20/11/2020 - 06:08

Tâm huyết nhà giáo 

Yêu cầu mới của giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) đòi hỏi đội ngũ giáo viên phải liên tục cập nhật kiến thức, đổi mới tư duy và hoạt động dạy học. Tại nhiều trường học của TP Cần Thơ, đội ngũ thầy cô giáo luôn tâm huyết, nỗ lực cống hiến cho sự nghiệp trồng người.

Cán bộ quản lý và giáo viên cốt cán của TP Cần Thơ tham gia Khóa tập huấn bồi dưỡng cho đội ngũ về vận dụng giáo dục STEAM vào dạy học ở bậc mầm non, được tổ chức tại Trường Đại học Cần Thơ. Ảnh: CTV

Cán bộ quản lý và giáo viên cốt cán của TP Cần Thơ tham gia Khóa tập huấn bồi dưỡng cho đội ngũ về vận dụng giáo dục STEAM vào dạy học ở bậc mầm non, được tổ chức tại Trường Đại học Cần Thơ. Ảnh: CTV

Cách đây 8 năm, thầy Nguyễn Thế Vinh, Tổ phó Tổ Tin học, Trường THCS thị trấn Vĩnh Thạnh đến với nghề giáo. Thầy Vinh nhớ lại: “Hồi xưa, ước mơ của tôi là trở thành lập trình viên. Vào ngành Giáo dục, được phân công dạy môn Tin học, những tiết dạy đầu tiên của tôi, cả thầy và trò đều bỡ ngỡ. Hình ảnh các em lúng túng trước máy vi tính, bàn phím khiến tôi quyết tâm theo nghề. Các em ở vùng ven, thiếu môi trường công nghệ, tôi nghĩ, mình cần đồng hành”. Thầy Vinh là cựu học sinh Trường THCS thị trấn Vĩnh Thạnh (trước đây là Trường THCS Thạnh Quới) nên hiểu hoàn cảnh của học trò và luôn tìm phương pháp dạy học dễ hiểu, dễ nhớ; đồng thời nghiên cứu, cập nhật kiến thức mới. Em Nguyễn Thị Thúy Kiều, học sinh lớp 8A1, cho biết: “Thầy thường bắt đầu bài mới bằng video clip dẫn chuyện. Sau phần lý thuyết, em và các bạn được thực hành ngay”.

Ban giám hiệu Trường THCS thị trấn Vĩnh Thạnh luôn tạo điều kiện để thầy cô đổi mới phương pháp giảng dạy. Trường tổ chức hội thi Tin học, tạo phong trào giúp học sinh tự học, tự tìm hiểu. Nhờ vậy, Trường THCS thị trấn Vĩnh Thạnh hiện là một trong những đơn vị đoạt nhiều giải thưởng môn Tin học. Tiêu biểu như sản phẩm “Điều khiển thiết bị điện trong gia đình” của học sinh do thầy Vinh hướng dẫn, đoạt giải Nhất cấp huyện, giải Nhì cấp thành phố và giải Ba cấp quốc gia Hội thi Tin học trẻ năm học 2019-2020. Riêng thầy Vinh đạt giải Nhất cấp thành phố và giải Ba cấp quốc gia Hội thi Tin học trẻ dành cho khối cán bộ viên chức. Thầy Vinh cho biết: “Kiến thức công nghệ luôn đổi mới không ngừng, đòi hỏi giáo viên phải nỗ lực nâng cao trình độ, vận dụng kết hợp các môn khác như Toán, Vật lý”.

Thầy cô ở các trường phổ thông của TP Cần Thơ luôn tập trung học tập, nâng cao trình độ. Câu chuyện của cô Nguyễn Minh Thủy Tiên, Tổ trưởng Tổ 4, Trường Tiểu học Bình Thủy, là một điển hình. Sau khi tốt nghiệp cao đẳng sư phạm năm 2003, cô Thủy Tiên về trường công tác. Trong 17 năm qua, bên cạnh giảng dạy, cô học đại học và các chứng chỉ Tin học, Anh văn vào thứ bảy, chủ nhật, dịp hè… Cô Thủy Tiên còn vận dụng linh hoạt, đổi mới phương pháp giảng dạy bằng cách sử dụng hình ảnh trực quan, hay lồng ghép các trò chơi vào bài giảng... “Từ nhỏ, tôi đã yêu thích dạy học, lại được làm việc ở ngôi trường đồng nghiệp đoàn kết, hỗ trợ trong chuyên môn, Ban giám hiệu tạo điều kiện để giáo viên học tập nâng cao trình độ nên tôi càng nỗ lực hơn” - cô Thủy Tiên chia sẻ. Cô Thủy Tiên là giáo viên dạy giỏi ở nhiều cuộc thi từ cấp cơ sở đến cấp thành phố.

*   *   *

Nghị quyết số 29-NQ/TW về “Ðổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng XHCN và hội nhập quốc tế” đã khẳng định vai trò “quyết định chất lượng giáo dục” của đội ngũ nhà giáo. TP Cần Thơ đang thực hiện nhiều giải pháp xây dựng đội ngũ nhà giáo đáp ứng yêu cầu đó.

Trường THCS Thị trấn Vĩnh Thạnh được Bộ GD&ĐT chọn là 1 trong 3 đơn vị triển khai dạy thực nghiệm Chương trình Giáo dục phổ thông (GDPT) mới từ năm học 2016-2017; được Sở GD&ĐT TP Cần Thơ chọn thực hiện phương pháp giáo dục hành động theo Dự án WINDY mở rộng giai đoạn 2017-2019; được chọn thực hiện Trường Điển hình đổi mới năm 2020. Thầy Nguyễn Văn Lộc, Hiệu trưởng Trường THCS Thị trấn Vĩnh Thạnh, cho biết: “Bên cạnh sự quan tâm đầu tư của lãnh đạo địa phương, ngành giáo dục, đội ngũ thầy cô giáo là nhân tố quyết định thành bại của đổi mới giáo dục”. Hiện nay, hầu hết 70 cán bộ, giáo viên của trường có trình độ đại học, trong đó có 4 thạc sĩ. Thầy Lộc nói: “Theo Luật Giáo dục mới, trường vẫn còn 2 giáo viên chưa đạt trình độ đại học, đang học nâng chuẩn. Đến năm 2025, cán bộ, giáo viên của trường đạt chuẩn 100%”.

Cô Nguyễn Kiều Phương, Trưởng Phòng GD&ĐT quận Bình Thủy, cho biết: “Tập thể Trường Tiểu học Bình Thủy là một trong những điển hình trong xây dựng môi trường làm việc, quản lý điều hành, phát huy sáng tạo của giáo viên. Đây còn là đơn vị tạo nguồn cán bộ chủ chốt cho các trường khác”. Hiện nay tất cả 55 cán bộ, giáo viên nhà trường được tập huấn Chương trình GDPT mới, bồi dưỡng về chuyên môn… Trường cũng tạo điều kiện để 2 giáo viên chưa đủ chuẩn học tập đáp ứng yêu cầu mới. Thầy Triệu Thành Văn, Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Bình Thủy, cho biết: “Năm học 2021-2022, Chương trình GDPT mới thực hiện ở lớp 2. Trường đang chuẩn bị nguồn lực để thực hiện đạt hiệu quả”.

Năm 2004 thành phố có khoảng 9.500 cán bộ, giáo viên; hiện nay có hơn 15.000 người. Cùng với sự lớn mạnh về số lượng, chất lượng đội ngũ không ngừng được nâng cao, đáp ứng yêu cầu triển khai thực hiện nhiệm vụ GD&ĐT của thành phố. Đó là nỗ lực không ngừng của toàn ngành, từ chủ trương, chính sách tạo điều kiện để đội ngũ thầy cô giáo nâng cao trình độ, phát huy năng lực đến sự tâm huyết trong học tập, rèn luyện của từng giáo viên để đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản và toàn diện của giáo dục, đào tạo cũng như sự kỳ vọng của xã hội.

Bích Kiên

Chia sẻ bài viết