22/02/2008 - 23:05

Tấm lòng của chị Út Tiến

Trung tâm Nuôi dưỡng người già neo đơn Cờ Đỏ (NDNGNĐCĐ), huyện Cờ Đỏ, TP Cần Thơ, được thành lập cách nay hơn 14 năm. Giờ đây trung tâm đã trở thành “đại gia đình” của những cụ già có số phận bất hạnh. Góp sức mang đến niềm vui, hạnh phúc cho các cụ phải kể tấm lòng của chị Trần Thị Tiến (51 tuổi, ở huyện Cờ Đỏ), người đã có mặt tại trung tâm hơn 14 năm nay.

Khác với không khí náo nhiệt ở chợ thị trấn Cờ Đỏ, khung cảnh ở Trung tâm NDNGNĐCĐ thoáng đãng, yên tĩnh. Khi chúng tôi tới nơi, cũng là lúc chị Trần Thị Tiến (tên gọi thân mật là Út Tiến) đang tất bật với việc bếp núc để chuẩn bị bữa sáng cho các cụ. Vóc người đầy đặn, nước da ngăm, nụ cười thân thiện, chị Út Tiến tạo được nhiều thiện cảm cho người đối diện. Tôi biết chị qua giới thiệu của một cán bộ Hội Chữ thập đỏ huyện Cờ Đỏ. Gian bếp của trung tâm cũ kỹ, xiêu vẹo, với những chiếc lò củi bị nứt bể nhiều chỗ nhưng chị Út Tiến đã ràng buộc kỹ bằng những sợi dây chì và thật nhẹ nhàng khi nấu nướng như để duy trì tuổi thọ của nó. Chị nói: “Mấy cái lò đun này là kỷ niệm của một mạnh thường quân tặng trung tâm đó”. Có lẽ vì thế mà chị nâng niu, chăm chút, tu sửa khi chúng bị hư hỏng. Dưới bếp chất đầy củi khô, bên phải của gian bếp có kê chiếc kệ bằng tre để rau, củ. Diện tích chật hẹp, đồ đạc nhiều nhưng mọi thứ trong gian bếp đều gọn gàng, tươm tất.

  Chị Trần Thị Tiến đang chăm sóc một cụ già có hoàn cảnh neo đơn ở Trung tâm Nuôi dưỡng người già neo đơn Cờ Đỏ.
Với nhiệm vụ chăm sóc, nuôi dưỡng người già không nơi nương tựa, hồi mới thành lập, khó khăn lớn nhất của trung tâm là không có người phục vụ. Nhà cách trung tâm không xa, ban đầu, chị Út Tiến dự tính vào trung tâm phụ giúp ít hôm, nhưng qua vài ngày làm việc, hoàn cảnh của nhiều cụ làm chị cảm động. Thế là, chị tình nguyện ở lại trung tâm làm công không hưởng lương cho tới nay. Chị Út Tiến nhớ lại: “Hoàn cảnh các cụ thấy thương quá nên tôi tình nguyện vào phục vụ ở trung tâm, với mong muốn giúp các cụ tìm được niềm vui vào những ngày tháng cuối đời”.

Từ đó đến nay, Trung tâm NDNGNĐCĐ đã tiếp nhận trên 40 cụ già và 1 bệnh nhân tâm thần. Trong số này, có hơn 10 cụ đã ra đi vĩnh viễn. Các cụ vào sinh sống ở trung tâm, mỗi người một hoàn cảnh. Người thì không có người thân, không nơi nương tựa; cũng có người có con cháu đàng hoàng nhưng bị ngược đãi. Ở trung tâm, cụ ít tuổi nhất cũng trên 60, lớn nhất trên 80 tuổi. Trong số các cụ ở đây, có những cụ vẫn khỏe mạnh, có thể tự lo việc sinh hoạt hằng ngày cho bản thân; nhưng cũng có không ít cụ vì tuổi già sức yếu phải nhờ đến sự trợ giúp của người khác từ việc vệ sinh cá nhân, ăn uống, giặt giũ. Thế nên, ngoài những việc nội trợ, dọn dẹp vệ sinh tại trung tâm, chị Út Tiến kiêm luôn việc “điều dưỡng”.

Công việc ở trung tâm nhiều, do vậy chị Út Tiến phải thức dậy từ lúc 4 giờ sáng và làm việc quần quật đến tới tối mịt. Từ việc dìu đỡ những cụ già yếu đi vệ sinh, đổ bô đến nấu ăn, đút ăn, giặt giũ quần áo, mền mùng... cho các cụ đều được chị Út Tiến thực hiện hoàn tất theo hệ thống thời gian mà chị đã “lập trình” sẵn.

Cụ N.T.L. 75 tuổi, quê ở quận Ô Môn, TP Cần Thơ, chồng mất sớm, có 2 người con. Khi về già số tài sản của cụ chia đều cho con. Cụ sống với người con trai út. Do làm ăn không hiệu quả, nợ nần chồng chất, người con trai út bán hết tài sản, bỏ trốn biệt xứ. Cụ N.T.L. đành về sống với người con gái đầu lòng. Thế nhưng, ở không bao lâu thì cụ xin vào trung tâm vì người con rể thường xuyên chửi bới, đánh đập vợ mình với lý do “rước của nợ về nhà”. Gần đây, cụ N.T.L. bị bệnh, liệt nửa người, phải nằm một chỗ. Chị Út Tiến dành nhiều thời gian để chăm sóc cho cụ, với những cử chỉ dịu dàng, chu đáo, mớm từng muỗng cơm cho cụ N.T.L. như người con hiếu thảo chăm sóc mẹ già. Cụ N.T.L. cảm động nói: “Bệnh tật của tôi thế này, không có cô Út Tiến chăm sóc chắc tôi đi theo ông bà từ lâu”. Rồi cụ đưa ánh mắt trìu mến nhìn về chị Út Tiến như muốn bày tỏ lòng cám ơn.

Còn cụ T.V.M. trên 60 tuổi, ở huyện Cờ Đỏ, không có con cháu, nơi nương tựa. Trước đây, cụ kiếm sống bằng nghề ăn xin ở chợ Ô Môn, Cờ Đỏ. Mỗi ngày, cụ phải đi bộ vài chục cây số để xin tiền, tối về ngủ tạm ngoài hành lang của nhà dân. Năm 2005, trong lần đi chợ Ô Môn mua đồ, chị Út Tiến tình cờ gặp cụ T.V.M. đi ăn xin, thương hoàn cảnh của cụ, chị Út Tiến đề nghị với chính quyền địa phương đưa cụ vào Trung tâm NDNGNĐCĐ. Cụ T.V.M. nói: “Đi ăn xin vừa cực, vừa tủi thân nhưng già rồi không đi ăn xin biết làm gì để sống. Nhiều lúc buồn, tôi muốn tìm đến cái chết cho rồi. Từ ngày vào trung tâm, tôi được ăn no, ngủ ấm, được cô Út Tiến chăm sóc từng chút. Giờ tôi muốn sống lâu thêm nữa để lặt rau, bưng cơm, chăm sóc những cụ già yếu hơn mình tiếp cô Út Tiến. Cô Út ở đây cực lắm, không chỉ thức khuya dậy sớm, lam lũ cả ngày mà những khi trái gió trở trời, nhiều cụ đau yếu, tiểu tiện tại chỗ, một tay cô chăm sóc. Chuyện cô Út Tiến thức trắng đêm ngồi trực bên giường bệnh các cụ là chuyện thường tình”.

Khi hỏi về chuyện gia đình , chị Út Tiến cười cho biết: “Tôi chia tay với chồng gần 20 năm rồi. Khi ấy đứa con gái lớn của tôi chưa được 10 tuổi, còn đứa con út mới có 5 tuổi. Ban đầu cuộc sống gặp nhiều khó khăn, con cái tôi phải gởi bên ngoại nhờ chăm sóc. Tôi phải làm đủ nghề từ cắt lúa mướn, làm cỏ thuê... để kiếm tiền xoay xở cuộc sống. Thấy tôi vất vả, cha mẹ tôi kêu về ở chung và cho 2 công ruộng để canh tác. Sau đó không lâu, cha mẹ tôi lần lượt qua đời. Giờ thì 3 người con của tôi đã lớn khôn, hai đứa con lớn đã có gia đình, cuộc sống ổn định; đứa con gái út đang học nghề uốn tóc với chị Hai nó. Vì vậy, tôi cũng an tâm phần nào để lo cho công việc ở trung tâm”.

Chia tay chị Út Tiến, tôi hỏi: “Chị mong ước gì?”. Chị Út Tiến cười tươi đáp ngay: “Mong Nhà nước xây dựng nhiều trung tâm nuôi dưỡng người già, để các cụ có số phận hẩm hiu có được những tháng ngày thanh thản, hạnh phúc cuối đời”.

Bài, ảnh: VÂN LÂM

Chia sẻ bài viết