06/07/2020 - 09:15

Tấm lòng của người thầy 

Hơn 22 năm nay, thầy Huỳnh Thanh Tèo ở thị trấn Phú Lộc, huyện Thạnh Trị, tỉnh Sóc Trăng, đã gắn bó với việc dạy tiếng Pali, chữ Khmer trong các ngôi chùa Khmer ở tỉnh Sóc Trăng và một số chùa Khmer ở các tỉnh, thành khu vực Nam bộ. Đối với thầy, niềm vui và vinh dự nhất là được đứng trên bục giảng, đem tiếng nói, chữ viết đến với con em đồng bào dân tộc Khmer.

Thầy Huỳnh Thanh Tèo dạy tiếng Pali cho sư tại chùa Sro Lôn, xã Đại Tâm, huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng.

Thầy Huỳnh Thanh Tèo tâm sự: “Lớn lên và được học, biết chữ từ nhà chùa, nên tôi nghĩ mình phải đền đáp công ơn. Dù không hưởng lương, nhưng được truyền dạy tiếng nói và chữ viết của dân tộc đến với con em đồng bào Khmer chính là niềm vui và vinh dự lớn trong đời tôi”. Từ nhỏ, thấy ông nội đứng lớp dạy tiếng Pali, chữ Khmer cho sư sãi trong chùa, thầy đã nuôi ước muốn được giống như ông nội mình. 15 tuổi, thầy Tèo xin cha mẹ vào chùa Ðìa Muồng, huyện Phước Long, tỉnh Bạc Liêu, tu học. Vào tu, thầy siêng năng học tập, nghe chùa nào mở lớp dạy chữ Pali, thầy đều xin trụ trì đi học. Sau 3 năm miệt mài, thầy tốt nghiệp Pali Rong để vào học Trường Bổ túc Văn hóa Pali Trung cấp Nam Bộ tại Sóc Trăng. Thầy Tèo cho biết: “Khi tốt nghiệp lớp 12, tôi đã học đại học ngành kinh tế được 3 năm nhưng vì hoàn cảnh quá khó khăn, tôi phải bỏ học, về quê. Năm 1998, tôi đã thực hiện được ước mơ vào chùa Ðìa Muồng dạy tiếng Pali và chữ Khmer cho sư sãi trong chùa. Dù được dạy bất cứ nơi đâu, tôi vẫn mong muốn truyền thật nhiều kiến thức đến với con em đồng bào Khmer”.

Yêu thích nghề giáo, thầy luôn dành thời gian nghiên cứu sách tiếng Pali và chữ Khmer. Cũng vì thế, thầy được ví là “bậc thầy” hiểu biết rộng về tiếng Pali và được một số chùa Khmer trong tỉnh Bạc Liêu, Sóc Trăng, Kiên Giang… mời đến giảng dạy. Ðặc biệt, năm 2012, thầy được sư trụ trì chùa Khmer tỉnh Bình Phước mời đến giảng dạy tiếng Pali và chữ Khmer. Biết chùa không có người dạy tiếng Pali, thầy không nề hà, ở Bình Phước suốt 4 năm để truyền nghề. Thời gian này, thầy đào tạo được 16 học viên tốt nghiệp Pali Rong để được vào học Trường Bổ túc Văn hóa Pali Trung cấp Nam Bộ tại Sóc Trăng. Khi học trò có đủ kiến thức cả tiếng Pali và chữ Khmer để đứng dạy cho các vị sư trong chùa, thầy mới trở về Sóc Trăng tiếp tục dạy học.

Hiện nay, mỗi tuần thầy dạy ở 3 chùa của tỉnh Sóc Trăng: Sro Lôn, Tum Núp và Tức Sáp, dạy Pali từ lớp 1 đến lớp 3. Ða số những ngôi chùa mà thầy đứng lớp dạy, lượng tăng sinh đậu cao trong kỳ thi tốt nghiệp Pali Rong do Hội Ðoàn kết Sư sãi yêu nước tỉnh Sóc Trăng tổ chức. Tăng sinh Thạch Thanh Bình, học viên chùa Sro Lôn, xã Ðại Tâm, huyện Mỹ Xuyên, đậu thủ khoa kỳ thi tốt nghiệp Pali Rong tỉnh Sóc Trăng năm học 2019-2020, cho biết: “Trong suốt 3 năm học, tôi được thầy Huỳnh Thanh Tèo dạy tiếng Pali. Thầy sống giản dị, hiểu biết rộng về tiếng Pali, chữ Khmer và hiểu được tâm tư của học trò. Trong giảng dạy, thầy rất tôn trọng sư và có phương pháp dạy rất hay để giúp tăng sinh tiếp thu bài nhanh, nhớ kỹ. Ngoài ra, thầy còn định hướng cho tăng sinh chọn con đường học cao hơn để có trình độ phục vụ cho công tác tôn giáo, dân tộc”.

Ðể có thêm nhiều kiến thức, thứ bảy và chủ nhật thầy Huỳnh Thanh Tèo tham gia lớp Cao đẳng sư phạm tiếng Khmer - Pali. “Tôi luôn trau dồi, học cái hay, cái mới, có điều kiện hiểu biết nhiều về tiếng Pali để có kinh nghiệm trong giảng dạy. Từ đó, có những phương pháp phù hợp với học trò đặc thù là sư sãi. Dạy sư không dễ mà cũng không khó, vì sư là người lớn, nhưng nói về tiếng Pali, chữ Khmer mình phải hiểu biết rộng và có cách dạy phù hợp. Dù là thầy, nhưng tôi vẫn là phật tử, phải kính trọng sư nên trong giảng dạy, phải dùng từ ngữ phù hợp sao cho vừa thể hiện sự tôn kính, vừa để sư cho hiểu” - thầy Tèo chia sẻ.

Hơn 22 năm nay, thầy Tèo ngược xuôi khắp tỉnh thành Nam bộ để mang tiếng Pali, chữ Khmer đến với đồng bào Khmer, như thầy nói: “Mục đích chính là góp phần bảo tồn tiếng nói và chữ viết của dân tộc Khmer”. Hòa thượng Tăng Nô, Trưởng Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Sóc Trăng, Phó Hội trưởng Hội Ðoàn kết Sư sãi yêu nước tỉnh Sóc Trăng, cho biết: “Xét về người có trình độ hiểu biết tiếng Pali và chữ Khmer, thầy Tèo nằm trong những “bậc thầy” giỏi và yêu nghề.  Ðiều đó thể hiện rất rõ, khi chùa nào cần giáo viên hay Hội mời đến chùa dạy, thầy Tèo đều không quản ngại. Ði dạy ở chùa, đi chấm thi, chỉ nhận tiền xăng chứ không có lương nhưng thầy Tèo vẫn gắn bó với công việc nhiều năm nay. Tấm lòng của thầy Tèo dành cho tăng sinh thật đáng biểu dương và tôn kính”.

Bài, ảnh: Lý Then

Chia sẻ bài viết