Mục tiêu xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam đã được Nghị quyết Đại hội XII của Đảng và Hiến pháp năm 2013 xác định là “cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại”. Nhưng gần đây, có một vài “nhà dân chủ” kiến nghị nên viết gọn lại thành “chuyên nghiệp, tinh nhuệ, hiện đại”. Kiến nghị này rất nham hiểm, vì thực chất họ muốn “phi chính trị hóa Quân đội”, tách Quân đội khỏi sự lãnh đạo của Đảng...
Bộ đội cùng nhân dân tham gia chống bão
Nội hàm của khái niệm “cách mạng” đòi hỏi quân đội phải “trung với Đảng, trung với nước, hiếu với dân”. Những người nhẹ dạ, ít am hiểu lý luận sẽ thấy mục tiêu xây dựng Quân đội “chuyên nghiệp, tinh nhuệ, hiện đại” nghe có vẻ hợp thời và ngắn gọn hơn, cắt bớt yếu tố “cách mạng” và chuyển từ “từng bước hiện đại” sang “hiện đại” nghe thích hơn, oai hơn. Nhưng sự kiến nghị thêm bớt câu từ này lại nhằm phục vụ một mục đích không thay đổi của các thế lực thù địch, đó là bỏ yếu tố “cách mạng” thì đồng nghĩa với việc xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng đối với quân đội. Đó là sai lầm khủng khiếp mà Đảng Cộng sản Liên Xô đã từng làm dẫn tới sự sụp đổ của Liên Xô năm 1991.
Sinh thời, Đại tướng Võ Nguyên Giáp nhiều lần nhận được câu hỏi của các tướng lĩnh và giới nghiên cứu quân sự thế giới: “Vì sao Quân đội nhân dân Việt Nam, từ không một tấc sắt trong tay lại đánh thắng hai đế quốc to trong những cuộc chiến tranh không cân sức?”. Đại tướng khẳng định: “Sẽ không tìm được câu trả lời nếu không nhìn vào chiều dày lịch sử dân tộc và đường lối cách mạng Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam”. Quân đội ta do Đảng Cộng sản Việt Nam thành lập, giáo dục, rèn luyện; quá trình chiến đấu, xây dựng và trưởng thành của Quân đội ta luôn gắn liền với sự lãnh đạo của Đảng. Mục tiêu chiến đấu của Quân đội ta là nhằm thực hiện thắng lợi mục đích, lý tưởng của Đảng: “Xây dựng nước Việt Nam độc lập, dân chủ, giàu mạnh, xã hội công bằng, văn minh”. Bản chất cách mạng luôn thống nhất với tính nhân dân, tính dân tộc của Quân đội nhân dân Việt Nam. Điều 65 Hiến pháp 2013 khẳng định: “Lực lượng vũ trang nhân dân tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, Nhân dân, với Đảng và Nhà nước, có nhiệm vụ bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, an ninh quốc gia và trật tự, an toàn xã hội; bảo vệ Nhân dân, Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa; cùng toàn dân xây dựng đất nước và thực hiện nghĩa vụ quốc tế”. Nhiệm vụ bảo vệ Đảng Cộng sản Việt Nam là tất yếu, bắt nguồn từ nhu cầu tự thân của Quân đội và nguyện vọng chính đáng trên nền tảng nhận thức khoa học đã được thực tiễn lịch sử kiểm nghiệm của nhân dân Việt Nam.
Ngày 22-12-1944, tại Cao Bằng, Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân được thành lập với 34 chiến sĩ, do đại tướng Võ Nguyên Giáp trực tiếp chỉ huy
Thiếu tướng, PGS, TS Nguyễn Bá Dương, Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương khẳng định: Luận điệu đòi chuyển từ xây dựng “quân đội cách mạng” sang xây dựng “quân đội chuyên nghiệp” thực chất là yêu sách “quân đội phải trung lập đứng ngoài chính trị” được các “lý luận gia phương Tây” ra sức tán dương, cổ súy.
Có thể hiểu rõ hơn nhận định này từ thực tiễn tranh giành quyền lực của Thái Lan hơn 70 năm qua với việc quân đội đã thực hiện 19 lần đảo chính và âm mưu đảo chính. Ở các nước tư bản phát triển như Anh, Mỹ, Pháp..., quân đội chuyên nghiệp không chỉ được dùng vào việc bảo vệ độc lập, chủ quyền quốc gia, dân tộc; mà còn được dùng vào việc lật đổ, can thiệp quân sự vào các quốc gia khác nhằm mục tiêu chính trị là dựng nên các chính phủ thân phương Tây, có lợi cho phương Tây. Thực tế chỉ ra rằng, từ năm 1990 đến nay, quân đội các nước phương Tây liên tục can dự vào đời sống chính trị của nhiều nước có độc lập chủ quyền kể cả tiến hành chiến tranh ở Nam Tư, Afghanistan, Iraq, Libya, Syria...
Bài học xương máu rút ra từ sự sụp đổ của chế độ xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô và Đông Âu là bất luận trong điều kiện hoàn cảnh nào, Đảng Cộng sản cũng không được rời bỏ nguyên tắc xây dựng quân đội về chính trị của chủ nghĩa Mac-Lênin; tuyệt đối không được mắc sai lầm trong việc xóa bỏ cơ chế lãnh đạo của Đảng Cộng sản đối với quân đội; không được để quân đội bị “phi chính trị hóa” và bị vô hiệu hóa.
PGS, TS Phan Trọng Hào (Hội đồng Lý luận Trung ương) khẳng định: Những đòi hỏi “quân đội chuyên nghiệp”, “quân đội chỉ bảo vệ Tổ quốc, không phải phục tùng và bảo vệ đảng cầm quyền”, “trả quân đội về phục vụ nhân dân”… thực chất vẫn là để thực hiện ý đồ “phi chính trị hóa quân đội”. Hiện nay trên thế giới có nhiều nước khẳng định tính trung lập về chính trị của quân đội. Tuy nhiên, chúng ta cần nhận rõ, trong cấu trúc đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập của các nước nói trên thì việc quy định quân đội trung lập về chính trị là giải pháp bắt buộc với các nước đó. Bởi vì, ở các nước có chế độ đa đảng đối lập, cuộc đấu đá, tranh giành quyền kiểm soát cơ quan quyền lực nhà nước giữa các đảng phái chính trị diễn ra hết sức quyết liệt, phức tạp. Quan điểm “quân đội phải trung lập, đứng ngoài chính trị” được các đảng phái chính trị ra sức tán dương, cổ súy. Thực chất các đảng phái muốn quân đội đứng ngoài cuộc đấu tranh tranh giành quyền kiểm soát quyền lực nhà nước. Còn trong thực tế, ở các nước thực hiện chế độ đa đảng, quân đội chỉ “trung lập” với các đảng, giữ một khoảng cách với các đảng, không nghiêng về một đảng nào. Còn bản thân các đảng chính trị đều ra sức vận động, “mua chuộc”, tìm sự hậu thuẫn từ quân đội. Và khi một đảng giành được quyền lãnh đạo chính quyền nhà nước (thông qua bầu cử) thì đương nhiên đảng đó cũng lãnh đạo quân đội, thậm chí quân đội nhiều nước còn phải làm lễ tuyên thệ trung thành với nguyên thủ quốc gia, vốn cũng là người đứng đầu, hoặc có thực quyền chi phối đảng cầm quyền.
Quân đội nhân dân Việt Nam duyệt binh tại đại lễ kỷ niệm 40 Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30.4.1975 - 30.4.2015). Ảnh: P.V báo Bình Dương
Ở các nước có chế độ đa đảng, lời tuyên bố quân đội chuyên nghiệp chỉ trung thành với nhà nước, về thực chất cũng là trung thành với đảng cầm quyền. Hơn nữa, những đảng đối lập trong các nước có chế độ đa đảng này thực chất chỉ là đối lập về hình thức bề ngoài. Bởi vì, về căn bản các đảng này vẫn chung nền tảng ý thức hệ, đa đảng đối lập, nhưng nguyên tắc cơ bản của tổ chức đảng, mục đích hoạt động, và về bản chất vẫn là các đảng của giai cấp tư sản. Các đảng này chỉ khác nhau ở những điểm chi tiết, không cơ bản về những mục tiêu cụ thể, phương cách cụ thể để đạt mục đích chung. Do đó, dù hiến định hay không hiến định vấn đề quân đội trong Hiến pháp ở các nước, thì cũng không có nghĩa quân đội của các nước đó trung lập, đứng ngoài chính trị như các đảng phái chính trị thường tuyên truyền. Thiếu tướng, GS Bùi Phan Kỳ (Bộ Quốc phòng), trong các công trình nghiên cứu của mình đã nhấn mạnh: Nguyên lý “chiến tranh là kế tục của chính trị” không phải do những người cộng sản đặt ra, mà do nhà lý luận quân sự người Phổ Clausewitz khái quát thành quy luật. Vì vậy, thực tiễn lịch sử thế giới chưa từng ghi nhận một quân đội nào đứng ngoài chính trị.
Nhiều nhà khoa học trong quân đội đã tiến hành nhiều công trình nghiên cứu để có những câu trả lời xác đáng về cái gọi là “lời kêu gọi xây dựng quân đội chuyên nghiệp”. Các công trình trên chỉ rõ, thực chất của những kêu gọi đó vẫn là âm mưu “Diễn biến hòa bình”, hòng thực hiện “phi chính trị hóa quân đội”, mục đích làm thay đổi bản chất, chức năng, nhiệm vụ của quân đội. Đây chính là âm mưu phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng đối với quân đội, từng bước vô hiệu hóa quân đội, tiến tới thúc đẩy đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập tại Việt Nam, tạo cơ hội để các thế lực thù địch lật đổ thể chế chính trị xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam.
Các thế lực thù địch ra sức tuyên truyền “quân đội chuyên nghiệp”, nhằm ru ngủ quân nhân trong Quân đội nhân dân Việt Nam về mục tiêu kinh tế, coi việc nhập ngũ, thi hành nhiệm vụ của người quân nhân như một nghề nghiệp thông thường để mưu sinh chứ không phải là nghĩa vụ thiêng liêng của người công dân trong bảo vệ Tổ quốc. Nhấn mạnh “quân đội chuyên nghiệp”, “bộ đội cũng là một nghề” sẽ làm cho quân đội bị tha hóa, biến chất về chính trị và bị vô hiệu hóa; làm cho Đảng Cộng sản, Nhà nước và nhân dân mất chỗ dựa vững chắc để bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa. Lời kêu gọi “quân đội chuyên nghiệp” đưa ra xuất phát từ những toan tính cơ hội, thực dụng, ngộ nhận của những người tự nhận mình là trí thức am hiểu thời thế, đã “tự chuyển hóa” và tuyên truyền không công cho các thế lực thù địch của đất nước, dân tộc. Nhân dân ta và cán bộ, chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam không chấp nhận quan điểm lập lờ, mị dân đó, bởi đó sẽ là nguyên nhân làm suy yếu sức mạnh bảo vệ Tổ quốc, dẫn đến mất ổn định chính trị - xã hội.
Chiến sĩ đảo Trường Sa luôn chắc tay súng bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo quê hương.
Cho nên, trong 4 nội dung mục tiêu xây dựng quân đội hiện nay, nội dung “cách mạng” đã được đặt lên trên hết, rồi mới đến các nội dung “chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại”. “Cách mạng” cũng có nghĩa là yêu nước, người Việt Nam không chỉ có tinh thần yêu nước mà đã nâng tinh thần ấy lên thành “chủ nghĩa yêu nước”. Vì thế, xây dựng quân đội phải lấy xây dựng về chính trị làm cơ sở.
***
Để phòng, chống khuynh hướng “phi chính trị hóa quân đội”, giúp nhân dân và cán bộ, chiến sĩ trong Quân đội nhân dân Việt Nam cứ sức đề kháng, đứng vững trước luận điệu nham hiểm về “quân đội chuyên nghiệp”, theo chúng tôi, cần tập trung vào các giải pháp chủ yếu sau:
Thứ nhất, giữ vững và tăng cường sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với Quân đội nhân dân Việt Nam, Đảng lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt Quân đội nhân dân Việt Nam. Đây vừa là nguyên tắc, vừa là quy luật cơ bản trong việc xây dựng quân đội “từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu”.
Thứ hai, tăng cường đấu tranh phòng chống âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch hòng làm Quân đội nhân dân Việt Nam “tự diễn biến”, ‘tự chuyển hóa” theo khuynh hướng “phi chính trị hóa”; đẩy mạnh hiện thực hóa các mục tiêu xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại như Nghị quyết Đại hội XII của Đảng đã đặt ra.
Thứ ba, tăng cường xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam vững mạnh về chính trị, củng cố và tăng cường bản chất giai cấp công nhân, tính nhân dân, tính dân tộc của quân đội, chăm lo xây dựng quân đội, củng cố và tăng cường sức mạnh đoàn kết quân dân, góp phần giữ gìn và phát huy hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ trong xã hội, trong nhân dân.
Thứ tư, thường xuyên đổi mới công tác giáo dục chính trị, tư tưởng cho cán bộ, chiến sỹ Quân đội nhân dân Việt Nam, tạo những chuyển biến tích cực trong đời sống văn hóa tinh thần, khắc phục các biểu hiện tiêu cực trong đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, chiến sĩ, góp phần phát huy những phẩm chất tốt đẹp của Bộ đội Cụ Hồ trong tình hình mới.
Trải qua 75 năm xây dựng, chiến đấu, trưởng thành, dưới sự lãnh đạo của Đảng, quân đội ta luôn giữ vững bản chất cách mạng, tinh thần chiến đấu, tuyệt đối “Trung với nước, trung với Đảng, hiếu với dân”, phát huy vai trò nòng cốt trong sự nghiệp củng cố quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc, sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và Nhân dân giao phó. Hiện nay, sự nghiệp xây dựng quân đội, củng cố quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc đang đặt ra những vấn đề mới, với những thời cơ, thuận lợi, khó khăn, thách thức đan xen. Các thế lực thù địch đẩy mạnh âm mưu “phi chính trị hóa” quân đội, với mưu đồ ngày càng tinh vi, xảo quyệt; tác động mặt trái kinh tế thị trường, những hiện tượng tiêu cực bên ngoài xã hội đối với quân đội ngày càng phức tạp, chi phối đến nhận thức, tư tưởng, kỷ luật của cán bộ, chiến sĩ, v.v. Điều đó có ảnh hưởng không nhỏ đến bản chất, truyền thống, mục tiêu, lý tưởng chiến đấu của “Bộ đội Cụ Hồ” - Bộ đội của dân. Bởi vậy, việc tăng cường phê phán sự nham hiểm, thâm độc của luận điệu đòi “chuyên nghiệp hóa” quân đội mà thực chất là tầm thường hóa mục tiêu, lý tưởng chiến đấu của quân đội là việc làm cần thiết cần phải được tiến hành thường xuyên, liên tục, rộng khắp trong bộ đội và trong nhân dân.
Theo Tạp chí Tuyên giáo