02/09/2014 - 15:56

CHƯƠNG TRÌNH BÌNH ỔN THỊ TRƯỜNG NĂM 2014

Sâu sát nhu cầu thị trường

Tiếp tục thực hiện Nghị quyết 11/NĐ-CP ngày 24-2-2011 của Chính phủ về những giải pháp chủ yếu tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội, để thực hiện tốt công tác quản lý ổn định thị trường cho năm 2014 và dịp Tết Nguyên đán năm 2015, TP Cần Thơ ra Kế hoạch số 73/KH-UBND ngày 13-8-2014 của UBND TP Cần Thơ. Năm nay chương trình vẫn chủ trương đi sâu, sát vào thực tế nhu cầu của thị trường, gắn với cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam".

Thời gian qua, chương trình Bình ổn thị trường đã góp phần cân đối cung cầu hàng hóa, đáp ứng nhu cầu của người dân, nhất là các mặt hàng thiết yếu, từ đó góp phần hạn chế tăng giá, kiềm chế lạm phát, thúc đẩy sản xuất kinh doanh phát triển, kích cầu tiêu dùng, đảm bảo an sinh xã hội, cải thiện đời sống nhân dân và chăm sóc sức khỏe nhân dân trên địa bàn thành phố. Năm nay, chương trình áp dụng với các mặt hàng lương thực, thực phẩm (gạo thường, gạo thơm sản xuất trong nước, thịt heo, thịt gia cầm, trứng gia cầm, thủy hải sản, dầu ăn, đường, thực phẩm chế biến, rau củ quả…), dụng cụ học sinh cần thiết (tập, viết). Số lượng hàng hóa tham gia bình ổn trong dịp Tết tăng bình quân khoảng 20% so với tháng thường trong năm. Đối tượng tham gia chương trình là các doanh nghiệp thuộc thành phần kinh tế có trụ sở tại TP Cần Thơ, các liên hiệp hợp tác xã, hợp tác xã trên địa bàn thành phố.

Từ chương trình bình ổn thị trường, đợt cao điểm mua sắm Tết giá các mặt hàng tại các điểm bán hàng bình ổn giá luôn thấp hơn giá thị trường.

Các ngân hàng thương mại tham gia chương trình thực hiện đăng ký hạn mức tín dụng và mức lãi suất phù hợp cho doanh nghiệp trong chương trình vay vốn sản xuất kinh doanh, dự trữ hàng hóa cung ứng ra thị trường hoặc đầu tư mở rộng phát triển sản xuất kinh doanh. DN có nhu cầu vay vốn sẽ thực hiện đăng ký và vay vốn tại các ngân hàng thương mại (đã đăng ký tham gia chương trình với mức lãi suất ưu đãi). Hạn mức và lãi suất ưu đãi sẽ do các ngân hàng và doanh nghiệp tự thỏa thuận theo hợp đồng vay vốn. Ngân sách thành phố chỉ tham gia hỗ trợ khi cần thiết, mức hỗ trợ vốn cho doanh nghiệp sẽ do Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính cùng Sở Công thương căn cứ vào nhu cầu thực tế và khả năng cân đối của ngân sách để trình UBND thành phố xem xét, quyết định… Hàng hóa phục vụ trong chương trình phải bảo đảm chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm, lượng hàng hóa phục vụ cho chương trình có khả năng đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng của nhân dân trên địa bàn thành phố, kể cả trong trường hợp có xảy ra biến động thị trường với giá bán thấp hơn giá bán các mặt hàng cùng chủng loại, chất lượng và cùng thời điểm trên thị trường ít nhất 5%.

Phải nhìn nhận rằng, nhờ có sự tham gia của chương trình đã đem lại nhiều kết quả tích cực, các doanh nghiệp đã tích cực chủ động nguồn hàng dự trữ nên thị trường được điều tiết tốt, đặc biệt vào những mùa mua sắm cao điểm, gần như không để xảy ra tình trạng khan hàng, tăng giá. Đặc biệt, tại các hệ thống siêu thị, trong dịp mua sắm cao điểm, lễ, Tết còn tăng cường thực hiện các chương trình giảm giá, khuyến mãi dành cho người tiêu dùng. Các đơn vị trong và ngoài thành phố còn thực hiện bán hàng lưu động; cùng phối hợp với Trung tâm Xúc tiến Đầu tư Thương mại và Du lịch TP Cần Thơ thực hiện chương trình bán hàng đưa hàng Việt về nông thôn, khu chế xuất giúp nhân dân tiếp cận được với hàng hóa bình ổn, có nguồn gốc rõ ràng, chất lượng đảm bảo, giá hợp lý… Ông Phạm Việt Bắc, Phó Giám đốc Sở Công thương TP Cần Thơ, nhận định: Qua khảo sát tại các cơ sở kinh doanh lớn và thực tế thị trường, chúng tôi khẳng định lượng hàng rất dồi dào, đủ để đáp ứng nhu cầu thị trường ngay cả trong những dịp mua sắm cao điểm. Tuy nhiên, để công tác thực hiện đảm bảo, bên cạnh việc phối hợp với các đơn vị kinh doanh để chủ động nguồn hàng, Sở cũng tăng cường công tác kiểm tra hàng hóa trên thị trường để kiểm soát hàng gian, hàng giả, tình trạng đầu cơ tích hàng nhằm đảm bảo quyền lợi cho các đơn vị tham gia chương trình và quyền lợi của người tiêu dùng.

Tuy nhiên, theo một số doanh nghiệp tham gia bình ổn thị trường, trong quá trình thực hiện vẫn còn những hạn chế, như: tình trạng giá bán hàng bình ổn cao hơn giá thị trường; nhiều doanh nghiệp phải chịu lỗ hoặc khó cạnh tranh với thị trường bên ngoài. Với mặt hàng tiêu dùng đôi khi mặt hàng bình ổn giá của công ty phải chịu sức ép của thị trường, đó là các điểm bán hàng không hóa đơn (tức không phải chịu thuế VAT) nên có bán giá thấp hơn hàng bình ổn giá của công ty, khiến doanh nghiệp phải chịu lỗ hạ giá thành theo nhằm thực hiện đúng cam kết. Từ thực tế trên, thiết nghĩ để công tác bình ổn thị trường được thực hiện tốt, đảm bảo quyền lợi cho các đơn vị tham gia, ngoài công tác nỗ lực chuẩn bị nguồn hàng, các cơ quan chức năng nên cần đẩy mạnh công tác quản lý thị trường để hạn chế tối thiểu tình trạng cạnh tranh không lành mạnh và hàng gian, hàng giả.

Tại cuộc họp triển khai công tác bình ổn thị trường năm 2014 và dịp Tết Nguyên đán 2015, đồng chí Trương Quang Hoài Nam, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, nhấn mạnh: Để công tác bình ổn thị trường được mở rộng và phát huy hiệu quả tối đa, năm nay đối tượng tham gia chương trình không áp dụng theo hướng chỉ định "cứng" mà nên mở rộng cho tất cả các đơn vị có đủ điều kiện tham gia. Tuy nhiên, cũng cần phải lựa chọn kỹ lưỡng để chương trình đi đúng hướng. Về hàng hóa cần nghiên cứu sao cho những chủng loại hàng phù hợp với nhu cầu tiêu dùng thực tế và cần phải đa dạng hình thức kinh doanh để mọi người đều có thể hưởng lợi từ chương trình, đặc biệt người tiêu dùng là công nhân tại các khu công nghiệp, khu chế xuất và vùng sâu, vùng xa. Sự góp sức từ phía Ngân hàng Nhà nước trong việc làm trung gian giữa doanh nghiệp và các ngân hàng thương mại trên tinh thần hỗ trợ lãi suất, thế chấp hợp lý và thời gian sử dụng vốn vay là rất cần thiết để các doanh nghiệp tham gia bình ổn giá thực hiện điều tiết thị trường tốt hơn. Ngoài ra, để ứng phó với những biến động bất thường như: dịch bệnh, thời tiết, tình hình chính trị thế giới có thể xảy ra và sẽ tác động không nhỏ đến đến thị trường. Do vậy, UBND TP Cần Thơ thành lập tổ theo dõi và tư vấn thị trường để có những thông tin cũng như ứng phó kịp thời khi thị trường xảy ra biến động.

Bài, ảnh: KHÁNH NAM

Chia sẻ bài viết