25/04/2008 - 09:34

Tấm lòng người ở lại

Chiến tranh đã lùi xa 33 năm nhưng câu chuyện tình tuyệt đẹp, hiếm có giữa cô gái Trần Thị Ba với người yêu là liệt sĩ Phan Văn Ngôi thường được bà con ở ấp Nhơn Thọ 1, xã Nhơn Ái, huyện Phong Điền, TP Cần Thơ kể với sự trân trọng. 42 năm qua, kể từ ngày người yêu sắp cưới hy sinh, cô gái ấy đã dành trọn tuổi xuân của mình thay người yêu phụng dưỡng cha mẹ già, lo chuyện hương khói cho gia đình của người đã khuất...

Chiều muộn, trên mảnh đất nhỏ cặp bên căn nhà tình nghĩa sạch sẽ, ngăn nắp, bà Ba vẫn loay hoay chăm sóc mấy luống rau. Cô gái giao liên ngày nào nay đã là một phụ nữ 65 tuổi, dáng vẻ gầy gò bởi chứng bệnh tim và cao huyết áp... nhưng vẫn cần mẫn, chịu thương, chịu khó như ngày nào. Sửa cặp kính to đang mang từ sau lần phẫu thuật mắt, bà Ba nheo nheo mắt nhìn người đối diện, phân bua: “Bây giờ mà bỏ kiếng ra là không nhìn thấy gì nữa nhưng cũng phải ráng trồng trọt thêm cho đỡ tốn kém”.

 Bà Trần Thị Ba nâng niu di ảnh duy nhất của liệt sĩ Phan Văn Ngôi. Ảnh: L.G

Nghe hỏi về chuyện tình của bà với liệt sĩ Phan Văn Ngôi, trong đôi mắt nhấp nhem, ký ức một thời tuổi trẻ như sống dậy. Bà kể: “ Đầu năm 1960, trạm y tế của anh Sáu Ngôi đóng tại Mương Củi (nay là ấp Nhơn Bình, xã Nhơn Ái, huyện Phong Điền), cách nhà tôi vài mươi mét. Những lúc rảnh rỗi, anh Sáu thường tới nhà tôi chơi, thấy mấy anh vất vả, ba tôi thường kêu vợ con nấu cơm cho mấy anh ăn”. Dần dần, giữa chàng trai Sáu Ngôi hiền lành và cô Ba đảm đang nảy sinh tình cảm đôi lứa. Mối tình đó được sự ủng hộ của hai gia đình. Bà Ba cười, kể tiếp: “Anh Sáu đẹp trai lắm! Ảnh sống rất lễ nghĩa, biết đối xử nên không chỉ riêng gia đình tôi đâu mà cả xóm đều thương ảnh. Ừ, mà ảnh cũng lạ, muốn rủ tôi đi đâu đều tới xin phép gia đình tôi trước. Mấy lần ảnh xin phép gia đình cho tôi đi coi lễ Mặt trận ở tận xã Thạnh Xuân (tỉnh Hậu Giang) mà cũng không cho mình hay trước. Cứ đến lúc đi là tới dắt đi...”.

Còn bà Ba, lúc ấy cũng là cô gái giỏi giang. Không chỉ vén khéo công việc trong nhà, bà còn chịu khó đi mua bán để có thêm thu nhập cho gia đình. Bà Ba kể: “Biết tôi đi mua bán gạo hàng xáo nên ảnh (liệt sĩ Ngôi) hay nhờ tôi ra Cần Thơ hay Phong Điền mua thuốc tây về điều trị cho bộ đội. Lúc đầu, tôi sợ lắm nhưng anh ấy thường động viên và nói cho tôi hiểu về ý nghĩa tốt đẹp của việc làm này, góp phần cứu được nhiều chiến sĩ.... Rồi dần dần, tôi trở thành “giao liên” riêng của ảnh hồi nào không hay nữa. Khi thì bí mật mua thuốc đem về, khi thì đi đưa thư, tài liệu... Chính sự cảm thông, không nệ gian khổ, cùng chia sẻ khó khăn trong công việc đã làm cho tình cảm của chúng tôi ngày càng thắt chặt hơn”.

Giọng bà Ba trở nên trầm buồn: “Cuối năm 1965, anh Sáu nói với tôi ra giêng sẽ tổ chức đám cưới. Qua Tết anh sẽ lên địa phương quân, đi xa nhiều và nhờ tôi ở nhà tới lui chăm lo cho ba mẹ anh ấy”. Cả hai khấp khởi chờ mong đến ngày đó thì cuối tháng Giêng năm 1966 (AL), anh Sáu hy sinh trong một trận đánh ở Long Tuyền (Bình Thủy). Sự ra đi vĩnh viễn của người chồng mới hứa hôn đã khiến cô gái Trần Thị Ba vừa tròn 23 tuổi gần như ngã quỵ. Trong tâm trí cô lúc nào cũng hiện lên gương mặt tuấn tú của người yêu và cứ hối hận vì cả hai không làm đám cưới sớm hơn để bà có đứa con và đặt cho nó cái tên mà cả hai từng dự tính. Nhưng rồi bà cố gắng vượt lên, sống có ý nghĩa hơn, như lời dặn của liệt sĩ Phan Văn Ngôi lúc chia tay: “Anh có hy sinh cũng vì đất nước, em phải hứa sống mạnh mẽ và xứng đáng”.

Và không hiểu sao, cứ vài ngày là bước chân cô Ba lại tìm về căn nhà nhỏ ở ấp Nhơn Thọ 1, xã Nhơn Ái- nơi có ba, mẹ già của liệt sĩ Ngôi đang sống. Lúc thì cô dọn dẹp nhà cửa, tiếp nấu bữa cơm, lúc lại mua cái mền, quần áo... Bà Ba nhớ lại: “ Năm 1968, khi tôi ghé thăm thì má Tám (tên thật là Nguyễn Thị Liên - mẹ của liệt sĩ Ngôi), bị bệnh rất nặng, ai cũng nghĩ không khỏi nên để ở nhà chờ chết. Tôi năn nỉ mọi người cho tôi chở má đi Cần Thơ trị bệnh. Cũng may, má qua khỏi...”. Năm sau, cha của liệt sĩ Ngôi qua đời, cô Ba thường xuyên tới lui chăm sóc má Tám. Ngoài liệt sĩ Phan Văn Ngôi, má Tám còn 2 người con trai lớn cũng đã hy sinh là: liệt sĩ Phan Văn Đôi và liệt sĩ Phan Văn Nhường. “Con đừng bỏ má”. Câu nói của người mẹ có cả 3 con trai đều hy sinh cho đất nước khiến cho bà Ba cứ ray rứt không yên.

Ngay sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, bà Tám xuống xin phép cha mẹ của cô con dâu hụt hiếu thảo cho cô về sống cùng với bà. Nghe cha hỏi, cô Ba trả lời: “Lương duyên giữa con với anh Sáu đã hết nhưng con bỏ má ảnh không đành”. Từ đó, cô Ba về sống cùng bà Tám. Trong căn nhà nhỏ, xiêu vẹo, hai mẹ con đùm bọc, chăm sóc lẫn nhau. Ban đầu, nhiều người còn bất ngờ bởi quyết định của cô Ba nhưng lâu dần nết ăn, nết ở, sự hiếu thảo của cô Ba đối với bà Tám đã khiến cho mọi người hiểu được tấm lòng nhân hậu, thủy chung hiếm có của người con gái ấy. Bà con trong xóm thường nhắc những khi bà Tám bị bệnh, bà Ba luôn chăm sóc tận tình, chu đáo. Những khi bà Tám nằm bệnh viện, nhiều người cứ nói với bà Tám: “Bà có phước quá, có cô con gái tận tình chăm sóc như vậy”. Những lúc ấy, thấy bà Tám hạnh phúc vì sự “hiểu nhầm” của mọi người, bà Ba cũng vui lây. Năm 1978, sau một thời gian dài nằm bệnh viện, xét thấy bệnh của bà Tám khó chữa khỏi, bác sĩ cho về nhà. Thế là nghe ở đâu có thầy thuốc hay, bà Ba lại chở má Tám trên chiếc ghe nhỏ, chạy ngược, chạy xuôi để chữa trị. Có lúc lên An Giang rồi xuống Vị Thanh để hốt thuốc Nam... Một thời gian sau, bà Tám qua đời. Bà Ba định trở về nhà cha mẹ ruột sống, nhưng bà con họ hàng, lối xóm cứ giữ bà lại. Bà càng bất ngờ hơn vì khi còn sống, bà Tám đã làm di chúc để nhà và 2 công vườn lại cho bà Ba và đề nghị chính quyền địa phương và bà con lối xóm xác nhận. Và một lần nữa bà Ba không đành lòng bỏ đi... Năm 1990, bà Nguyễn Thị Liên (bà Tám) được Nhà nước truy tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam Anh hùng và tặng căn nhà tình thương vào năm 1999. Giọng bà Ba buồn buồn: “Lúc còn sống, má muốn được đi Hà Nội một lần nhưng chưa kịp. Tôi chỉ đưa má đi Cần Thơ chơi một lần thôi. Giá như má sống thêm được một thời gian nữa... để được hưởng những chính sách đền ơn đáp nghĩa của Nhà nước”. Nhắc đến chuyện bà Ba, ông Huỳnh Văn Ten, Bí thư Đảng ủy xã Nhơn Ái, huyện Phong Điền, tỏ vẻ khâm phục: “Bây giờ mọi người gọi bà Ba là bà Sáu Ngôi, cách sống của bà làm cho mọi người đều cảm phục và trân trọng”. Còn bà Nguyễn Thị Tư, nhà ở ấp Nhơn Thọ 1, nói với vẻ quí mến: “Không chỉ chăm sóc bà Tám chu đáo, chị Sáu Ngôi còn sống rất chan hòa với lối xóm, bà con. Đó là một tấm gương về tình người...”.

- “Vì sao bà quyết định ở vậy, không xây dựng gia đình riêng?” - Tôi hỏi.

- Bà Ba cười bộc bạch: “Cũng có nhiều chỗ dạm hỏi lắm, nhưng không hiểu sao tôi thấy không thể thương ai được nữa ngoài anh Sáu”.

Từ khi má Tám mất, cũng có lúc bà Ba giật mình giữa đêm thấy mình trơ trọi, cô đơn quá! Nhưng rồi nhớ đến nghĩa tình của anh Sáu, của má Tám, và nhất là sự hiếu thảo của vợ chồng cô con gái nuôi cùng các cháu làm bà thấy ấm lòng. Như đã thành thói quen, mỗi sáng, mỗi chiều người dân ở ấp Nhơn Thọ 1 lại thấy bà Ba dắt tay đứa cháu ngoại đi học. Bà nói: “Để hai đứa đi một mình sợ xe cộ lắm!”. Rời gia đình nhỏ ấy, tôi càng thấm thía hơn về tình người trong cuộc sống... Chợt nhận ra rằng, còn nhiều lắm những tấm lòng, những con người “... sống là cho đâu chỉ nhận riêng mình...”.

HÀ THANH

Chia sẻ bài viết