25/08/2016 - 21:53

Tái cơ cấu nông nghiệp TP Cần Thơ
Phải tăng thu nhập cho nông dân

UBND TP Cần Thơ vừa tổ chức cuộc họp lấy ý kiến các đồng chí nguyên lãnh đạo của Cần Thơ qua các thời kỳ đóng góp cho "Đề án tái cơ cấu nông nghiệp TP Cần Thơ theo hướng giá trị gia tăng và phát triển bền vững" đang được thành phố xây dựng. Nhiều đại biểu cho rằng, để người dân đồng tình, hưởng ứng thực hiện, phải xây dựng đề án sát thực tiễn và phải đặt mục tiêu gia tăng thu nhập của nông dân lên hàng đầu.

* Yêu cầu cấp thiết

Tính đến cuối năm 2015, nông nghiệp chiếm 9,9% GRDP toàn thành phố, nhưng diện tích đất sản xuất nông nghiệp chiếm tới 81,59% so với tổng diện tích tự nhiên. Ngành nông nghiệp chiếm tỷ trọng nhỏ trong cơ cấu kinh tế của TP Cần Thơ, nhưng vẫn giữ vai trò rất quan trọng trong phát triển kinh tế-xã hội, vẫn còn một bộ phận lớn người dân sống chủ yếu dự vào nghề nông. Có 33,28% dân số tại thành phố còn sống ở khu vực nông thôn và 40% lao động làm việc trong khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản, trong đó có 41,85% trong tổng lao động là lao động tại hộ gia đình. Điều này tạo nên áp lực lớn đối với phát triển ngành nông nghiệp TP Cần Thơ trong quá trình tái cơ cấu nông nghiệp.

Trong tái cơ cấu nông nghiệp TP Cần Thơ, cá tra sẽ tiếp tục là một trong những mặt hàng xuất khẩu chủ lực. Trong ảnh: Thu hoạch cá tra nguyên liệu xuất khẩu tại quận Ô Môn, TP Cần Thơ.

Xuất phát từ yêu cầu thực tế trên và thực thiện chủ trương chung của Chính phủ, UBND TP Cần Thơ đã giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) thành phố chủ trì phối hợp các đơn vị liên quan xây dựng Đề án tái cơ cấu nông nghiệp thành phố. Theo đó, Đề án được xây dựng nhằm nâng cao trình độ phát triển của TP Cần Thơ với vai trò trung tâm vùng ĐBSCL, phát huy đầy đủ tiềm năng và lợi thế của thành phố hướng đến phát triển nền kinh tế tri thức, gia tăng hàm lượng khoa học kỹ thuật trong nền kinh tế xanh nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh. Phát triển nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, nâng cao thu nhập nông hộ. Chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, hạn hán và xâm nhập mặn và yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế… Đề án cũng nhằm thực hiện tốt Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP Cần Thơ lần thứ XIII nhiệm kỳ 2015-2020, Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội thành phố giai đoạn 2016-2020 và các Nghị quyết và Quyết định của Trung ương. Đặc biệt là Nghị quyết 45-NQ-TW ngày 17-2-2005 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển TP Cần Thơ trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, Quyết định số 889/QĐ-TTg ngày 10-6-2013 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng giá trị gia tăng và phát triển bền vững.

Để xây dựng Đề án, Sở NN&PTNN TP Cần Thơ chọn Trường Đại học Cần Thơ làm cơ quan tư vấn lập Đề án. Qua các lần lấy ý kiến đóng góp của các bên liên quan, đến nay Đề án đã được xây dựng khá công phu, trong đó nội dung, quan điểm, mục tiêu tái cơ cấu nông nghiệp gắn các chỉ tiêu cụ thể cho giai đoạn từ 2016 đến 2030, đồng thời đề ra các phương án và giải pháp thực hiện. Theo đó, thành phố được xác định 6 nội dung gồm: xây dựng vùng lúa chất lượng cao liên kết theo cánh đồng lớn; xây dựng vùng rau an toàn gắn với nhu cầu thị trường; xây dựng mô hình nông nghiệp đô thị, ven đô; phát triển vùng cây ăn trái đặc sản kết hợp du lịch sinh thái; phát triển vùng chăn nuôi liên kết đảm bảo an toàn sinh học; phát triển vùng nuôi thủy sản theo tiêu chuẩn chất lượng. Một chỉ tiêu quan trọng được đề ra trong giai đoạn 2016-2020 là giá trị sản lượng bình quân 1 ha đất đạt 200 triệu đồng (theo giá thực tế) và đến năm 2030 đạt trên 400 triệu đồng.

* Cải thiện thu nhập cho nông dân

Tại cuộc họp, các đồng chí nguyên lãnh đạo của Cần Thơ qua các thời kỳ đánh giá cao Đề án được nghiên cứu, biên soạn công phu và đáp ứng tốt nhiều yêu cầu đặt ra. Các đại biểu cũng lưu ý, thành phố cần đánh giá cụ thể hơn về thực trạng sản xuất nông nghiệp tại thành phố. Có các dự báo sâu hơn về những thuận lợi và bất lợi của sản xuất nông nghiệp trong tương lai, nhất là trước tác động của biến đổi khí hậu, mặn xâm nhập. Qua đó, bổ sung, điều chỉnh cho đề án vừa thiết thực, vừa sát thực, đảm bảo tính khả thi khi triển khai vào cuộc sống và được người dân, doanh nghiệp đồng tình hưởng ứng thực hiện. Đặc biệt, nhấn mạnh vai trò của đề án này trong việc góp phần nâng cao thu nhập và đời sống của nông dân gắn với phát triển nông nghiệp bền vững bằng các nội dung, chương trình hành động cụ thể.

Đồng chí Lê Nam Giới, nguyên Bí thư Thành ủy Cần Thơ, cho rằng: "Trong 40 năm qua, năng suất sản lượng nhiều loại cây trồng vật nuôi liên tục tăng nhưng đời sống của nông dân tại nhiều nơi còn chậm cải thiện. Do đó, tái cơ cấu nông nghiệp không chỉ nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị sản phẩm nông nghiệp mà điều quan trọng cần được xác định rõ chính là nâng cao đời sống cho nông dân". Đồng chí Nguyễn Hữu Lợi, nguyên Phó Bí thư Thành ủy Cần Thơ, nguyên Chủ tịch HĐND TP Cần Thơ, cũng chỉ rõ: "Phải xác định rõ mục tiêu của tái cơ cấu nông nghiệp nhằm nâng cao giá trị sản suất và cải thiện đời sống, thu nhập cho nông dân để khuyến khích người dân tham gia. Muốn phát triển sản xuất nông nghiệp thì phải nâng cao trình độ của nông dân, tăng cường cơ giới hóa, ứng dụng khoa học kỹ thuật và đẩy mạnh liên kết… Qua đó, phát triển sản xuất các loại hàng hóa đảm bảo về số lượng và chất lượng để có thể đưa vào siêu thị tiêu thụ cũng như đáp ứng tốt các nhu cầu và thực phẩm sạch ngày càng tăng của người tiêu dùng trong và ngoài nước".

Theo đồng chí Phạm Thanh Vận, nguyên Phó Bí thư Thành ủy Cần Thơ, thời gian qua nông dân cũng tự thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp theo cơ chế thị trường. Việc xây dựng Đề án là cần thiết, nhưng phải hiệu quả hơn mô hình mà người dân đang làm, đảm bảo tính sát thực và được người dân hưởng ứng khi triển khai đề án vào cuộc sống. Tái cơ cấu nông nghiệp tại thành phố cần xác định những điểm nổi bật và khác biệt so với các tỉnh trong vùng để Cần Thơ xứng với vai trò là trung tâm vùng ĐBSCL. Nguyên Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Phạm Phước Như cũng lưu ý: Cần Thơ là trung tâm của vùng ĐBSCL, có vai trò đầu tàu trong thúc đẩy phát triển nông nghiệp của vùng. Do vậy, tái cơ cấu nông nghiệp cần xác định các hướng liên kết, phối hợp chặt chẽ với các địa phương trong vùng.

Để tái cơ cấu nông nghiệp thành công, đòi hỏi cần các giải pháp tổ chức thực hiện tốt Đề án. Đồng chí Võ Thanh Tòng, nguyên Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, cho rằng: "Đề án đang được thành phố xây dựng với các mục tiêu và định hướng rất tốt, nếu triển khai thực hiện được vào cuộc sống sẽ tạo bước phát triển mới toàn diện cho nông nghiệp, nông dân và các khu vực nông thôn tại TP Cần Thơ. Các quan điểm, mục tiêu được đưa ra là rất tốt, rất lớn và thời gian thực hiện dài, do vậy phải tổ chức thực hiện chặt chẽ, với sự chỉ đạo sát sao, liên tục từ các cấp ủy và chính quyền từ thành phố đến địa phương và trong từng lĩnh vực, cây con cụ thể, mới đạt hiệu quả tốt". Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Đào Anh Dũng yêu cầu Ban cố vấn Đề án tái cơ cấu nông nghiệp TP Cần Thơ cùng Sở NN&PTNT thành phố tiếp thu các ý kiến đóng góp, bổ sung hoàn chỉnh Đề án để các cấp thẩm quyền thành phố xem xét thông qua và ban hành thực hiện. Đồng chí Đào Anh Dũng rất đồng tình với ý kiến của các đại biểu về việc đưa nội dung thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp vào nghị quyết của các cấp ủy Đảng và phải thành lập Ban chỉ đạo thực hiện Đề án ở các cấp từ thành phố đến địa phương để triển khai thực hiện tốt.

Bài, ảnh: Khánh Trung

Chia sẻ bài viết