19/11/2008 - 07:48

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng:

Sẽ xây dựng các nhóm chính sách mới, đặc thù để giảm nghèo nhanh, bền vững

* Đề xuất 5 nhóm giải pháp thực hiện Chiến lược quốc gia phòng, chống tham nhũng

* Chính phủ hỗ trợ các địa phương phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai

Ngày 18-11, tại Trụ sở Chính phủ, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Chính phủ họp Phiên giữa tháng 11-2008.

Tại Phiên họp, Chính phủ dành nhiều thời gian tập trung thảo luận, cho ý kiến Đề án về cơ chế, chính sách và giải pháp hỗ trợ giảm nghèo nhanh, bền vững đối với các huyện có tỷ lệ nghèo cao đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020, do lãnh đạo Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội trình bày.

Theo số liệu tổng hợp của Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội, tính đến cuối năm 2006, tỷ lệ hộ nghèo chung của cả nước còn khoảng 18%, nhưng vẫn có 61 huyện, với khoảng 480.000 hộ và số dân khoảng 2,4 triệu người thuộc 20 tỉnh có tỷ lệ hộ nghèo trên 50%, trong đó 16 huyện có tỷ lệ hộ nghèo từ 70 đến 80%. Đáng chú ý, tỷ lệ nghèo ở 61 huyện trên cao gấp 3,5 lần tỷ lệ nghèo chung của cả nước và gấp 1,3 lần tỷ lệ nghèo nhóm dân tộc thiểu số. Mức độ nghèo khổ cũng có sự chênh lệch đáng kể, thu nhập bình quân của nhóm hộ nghèo ở 61 huyện khoảng 140 nghìn đồng/người/tháng vào năm 2006, chỉ bằng 22% thu nhập bình quân đầu người cả nước, bằng 60% chuẩn nghèo khu vực nông thôn.

Mục tiêu tổng quát của Đề án: Tạo sự chuyển biến nhanh hơn về đời sống vật chất, tinh thần của người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số thuộc các huyện nghèo, bảo đảm đến năm 2020 ngang bằng các huyện khác trong khu vực. Hỗ trợ phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp bền vững, theo hướng sản xuất hàng hóa, khai thác tối đa các thế mạnh của địa phương. Xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế- xã hội phù hợp với đặc thù của từng huyện; chuyển đổi cơ cấu kinh tế và các hình thức tổ chức sản xuất hợp lý theo quy hoạch; xây dựng xã hội nông thôn ổn định, giàu bản sắc văn hóa dân tộc; dân trí được nâng cao, môi trường sinh thái được bảo vệ.

Mục tiêu cụ thể của Đề án, đến năm 2010, giảm tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn hiện hành xuống dưới 40%; cơ bản không còn hộ dân ở nhà tạm, tăng tỷ lệ che phủ rừng và tỷ lệ dân cư nông thôn được sử dụng nước sạch. Đến năm 2015, giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống mức ngang bằng mức trung bình của tỉnh. Và mục tiêu đến năm 2020, giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống mức ngang bằng mức trung bình của khu vực.

Kết luận về cơ chế, chính sách và giải pháp hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững tại 61 huyện nghèo, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định: Trên cơ sở Đề án này, Chính phủ sẽ sớm ban hành Nghị quyết về triển khai Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững tại 61 huyện nghèo.

Thủ tướng chỉ rõ, căn cứ vào tình hình thực tế, Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương tham mưu cho Chính phủ kịp thời rà soát, sửa đổi, bổ sung 11 nhóm chính sách hỗ trợ trực tiếp cho hộ nghèo; đồng thời xây dựng các nhóm chính sách mới, đặc thù để giải quyết cho được giảm nghèo nhanh và bền vững. Từng huyện (61 huyện nghèo) phải xây dựng Đề án riêng của huyện về thực hiện cơ chế, chính sách và giải pháp hỗ trợ giảm nghèo đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020, trên cơ sở đó Nhà nước bố trí các nguồn lực, nhất là vốn đầu tư. Các huyện cần chỉ đạo, tổ chức thực hiện tốt chính sách giao khoán bảo vệ rừng phòng hộ cho các hộ đồng bào dân tộc thiểu số với chế độ giao khoán thích hợp, khuyến khích đồng bào hăng hái tham gia bảo vệ rừng phòng hộ. Đặc biệt, đối với hộ đồng bào nghèo giữ rừng kết hợp bảo vệ an ninh biên giới, không có đủ lương thực ăn, Nhà nước sẽ hỗ trợ về lương thực. Các tập đoàn, tổng công ty và cả doanh nghiệp có điều kiện thuận lợi phải có trách nhiệm giúp đỡ 61 huyện nghèo...

Tiếp đó, Chính phủ nghe Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Văn Truyền đọc Tờ trình Chính phủ (dự thảo) về Chiến lược quốc gia phòng, chống tham nhũng đến năm 2020. Mục tiêu chung của Chiến lược là: Ngăn chặn, từng bước đẩy lùi tham nhũng, loại bỏ dần các cơ hội, điều kiện phát sinh tham nhũng, góp phần xây dựng bộ máy nhà nước trong sạch, vững mạnh, đội ngũ cán bộ, công chức liêm chính, lành mạnh hóa các quan hệ xã hội thông qua việc thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng ngừa, phát hiện và xử lý tham nhũng.

Chiến lược đề ra 5 nhóm giải pháp, đó là: Tăng cường công khai, minh bạch trong hoạt động công quyền, hạn chế điều kiện và cơ hội phát sinh tham nhũng trong việc hoạch định chính sách, xây dựng và thực hiện pháp luật; Kiểm soát việc thực thi quyền lực nhà nước; hoàn thiện chế độ công vụ, công chức, nâng cao chất lượng thực thi công vụ; Hoàn thiện cơ chế quản lý kinh tế, xây dựng môi trường kinh doanh cạnh tranh bình đẳng, công bằng minh bạch; Nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử trong phát hiện, xử lý tham nhũng; Nâng cao nhận thức và phát huy vai trò của toàn xã hội trong phòng, chống tham nhũng.

Kết luận về Chiến lược quốc gia phòng, chống tham nhũng đến năm 2020, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết: Chính phủ sẽ ban hành Nghị quyết cùng với Chiến lược quốc gia phòng, chống tham nhũng đến năm 2020.

* Ngày 17-11, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1659/QĐ-TTg về việc trích 310 tỉ đồng từ nguồn dự phòng ngân sách Trung ương năm 2008 cho 18 địa phương gồm: Ninh Bình, Hà Nội, Nghệ An, Hòa Bình, Hưng Yên, Hà Nam, Thái Bình, Bắc Giang, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Thanh Hóa, Hải Dương, Hà Tĩnh, Bắc Ninh, Nam Định, Lạng Sơn, Bắc Kạn và Thái Nguyên để hỗ trợ dân sinh, mua giống khôi phục sản xuất, cơ sở hạ tầng thiết yếu như trường học, trạm y tế, thủy lợi, giao thông nông thôn, vệ sinh môi trường và phòng, chống dịch bệnh... khắc phục hậu quả mưa lũ.

Thủ tướng cũng quyết định xuất cấp (không thu tiền) 5.400 tấn gạo từ nguồn Dự trữ quốc gia hỗ trợ các địa phương cứu đói kịp thời cho nhân dân bị thiệt hại do mưa lũ. Cụ thể, hỗ trợ Ninh Bình, Bắc Giang, Nghệ An mỗi tỉnh 1.000 tấn gạo; Thanh Hóa 900 tấn và Hà Tĩnh 1.500 tấn.

Cũng theo Quyết định này, 45 tấn hạt giống rau từ nguồn Dự trữ quốc gia được xuất cấp (không thu tiền) cho 13 địa phương để phục hồi sản xuất.

* Ngày 18-11, tại Công văn số 1981/TTg-KTN, Thủ tướng Chính phủ có ý kiến chỉ đạo Bộ Tài chính ứng trước 215 tỉ đồng từ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ để hỗ trợ Hậu Giang, Thừa Thiên Huế và Phú Thọ đẩy nhanh tiến độ các dự án đê, kè, phòng, chống lụt bão cấp bách đã có chủ trương đầu tư từ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ.

Số vốn trên được phân bổ cụ thể như sau: Tỉnh Hậu Giang: 70 tỉ đồng để đẩy nhanh tiến độ đầu tư kênh Xáng Xà No giai đoạn II; tỉnh Thừa Thiên Huế 55 tỉ đồng để cơ bản hoàn thành công trình xử lý khẩn cấp khắc phục xói lở bờ biển Hải Dương - Thuận An - Hòa Duân; tỉnh Phú Thọ 90 tỉ đồng để cơ bản hoàn thành các công trình xử lý khẩn cấp đê tả sông Thao đoạn Km 80+100 - Km 98+600 và đủ cao trình chống lũ các công trình kè Hồng Đà đê hữu sông Thao, kè Xuân Lộc, kè Đoan Hạ đê tả sông Đà, kè Bản Nguyên đoạn Km 85 - Km 87 đê tả sông Thao.

QUANG LIÊN (TTXVN)

Chia sẻ bài viết