây dựng Chương trình công tác PCTN, lãng phí và triển khai các văn bản về PCTN. Lãnh đạo ngành tòa án luôn nhắc nhở đội ngũ thư ký, thẩm phán về nâng cao đạo đức nghề nghiệp, thực hiện liêm chính vô tư. TAND thành phố luôn quan tâm công khai, minh bạch các hoạt động của cơ quan, công khai quy chế chi tiêu nội bộ. Quá trình triển khai Nghị quyết 49-NQ/TW của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020, ngành tòa án đã phối hợp với Viện kiểm sát nhân dân thành phố thống nhất dự kiến thành lập 5 TAND khu vực. Tuy nhiên, hiện tại trụ sở các tòa án trên địa bàn thành phố nếu chia ra các tòa án khu vực thì không đáp ứng theo đúng chuẩn như Nghị quyết 49-NQ/TW nêu ra. Hiện tại, số lượng thẩm phán không đáp ứng với nhu cầu công việc ngày càng gia tăng, toàn ngành tòa án có 192/215 biên chế.

Đồng chí Lê Văn Tâm, Trưởng ban Nội chính Thành ủy, đề nghị ngành tòa án công khai minh bạch trong hoạt động tố tụng, quy chế chi tiêu nội bộ; kê khai, công khai thu nhập tài sản. Lãnh đạo ngành tòa án cần thường xuyên quan tâm giáo dục nhắc nhở đạo đức công vụ cho cán bộ công chức; tăng cường giám sát, kiểm tra thường xuyên công tác xét xử và hoạt động của ngành để ngăn ngừa tham nhũng xảy ra. Đối với hoạt động của ngành, lượng án ngày càng tăng; số lượng và chất lượng thẩm phán, thư ký cũng cần được nâng lên. Ngành tòa án tuy có quan tâm công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, nhưng đến thời điểm này án tồn đọng, quá hạn luật định khá nhiều nên TAND thành phố cần tăng cường trách nhiệm lãnh đạo, tập trung chỉ đạo TAND các quận, huyện rà soát lại các án còn tồn đọng và làm việc với địa phương để có biện pháp tháo gỡ. TAND thành phố cần đôn đốc, nhắc nhở, rà soát, đánh giá lại năng lực công tác của các thẩm phán để hoạt động xét xử đạt hiệu quả…

S.Hà

Chia sẻ bài viết