29/08/2009 - 22:02

Sông Hậu sẽ đẹp hơn...

Trung tuần tháng 8-2009, lãnh đạo Thành ủy, UBND thành phố đã có chuyến khảo sát sông Hậu đoạn từ Bến Ninh Kiều tới quận Thốt Nốt. Qua chuyến khảo sát này, nhiều vấn đề về quy hoạch xây dựng dọc theo dòng sông Hậu với định hướng phát triển lâu dài, bền vững đã được lãnh đạo thành phố vạch ra...

TỪ KÈ SÔNG HẬU...

Lãnh đạo Thành ủy và các ban ngành tại chuyến khảo sát sông Hậu và chọn vị trí xây dựng cầu bắc qua cồn Tân Lộc. 

Sông Hậu đi qua địa bàn TP Cần Thơ có chiều dài trên 62km tính từ Cảng Cái Cui (giáp tỉnh Hậu Giang) đến điểm giáp ranh với tỉnh An Giang. Theo Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố, bờ sông Hậu phía TP Cần Thơ hằng năm được phù sa bồi đắp, nên ý tưởng xây dựng bờ kè là phù hợp và có thể thiết kế xây dựng linh hoạt tùy theo từng đoạn sông...

Sau chuyến đi khảo sát, đồng chí Nguyễn Tấn Quyên, Bí thư Thành ủy, cho rằng, lãnh đạo thành phố đã tính toán đến chuyện quy hoạch xây dựng bờ kè này từ khá lâu. Nhưng vào thời điểm này có thể nói là phù hợp và cần phải tính toán chi tiết để lập đồ án quy hoạch xây dựng. Thành phố sẽ đưa dự án này vào kế hoạch thực hiện trong giai đoạn 2010-2015... Về ý tưởng xây dựng, theo đồng chí Bí thư, có thể lập quy hoạch xây dựng bờ kè một cách linh hoạt theo dạng “bên trong cứng, bên ngoài mềm”. “Cứng” tức là bên trong xây dựng bờ kè bằng bê tông kiên cố, cạnh bờ kè là công viên, kế đến là đường giao thông chạy suốt bờ kè; “mềm” ở bên ngoài là vẫn giữ lại những hàng bần, lục bình để vừa giữ đất bãi bồi được phù sa bồi đắp và đặc biệt giữ được nét hoang sơ vốn có của bờ sông Hậu.

Tại khu vực chợ Thốt Nốt đã xây dựng xong bờ kè. 

Tuy nhiên, dự án xây dựng bờ kè có quy mô khá lớn và cần nguồn kinh phí không nhỏ này không chỉ dừng lại ở mục đích chỉnh trang đô thị, bảo vệ bờ sông hay di dời những dải nhà sàn lụp sụp làm kém mỹ quan... “Bờ kè này còn giữ chức năng vô cùng quan trọng nữa là có thể chống lũ lụt trong tương lai. Bởi theo dự báo về tình trạng biến đổi khí hậu, nước biển dâng, thì ĐBSCL (trong đó có TP Cần Thơ) sẽ chịu ảnh hưởng rất lớn và rất khó lường. Nếu kịch bản về biến đổi khí hậu diễn ra theo chiều bất lợi như thế, thì bờ kè sông Hậu sẽ giữ chức năng chống lũ lụt, hạn chế thiệt hại do biến đổi khí hậu gây ra...” - đồng chí Nguyễn Tấn Quyên cho biết.

Một vấn đề nữa liên quan đến bờ kè sông Hậu là các nhà máy, các khu công nghiệp, các cụm cảng sẽ được xử lý ra sao khi xây dựng bờ kè? Lãnh đạo thành phố cho biết, sẽ lập quy hoạch xây dựng tổng thể cho cả bờ kè này với quan điểm: là công trình công cộng. Do đó, tất cả công trình hiện có dọc bờ kè này trong tương lai sẽ được sắp xếp, bố trí lại cho phù hợp nhằm mục tiêu phục vụ cộng đồng.

ĐẾN CHIẾC CẦU BẮC QUA CỒN TÂN LỘC

Qua chuyến khảo sát, lãnh đạo đã thống nhất chủ trương xây dựng chiếc cầu bắc qua cồn Tân Lộc nối với quốc lộ 91. Chiếc cầu này nằm tại vị trí cách cầu Cần Thơ Bé (hướng về quận Thốt Nốt) khoảng 1 km (thuộc phường Trung Kiên nối qua phường Tân Lộc), Sở Giao thông Vận tải làm chủ đầu tư công trình này. Theo dự kiến, cầu bắc qua cù lao Tân Lộc có quy mô 2 làn xe và 2 làn đường cho người đi bộ, có tải trọng 30 tấn, cầu và đường dài khoảng 3,7km. Đồng chí Nguyễn Tấn Quyên chỉ đạo: “Sở Giao thông Vận tải khẩn trương triển khai công tác khảo sát, tư vấn, thiết kế hoàn tất hồ sơ để cuối năm 2010 ghi vốn và đầu năm 2011 sẽ triển khai thực hiện”. Tại chuyến khảo sát này, rất nhiều bà con sống xung quanh khu vực xây dựng cầu vô cùng phấn khởi. Anh Sáu Ân, ở phường Tân Lộc, bộc bạch: Ở xứ cù lao Tân Lộc này lâu nay muốn qua đất liền (qua sông) phải phụ thuộc vào những chuyến đò ngang, nhưng buổi tối đò không chạy nữa thì coi như bị “cô lập”, chưa nói tới chuyện an toàn của những chuyến đò ngang khi gặp trời mưa bão. Nhà nước xây dựng chiếc cầu này thì còn gì bằng, con cháu chúng tôi sau này sẽ đi lại học hành thuận lợi. Cù lao Tân Lộc sẽ có điều kiện phát triển...”.

Tuy nhiên, mục đích xây dựng cầu bắc qua cồn Tân Lộc, ngoài chức năng giao thông nối cồn Tân Lộc với đất liền còn có chức năng phục vụ phát triển du lịch cho cồn Tân Lộc, xây dựng những khu dân cư, nhà hàng, khách sạn, nhà nghỉ dưỡng và phát triển làng nghề như: Chăn nuôi thủy hải sản, hoa kiểng, thủ công mỹ nghệ xuất khẩu... Lãnh đạo thành phố cũng cho biết thêm, cầu qua cồn Tân Lộc chỉ bắc qua một nhánh của sông Hậu (phía giáp tỉnh Đồng Tháp mới là nhánh sông chính) nên địa phương có thể quyết định về mặt quy hoạch xây dựng. Còn việc chọn vị trí trên để xây cầu là do nơi đây là đoạn sông có chiều ngang ngắn nhất tính từ mép cồn Tân Lộc sang đất liền (phường Trung Kiên) sẽ giảm chi phí đầu tư xây dựng cầu. Vị trí này cũng nằm gần giữa cồn Tân Lộc, nên người dân đi lại sẽ dễ dàng hơn... Ngoài ra, 2 bên đường dẫn từ quốc lộ 91 kéo dài đến vị trí xây dựng cầu (phía quốc lộ 91, phường Trung Kiên) được quy hoạch quản lý sử dụng đất tỷ lệ 1/2000 để xây dựng phát triển thương mại, dân cư vừa tạo điểm nhấn, vừa là cửa ngõ khang trang trước khi bước chân qua cồn Tân Lộc...

Sau dự án xây dựng cầu bắc qua cồn Tân Lộc, quy hoạch cồn Tân Lộc cũng được lãnh đạo thành phố tính đến. Sở Xây dựng được giao thực hiện quy hoạch tỷ lệ 1/5000 cồn Tân Lộc (phường Tân Lộc, quận Thốt Nốt, diện tích khoảng 2.010ha). Phường Tân Lộc sau khi có quy hoạch phê duyệt sẽ mời gọi các nhà đầu tư khai thác... Ngoài ra, tỉnh An Giang và tỉnh Hậu Giang cũng đã lập kế hoạch xây dựng kè dọc sông Hậu đi qua địa bàn hai tỉnh này. Khi các địa phương cùng thực hiện đồng bộ, thì dòng sông Hậu sẽ được chỉnh trang, nâng cấp thành một bức tranh tuyệt đẹp.

THIỆN KHIÊM

Chia sẻ bài viết