Vaccine thú y đã và đang đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong việc bảo vệ sức khỏe động vật, nâng cao năng suất và đảm bảo an toàn thực phẩm. Trong bối cảnh ngành chăn nuôi Việt Nam bùng nổ cả về quy mô và số lượng, việc sử dụng vaccine không chỉ giúp phòng, tránh được nhiều loại dịch bệnh nguy hiểm trên gia súc gia cầm mà còn góp phần giảm sử dụng kháng sinh, ngăn ngừa nguy cơ kháng kháng sinh. Thực tế cho thấy, thời gian qua nhờ sử dụng vaccine phòng bệnh cho đàn vật nuôi, nông dân đã nâng cao hiệu quả chăn nuôi và giảm được các rủi ro.
Chăn nuôi heo tại một hộ dân ở quận Bình Thủy, TP Cần Thơ.
Vaccine đóng vai trò quan trọng
Sử dụng vaccine thú y có thể giúp phòng, tránh hiệu quả nhiều loại bệnh cho đàn gia súc và gia cầm, đồng thời giúp chủ động giảm được nhiều chi phí so với việc để bệnh xảy ra rồi mới lo điều trị. Ðáng chú ý, hiện có khá nhiều loại bệnh trên đàn gia súc gia cầm chưa có thuốc đặc trị, do vậy khi bệnh xảy ra, các thiệt hại về kinh tế gây ra cho người chăn nuôi là rất lớn. Hơn nữa, có nhiều loại bệnh trên vật nuôi có thể lây sang người và gây chết người như: bệnh cúm gia cầm, bệnh dại… Trong trường hợp này, việc sử dụng vaccine để phòng bệnh được xem là một trong những giải pháp hiệu quả nhất để phòng tránh rủi ro, qua đó cũng giúp bảo vệ sức khỏe của con người.
Những năm qua đã xuất hiện ngày càng nhiều các loại bệnh nguy hiểm trên đàn vật nuôi mà chưa có thuốc đặc trị, trong đó chủ yếu là các loại bệnh có nguồn gốc xuất xứ từ nước ngoài được du nhập vào nước ta. Trong đó, có thể kể ra hàng loạt các loại bệnh như bệnh heo tai xanh, bệnh dịch tả heo châu phi, bệnh viêm da nổi cục trên gia súc... Người chăn nuôi có thể bị “trắng tay” hoặc rơi vào cảnh nợ nần do vật nuôi mắc phải bệnh chết hết cả đàn hoặc phải đem đi tiêu hủy toàn bộ khi vật nuôi mắc các bệnh nguy hiểm có thể lây sang người. Trước thực tế đó, thời gian qua việc sử dụng vaccine thú y để phòng bệnh cho vật nuôi đã được nước ta quan tâm thực hiện. Các cơ quan chức năng của Việt Nam cùng nhiều đơn vị, doanh nghiệp đã nghiên cứu, sản xuất và đưa vào sử dụng ngày càng nhiều loại vaccine thú y. Ðến nay, Việt Nam có 92 cơ sở sản xuất thuốc thú y đạt GMP-WHO, trong đó có 12 cơ sở sản xuất vaccine thú y. Nước ta cũng tăng cường hợp tác quốc tế, thực hiện chuyển giao khoa học công nghệ với nhiều quốc gia và tổ chức trên thế giới để ứng dụng tiến bộ mới trong lĩnh vực vaccine thú y. Qua đó, giúp kịp thời nghiên cứu, chuyển giao, phát triển thương mại nhiều loại vaccine thú y để phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu.
Thúc đẩy nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng
Ðể góp phần thúc đẩy hợp tác, nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng vaccine thú y trong phòng bệnh cho vật nuôi, Cục Thú y cùng Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) và Báo Nông nghiệp Việt Nam vừa phối hợp tổ chức Diễn đàn “Ứng dụng tiến bộ mới trong lĩnh vực vaccine thú y tại Việt Nam”. Tại diễn đàn này, các cơ quan chuyên môn thuộc Bộ NN&PTNT cùng các địa phương, viện, trường, doanh nghiệp đã cập nhật, cung cấp các thông tin về tình hình nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng vaccine thú y tại Việt Nam trong phòng bệnh trên vật nuôi. Giới thiệu những công nghệ, sản phẩm tiên tiến nhất trong lĩnh vực vaccine thú y. Diễn đàn cũng dành nhiều thời gian để các bên có liên quan trao đổi, thảo luận, đề xuất các giải pháp, mô hình và cách làm hay nhằm tăng cường nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng các loại vaccine thú y trong chăn nuôi.
Nhiều đại biểu cho rằng, vaccine đã khẳng định hiệu quả trong phòng bệnh, giúp người chăn nuôi nâng cao sản xuất kinh doanh nhờ giảm chi phí, giảm được các rủi ro và tạo ra sản phẩm an toàn. Tuy nhiên, hiện nông dân, doanh nghiệp vẫn còn thiếu thông tin về các loại vaccine, cũng như còn gặp khó trong tiếp cận và đưa vào ứng dụng những loại vaccine được đánh giá có chất lượng và hiệu quả tốt trong phòng bệnh. Tới đây, ngành chức năng cần quan tâm tăng cường công tác thông tin, truyên truyền và tập huấn cho nông dân cùng các bên có liên quan. Ðồng thời, đẩy mạnh nghiên cứu, phát triển sản xuất và sử dụng các loại vaccine nội địa, cũng như phát triển xuất khẩu vaccine. Tạo điều kiện để nông dân kết nối và mua sản phẩm vaccine trực tiếp từ các nhà sản xuất và nhà cung cấp có uy tín để đảm bảo mua được sản phẩm chất lượng và có giá cả hợp lý. Mặt khác, quan tâm thúc đẩy hợp tác giữa các đơn vị, doanh nghiệp trong nước với quốc tế để kịp thời chuyển giao, ứng dụng các sản phẩm mới và công nghệ mới vào việc sản xuất vaccine...
Ông Nguyễn Hữu Vinh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Gia cầm Việt Nam, cho biết: “Các đơn vị, doanh nghiệp trong hiệp hội đã tuân thủ các quy định về sử dụng vaccine trong phòng bệnh trên đàn gia cầm và đạt kết quả rất tốt trong những năm qua. Thời gian tới, hiệp hội tiếp tục phối hợp Cục Thú y và các công ty cung cấp vaccine để thúc đẩy ứng dụng, sử dụng nhiều hơn trong chăn nuôi”. Theo ông Phạm Văn Học, Phó Tổng Giám đốc Thường trực Tập đoàn Dabaco Việt Nam, một thực tế đang đặt ra là muốn phòng bệnh tốt thì vaccine phải tốt, trong khi vaccine giá thành lại cao. Ðiều này đang là một khó khăn cần được các bên liên quan nghiên cứu, đưa ra các giải pháp để phối hợp tháo gỡ kịp thời.
Việc tiêm phòng vaccine thú y là giải pháp căn cơ nhất hiện nay trong phòng, chống dịch bệnh trên vật nuôi. Theo ông Phan Quang Minh, Phó Cục trưởng Cục Thú y, mặc dù chăn nuôi tập trung đã phát triển nhưng chăn nuôi nhỏ lẻ ở nước ta vẫn còn phổ biến. Ðiều này tạo thuận lợi cho sự lây lan của nhiều loại dịch bệnh, nhất là khi chăn nuôi nhỏ lẻ theo quy mô nông hộ, người dân chưa áp dụng tốt các giải pháp chăn nuôi an toàn sinh học và an toàn dịch bệnh. Giải pháp “then chốt” là phải tiêm vaccine phòng bệnh, nhất là các bệnh nguy hiểm mới nổi như viêm da nổi cục và bệnh dịch tả heo châu phi hay bệnh tái nổi như nhiệt thán. Hiện cũng có nhiều loại bệnh chuyển từ động lực thấp sang động lực cao và có sự xuất hiện, kết hợp nhiều mầm bệnh khác nhau dễ gây các thiệt hại lớn cho người chăn nuôi. Do vậy, các địa phương, doanh nghiệp và đơn vị có liên quan cần quan tâm hướng dẫn người dân tiêm đầy đủ các loại vaccine cần thiết để phòng bệnh. Tiếp tục thúc đẩy việc nghiên cứu, sản xuất vaccine trong nước để có điều kiện giảm giá bán và phát huy hiệu quả phòng bệnh nhờ gắn với thực tế các loại dịch bệnh xuất hiện ở nước ta.
Bài, ảnh: KHÁNH TRUNG