21/05/2008 - 09:22

Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XII

Sửa đổi, bổ sung Luật xuất bản phù hợp với điều kiện hội nhập của đất nước và thông lệ quốc tế

* Thảo luận về xã hội hóa công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân

Sáng 20-5, Quốc hội (QH) làm việc tại Hội trường, cho ý kiến vào dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất bản. Đa số đại biểu QH cho rằng việc sửa đổi, bổ sung Luật Xuất bản là phù hợp trong thời điểm hiện nay khi Việt Nam gia nhập công ước Berne và trở thành thành viên chính thức của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Một số quy định của Luật Xuất bản hiện hành không phù hợp với những cam kết quốc tế của nước ta trong lĩnh vực này. Việc chuyển đổi chức năng quản lý nhà nước đối với một số Bộ theo cơ cấu tổ chức mới của Chính phủ cũng đặt ra yêu cầu thay đổi tên gọi của cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực xuất bản trong Luật.

Đóng góp ý kiến vào việc đăng ký kế hoạch xuất bản tại Điều 18 Luật Xuất bản, đại biểu Nguyễn Văn Tuyết (Yên Bái), Vi Thị Tuyết (Nghệ An) và nhiều đại biểu khác cho rằng việc quy định hàng năm, nhà xuất bản phải đăng ký kế hoạch xuất bản trước khi xuất bản là không thực tế. Bởi quá trình thực hiện cho thấy, đại bộ phận các nhà xuất bản không thể đề ra kế hoạch xuất bản với tên từng đầu sách trước cả một năm. Theo các đại biểu, việc phần lớn các nhà xuất bản không thực hiện được kế hoạch xuất bản đã đăng ký, thậm chí có nhà xuất bản chỉ đạt được 11,3% kế hoạch xuất bản đã đăng ký đã nói lên sự không thực tế của quy định này. Tuy nhiên, nhiều đại biểu cũng bày tỏ không đồng tình trước việc ban soạn thảo chuyển từ quy định hàng năm phải đăng ký sang chỉ cần đăng ký trước khi xuất bản. Đại biểu Lê Thị Mai (Hải Phòng), Nguyễn Văn Tuyết đề nghị quy định mốc thời gian cụ thể (có thể là theo quý, theo tháng...) cho phù hợp với thực tế nước ta hiện nay.

Trái ngược với các ý kiến trên, đại biểu Phan Thị Thu Hà (Đồng Tháp) đề nghị nên giữ quy định hàng năm nhà xuất bản phải đăng ký kế hoạch xuất bản, góp phần đề cao trách nhiệm của các nhà xuất bản, tránh tình trạng trùng lắp, xào xáo các ấn phẩm gây thiệt hại cho độc giả. Về vấn đề này, đại biểu Hà Tuấn Hải (Phú Thọ) cho rằng việc đăng ký kế hoạch xuất bản như một hình thức giấy phép con, gây nhiều phiền hà cho nhà xuất bản, vì thế cần phải loại bỏ.

Trước nhiều ý kiến của các đại biểu cho rằng việc quy định thời hạn trong 7 ngày, kể từ ngày nhận được đăng ký kế hoạch xuất bản của nhà xuất bản, Bộ Thông tin và Truyền thông xác nhận bằng văn bản việc đăng ký kế hoạch xuất bản là quá ngắn, đại biểu Nguyễn Minh Thuyết (Lạng Sơn) nêu rõ: việc quy định thời hạn 7 ngày là một trong những điều kiện bắt buộc, đã được quy định trong Nghị định của Chính phủ và điều này phù hợp với yêu cầu thực tiễn nước ta hiện nay.

Vấn đề cấp giấy phép hoạt động kinh doanh nhập khẩu xuất bản phẩm nhận được nhiều ý kiến đóng góp của các đại biểu với những quan điểm và lập luận khác nhau. Các đại biểu Nguyễn Thị Vân (Hà Tĩnh), Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng), Võ Đình Tuyến (Bình Phước), Nguyễn Văn Tuyết bày tỏ đồng tình với phương án nêu rõ điều kiện tổ chức, cá nhân được cấp giấy phép hoạt động kinh doanh nhập khẩu xuất bản phẩm và cho rằng việc quy định như vậy là cụ thể, rõ ràng và khoa học. Quy định trong Luật càng cụ thể bao nhiêu, luật càng dễ đi vào cuộc sống bấy nhiêu và sẽ hạn chế được tình trạng chờ ban hành nghị định.

Cuối phiên họp buổi sáng, các đại biểu đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về quyết toán ngân sách nhà nước năm 2006; Nghị quyết về việc chấm dứt thí điểm tổ chức, quản lý và dạy nghề cho người sau cai nghiện ở thành phố Hồ Chí Minh và một số tỉnh, thành phố khác trực thuộc Trung ương với số phiếu tán thành cao.

* Buổi chiều, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng điều khiển phiên họp. Quốc hội đã nghe Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Quốc Triệu, thay mặt Chính phủ, thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ trình bày Báo cáo tình hình thực hiện chính sách pháp luật về công tác xã hội hóa chăm sóc sức khỏe nhân dân; Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội - Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội Trương Thị Mai, thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội, trình bày Báo cáo kết quả giám sát thực hiện chính sách pháp luật về xã hội hóa công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Sau đó, Quốc hội đã thảo luận việc thực hiện chính sách pháp luật về xã hội hóa công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân. Trong buổi thảo luận đã có 14 vị đại biểu Quốc hội của 14 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phát biểu. Các ý kiến thảo luận tập trung vào những nội dung sau: Đánh giá tình hình xã hội hóa chăm sóc nhân dân trong thời gian qua; Tình trạng quá tải bệnh nhân, thiếu giường bệnh ở các bệnh viện tuyến trên; Tình trạng thiếu cán bộ chuyên môn làm việc ở trung tâm y tế dự phòng các tuyến; Chế độ phụ cấp cho đội ngũ y bác sĩ; Các chính sách thu hút đào tạo, sử dụng cán bộ y tế dự phòng; Về việc đầu tư, nâng cấp các bệnh viện tuyến tỉnh, tuyến huyện; Kinh phí chi cho công tác xã hội hóa chăm sóc sức khỏe nhân dân; Đổi mới công tác quản lý chi phí khám cho người có bảo hiểm y tế; Về thẻ bảo hiểm y tế cho người nghèo; Xác định tiêu chí hộ cận nghèo để thực hiện chính sách chăm sóc sức khỏe nhân dân; Việc khám, chữa bệnh theo yêu cầu ở các bệnh viện công; Hoàn thiện hệ thống pháp luật và cơ chế, chính sách phát triển công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân; Sự cần thiết ban hành Nghị quyết về công tác xã hội hóa chăm sóc sức khỏe nhân dân...

Phiên thảo luận việc thực hiện chính sách pháp luật về xã hội công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân được Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam tường thuật trực tiếp để cử tri và đồng bào cả nước cùng theo dõi.

Hôm nay, ngày 21-5-2008, Quốc hội tiếp tục làm việc tại hội trường.

BÍCH THỦY (TTXVN)

Chia sẻ bài viết