20/09/2008 - 09:51

Phiên họp toàn thể lần thứ VI Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội

Sớm chấn chỉnh xáo trộn trong tổ chức bộ máy làm công tác dân số

Khai mạc sáng 19-9 tại TP Hồ Chí Minh, phiên họp toàn thể lần thứ VI Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội dưới sự chủ trì của bà Trương Thị Mai- Chủ nhiệm, đã cho ý kiến đối với các báo cáo của Bộ Y tế về tình hình dân số, tổ chức bộ máy dân số và việc sửa đổi Pháp lệnh dân số, chương trình xây dựng luật và pháp lệnh trong lĩnh vực y tế, việc thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2008 và nhiệm vụ kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước 2009 trong lĩnh vực chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân.

Báo cáo của Bộ Y tế do Thứ trưởng Nguyễn Bá Thủy trình bày trong phiên họp cho thấy, tỷ lệ sinh giảm chậm và biến động (năm 2007 không đạt chỉ tiêu đề ra trong Nghị quyết Quốc hội là 0,3%o, chỉ đạt 0,25%o), tỷ lệ sinh con thứ 3 tăng 13,4% so cùng kỳ 2007. Ủy ban cho rằng, nếu không chú trọng thực hiện ổn định ngay bộ máy làm công tác dân số thì ngay cả năm 2009 cũng không đạt chỉ tiêu giảm sinh. Do vậy, Ủy ban đề nghị Bộ Y tế đánh giá sâu sắc hơn những nguyên nhân liên quan việc thực hiện các chỉ tiêu về dân số (nhất là tỷ lệ giảm sinh), làm rõ những vấn đề về nhận thức và kế thừa công tác dân số trước đây cũng như trách nhiệm của Bộ, địa phương, đặc biệt quan tâm đến những biến động (sinh con thứ 3, mất cân bằng giới tính...), có số liệu chuẩn xác để phân tích và đưa ra giải pháp phù hợp. “Tổ chức bộ máy làm công tác dân số đang hết sức phức tạp, việc chỉ đạo điều hành thông qua bộ máy này do vậy đang ở trong tình trạng rối ren, Bộ phải tập trung ổn định bộ máy, nhất là tuyến huyện và xã”- Chủ nhiệm Ủy ban Trương Thị Mai nhấn mạnh.

Ủy ban cũng lưu ý Bộ Y tế về việc thực hiện chỉ tiêu giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em (SDDTE) dưới 5 tuổi (Việt Nam tuy đã giảm tỷ lệ này xuống 21,2% song vẫn cao hơn nhiều các nước trong khu vực), trong đó tỷ lệ SDDTE thể thấp còi vẫn cao ở mức báo động (31,9% năm 2006). Ủy ban cho rằng, cần đưa chỉ tiêu hạ tỷ lệ này vào Nghị quyết hàng năm của Quốc hội và Nghị quyết phát triển kinh tế - xã hội hàng năm của các địa phương để từng bước nâng cao chất lượng giống nòi Việt Nam, kiến nghị Chính phủ tập trung đầu tư nguồn lực cho phòng chống SDDTE ở vùng Tây Bắc, Tây Nguyên, vùng sâu vùng xa và các tỉnh có tỷ lệ SDDTE cao.

Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội thể hiện sự ủng hộ đối với 4 dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh, Luật An toàn thực phẩm, Luật phòng chống tác hại thuốc lá và Luật Dân số mà Bộ Y tế đề xuất song cho rằng, việc xây dựng và trình Quốc hội các dự luật này cần được thực hiện theo thứ tự ưu tiên, trên cơ sở tổng kết thực tiễn cụ thể và làm rõ các quan điểm, chính sách cũng như dự báo tác động của các chính sách, quy định này.

THI CẦM (TTXVN)

Chia sẻ bài viết