03/11/2016 - 20:53

Sức sống văn hóa Khmer Nam bộ

BÀI 2: NHỮNG NGƯỜI TRUYỀN LỬA

Điều thú vị là ở bất kỳ bộ môn văn hóa, nghệ thuật nào cũng xuất hiện những nghệ nhân giỏi người Khmer. Họ đang là người giữ ngọn lửa tình yêu đối với văn hóa dân tộc Khmer để truyền cho thế hệ nối tiếp.

Người nghệ sĩ tài hoa Lý Lết

Chúng tôi gặp Nghệ nhân Ưu tú Lý Lết tại chùa Muni Rensây, ở Đại lộ Hòa Bình, TP Cần Thơ khi ông thi công công trình Tăng xá của chùa này. Ở tuổi 60, vẻ tài hoa, lãng tử vẫn hiện rõ qua sự nhanh nhẹn và từng đường nét, hoa văn mà ông thực hiện. Ông Lý Lết kể: "Ngôi chùa này với tôi có rất nhiều kỷ niệm, khi 7-8 tuổi, tôi theo cha đến đây. Lúc ấy, cha tôi là Nghệ nhân Lý Nghét (thường gọi là thợ Rương) thi công công trình cổng chùa và Chánh điện. Cha thường dắt tôi theo đến những nơi ông đang xây dựng chùa. Mỗi khi thực hiện một nét hoa văn nào, cha đều giảng dạy cho tôi về ý nghĩa của từng hoa văn đó. Vì vậy, ngay từ nhỏ, tôi đã nắm vững những nguyên tắc cơ bản của nhóm họa tiết Khmer, như: Hoa Lá (Teê), nhóm Hoa Lửa (Pha-nhi-pha-lơn), Angko, nhóm phối hợp (Chom- Roo). Tôi cũng nắm vững nguyên tắc khi xây dựng chùa phải tuân thủ qui tắc Tâm tỏa, lấy kích thước vị trí trung tâm chánh điện làm cơ sở để xác định quy mô của các bộ phận khác của ngôi chùa. Cha tôi luôn dạy người xây dựng chùa phải là người có tâm trung thực và phải tuân theo quy tắc, bảo tồn và phát huy truyền thống". Cộng với cha truyền con nối, nghệ nhân Lý Nghét muốn con trai mình được học hành bài bản. Vì vậy, Lý Lết theo học Trường Cao đẳng Mỹ thuật Gia Định (nay là Trường Đại học Mỹ thuật TP Hồ Chí Minh). Sau khi học xong, nghệ nhân Lý Lết về công tác tại Trường Nghiệp vụ Văn hóa Thông tin tỉnh Sóc Trăng cho đến khi về hưu năm 2011. Nhắc đến nghệ nhân Lý Lết, chị Trần Thị Sậm, ở quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ, nói: "Tôi may mắn được học thầy Lý Lết môn hình họa. Thầy là người tài hoa và tâm huyết với hội họa nói chung và họa tiết Khmer nói riêng".

Tiếp nhận nghệ thuật điêu khắc Khmer chân truyền từ cha cộng với những kiến thức hội họa hiện đại từ trường lớp, nghệ nhân Lý Lết đã để lại dấu ấn của mình qua các công trình rất đẹp vừa mang dáng dấp truyền thống vừa phảng phất vẻ hiện đại của trên 100 công trình chùa Phật giáo Nam tông Khmer. Với ông, mỗi công trình dù lớn hay nhỏ đều phải đặt hết tâm trí vào đấy, bởi đó là sản phẩm mang tâm hồn của người Khmer. Ông Lý Lết nhớ nhất về công trình xây dựng Chùa Vàm Rây ở Trà Cú, tỉnh Trà Vinh hay ngôi chùa Khmer ở Làng Văn hóa- Du lịch các dân tộc Việt Nam ở Hà Nội. Nghệ nhân Lý Lết cho biết: "Đây là ngôi chùa Khmer đầu tiên được xây dựng trên đất Bắc, nên tôi đầu tư nhiều tâm huyết để thể hiện được đầy đủ đặc trưng của một ngôi chùa Phật giáo Nam tông Khmer, giúp mọi người cảm nhận được nét văn hóa đặc sắc của đồng bào Khmer Nam bộ". Nghệ nhân Lý Lết cũng là người phục dựng thành công Chánh điện Chùa Dơi. Ông Lý Lết nói: "Khi chánh điện được mọi người đánh giá là giống với chánh điện cũ từ hoa văn bên ngoài đến họa tiết bên trong, tôi mừng lắm vì mình đã không phụ lòng cha, góp phần bảo tồn một trong những nét văn hóa đặc sắc của dân tộc Khmer". Hiện tại, Nghệ nhân Ưu tú Lý Lết đã theo các con về sống tại quận Cái Răng, TP Cần Thơ. Đi đến công trình nào, ông cũng đau đáu tìm những thanh niên Khmer tâm huyết, có hoa tay để tiếp tục truyền nghề với mong muốn những họa tiết, hoa văn Khmer tinh xảo tiếp tục được gìn giữ bởi các thế hệ mai sau.

Chánh điện Chùa Dơi sau khi được phục dựng. Ảnh: Lý Then

50 năm đam mê làm nhạc cụ

Nghệ nhân Ưu tú Thạch Ka Ri No ở ấp Chà Dư, xã Lương Hòa A (huyện Châu Thành, tỉnh Trà Vinh) là người chuyên làm ra các loại nhạc cụ, mão, mặt nạ… dùng trong các lễ hội, tín ngưỡng tôn giáo và nghệ thuật biểu diễn của đồng bào Khmer vùng ĐBSCL.Từ nhỏ ông Thạch Ka Ri No đã rất mê ca múa nhạc và biểu diễn các tuồng tích cổ của dân tộc Khmer. Năm 14 tuổi ông được cha truyền dạy cách chế tác những nhạc cụ và mặt nạ đơn giản. Càng làm, ông càng say mê.Chỉ một vài năm, ông chế tác được hầu hết các nhạc cụ truyền thống của người Khmer như: đàn Ta-Kê, đàn Cò, đàn Gáo, khum trống Chầu, trống Sa dăm; mặt nạ, các bức phù điêu, hoa văn dùng trong kiến trúc chùa, tháp… Đặc biệt là dàn nhạc ngũ âm, nhạc cụ không thể thiếu trong nghi lễ truyền thống của người Khmer.

Tiếng lành đồn xa, gần 20 năm nay, những sản phẩm do ông Ka Ri No làm ra không chỉ được các đội văn nghệ, các đoàn nghệ thuật, các chùa Khmer trong tỉnh Trà Vinh sử dụng mà còn có mặt khắp các tỉnh, thành Nam bộ. Với mong muốn góp phần bảo tồn văn hóa truyền thống, từ nhiều năm qua, ông Ka Ri No hướng dẫn các con của mình theo nghề. Và ngọn lửa đam mê nghệ thuật đã nhanh chóng truyền đến thế hệ thứ 3 của gia đình. Trong 4 người con trai của ông, 2 người đang tiếp bước nghề chế tác nhạc cụ, mặt nạ, hình nộm người, thú vật; 2 người theo nghề xây dựng chuyên tạo các hoa văn, phù điêu, tượng Phật trong kiến trúc chùa Khmer. Ông Ac Ka Ra người con thứ 3 của ông Ka Ri No khẳng định: "Tôi sẽ tiếp tục theo nghề như cha ông tôi để gìn giữ các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào Khmer và truyền nghề cho các con tôi sau này".

Theo ông Ka Ri No, nhờ Nhà nước quan tâm hỗ trợ các tỉnh, thành bảo tồn văn hóa dân tộc Khmer và đầu tư cho vùng có đông đồng bào dân tộc phát triển kinh tế nên đời sống vật chất của người dân được nâng lên, văn hóa ngày càng phát triển. Gần đây, các loại mão, mặt nạ, nhạc cụ truyền thống càng được yêu thích nên đồng bào Khmer ở khắp các tỉnh, thành đến nhà ông đặt mua. Vừa qua, ông Ka Ri No còn được Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Trà Vinh mời về dạy nghề làm mặt nạ, nhạc cụ cho thanh niên Khmer. Ông rất phấn khởi vì trong lớp này có rất nhiều người có hoa tay, đam mê nghề truyền thống.Ông Tôn Văn Tài, Phó Chủ tịch UBND xã Lương Hòa A nhận xét: "Nghệ nhân Ưu tú Thạch Ka Ri Nô có nhiều đóng góp cho văn hóa truyền thống của dân tộc, tạo công ăn việc làm cho hơn 20 thanh niên trong ấp Chà Dư và góp phần xây dựng phum sóc ngày càng giàu đẹp".

Người giữ hồn cho nghệ thuật sân khấu Rôbăm

Đó là Trưởng đoàn nghệ thuật Rôbăm Ba Sắc (Rôbăm Bưng Chông) Lâm Thị Hương ở ấp Bưng Chông, xã Tài Văn (huyện Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng). Với chị, Rôbăm là lẽ sống, như cơm, như nước trong cuộc sống hằng ngày. Chị chia sẻ: "Khác với loại hình sân khấu Dù kê, Rôbăm hát không cần đàn và phải kết hợp với múa để giải quyết cốt truyện. Rôbăm là loại hình nghệ thuật sân khấu cổ điển, các tuồng diễn thường xoay quanh các câu chuyện về thần thoại, truyền thuyết, lịch sử… nên rất khó thu hút thế hệ trẻ. Vì thế, những năm gần đây, Rôbăm hầu như đã vắng bóng trong những lễ hội của đồng bào Khmer".

Chị Hương tâm sự, ông nội, ông ngoại rồi đến cha mẹ của chị đều là nghệ nhân múa Rôbăm, nên mới 10 tuổi chị đã biết hát, múa. Năm 13 tuổi chị đã tham gia biểu diễn trên sân khấu và 15 tuổi nhận vai diễn chính của tuồng. Với thân hình mảnh mai, múa đẹp, giọng ca ngọt ngào nên đi biểu diễn đến đâu chị cũng được bà con trong các phum sóc yêu thích. Trước đây, ở Sóc Trăng có hơn 5 đoàn Rôbăm quần chúng, riêng tại Bưng Chông có 2 đoàn, giờ chỉ còn đoàn Rôbăm Bưng Chông. Thời điểm này, có thể khẳng định: ở Sóc Trăng hiện nay, dòng họ của chị Hương được xem là dòng họ cuối cùng còn giữ "lửa Rôbăm". Nói về nghề, chị Hương kể mãi không dứt: "Hằng năm, đến mùa khô là đoàn đi biểu diễn tại các đám phước trong các phum sóc, biểu diễn ở các chùa... đến mùa mưa mới trở về nhà. Nhiều đêm diễn, mưa trái mùa lâm râm, bà con vẫn ngồi chăm chú, say mê xem…với tôi đó là những kỷ niệm không thể nào quên".

Năm 2007, chị Hương cùng với 3 thành viên trong đoàn vinh dự đại diện Việt Nam tham dự "Mêkông dòng sông kết nối các nền văn hóa" tại Lễ hội Đời sống dân gian Smithsonina tại Washington D.C, Hoa Kỳ. Hiện nay, các con của chị Hương đều hát, múa Rôbăm hay, điều đó làm chị Hương rất hãnh diện. Chị Hương bộc bạch: "Bây giờ, con gái thứ 5 có thể thay thế tôi đóng vai chính trong các tuồng múa Rôbăm. Hiện cháu đang công tác tại đoàn nghệ thuật Khmer Sóc Trăng. Trước khi mất, cha mẹ đã dặn dò phải cố gắng gìn giữ nghệ thuật Rôbăm, nên tôi luôn truyền dạy cho các em nhỏ trong xóm để loại hình nghệ thuật độc đáo này tồn tại mãi trong dân gian".

Một số nghệ nhân Người Khmer được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú:

- Ông Lâm Phên (Lâm Phene) ở xã Lương Hòa A (huyện Châu Thành, tỉnh Trà Vinh), nghệ nhân phục chế hiện vật văn hóa dân tộc Khmer, chế tác nhạc cụ và trình diễn nghệ thuật Khmer.

- Ông Thạch Tư ở thị trấn Châu Thành (huyện Châu Thành, tỉnh Trà Vinh), nghệ nhân hội họa, điêu khắc, tạc tượng nghệ thuật Khmer.

- Ông Thạch Sang (Thạch Sô Hoanh) ở xã Đa Lộc (huyện Châu Thành, tỉnh Trà Vinh), nghệ nhân truyền dạy nghệ thuật múa RôBăm YeakRom Khmer Nam bộ.

- Bà Neang Oks, ở xã Ô Lâm (huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang), nghệ nhân biểu diễn Dì kê.

- Ông Chau Nưng, ở xã Ô Lâm (huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang), nghệ nhân đàn Ch’pay.

- Ông Chau Ty ở xã Núi Tô (huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang), nghệ nhân khắc Kinh trên lá buông.

- Ông Danh Xà Rậm (Danh Sậm) ở ấp Đầu Sấu Đông, xã Lộc Ninh (huyện Hồng Dân, tỉnh Bạc Liêu), nghệ nhân hát và sử dụng được 30 loại nhạc cụ của đồng bào Khmer

…

NHÓM PHÓNG VIÊN

BÀI CUỐI: GIAO THOA CÙNG CỘNG ĐỒNG

Chia sẻ bài viết