 |
Nhiều sinh viên luôn phấn đấu, học tập, trang bị kiến thức nhiều mặt để tạo dựng tương lai tươi đẹp. Trong ảnh: Sinh viên Trường Đại học Cần Thơ đang tìm tài liệu học tập tại Trung tâm học liệu. Ảnh: B. NG |
Hiện nay, rất nhiều sinh viên tranh thủ tìm việc làm thêm ngoài giờ học để kiếm thêm tiền trang trải cuộc sống, nhiều bạn chắt chiu, tiết kiệm từng đồng để mua sắm những phương tiện cần thiết phục vụ cho việc học. Tuy nhiên, bên cạnh đó, có không ít bạn trẻ còn sống phụ thuộc vào sự chu cấp của gia đình, nhiều trường hợp kinh tế gia đình còn khó khăn nhưng vì muốn chứng tỏ mình là người sành điệu, cố “chạy đua” cho bằng bạn, bằng bè dẫn đến những hệ lụy đáng tiếc... Sự đua đòi, chi xài “quá với” ấy đã tạo ra nhiều câu chuyện “dở khóc dở cười”...
Chạy theo trào lưu... sành điệu
Nếu chịu khó đến một số quán cà phê có wifi ở quận trung tâm TP Cần Thơ không khó bắt gặp hình ảnh những sinh viên tụm năm, tụm ba “trầm quán”, “lướt phím cưỡi chuột” để giết thời gian. Vấn đề một số bạn quan tâm thường ít liên quan đến việc học hành mà thường là những vấn đề “nóng” của giới trẻ, hoặc khoe nhau về những “mốt” thời trang, kiểu xe đời mới, những loại laptop đắt tiền... Việc chạy theo trào lưu “sành điệu” thường là khá tốn kém. Như trường hợp N.V.T (sinh viên Trường CĐCT), tuy gia đình không mấy khá giả nhưng luôn cố gắng lo cho T. “bằng bạn bằng bè”. Chỉ sau một thời gian lên thành phố học, chi phí “đầu tư” cho học tập của T. càng lúc càng tăng lên. Trong khi T. diện những bộ cánh bảnh bao, ôm laptop hàng hiệu, cưỡi xe tay ga ngày ngày trầm quán thì cha mẹ T. nai lưng làm lụng, chắt mót để gởi tiền cho con trai ăn học. Nhu cầu của V.N.T (sinh viên năm cuối Trường ĐHCT) cũng ngày càng tăng cao theo số năm khăn gói lên thành phố học. Từ một cô gái giản dị ở tỉnh lẻ, N.T dần lột xác và cố gắng nâng tầm sự “sành điệu” của mình bằng những bộ trang phục “đắt tiền” như Ninomax, D&G... N.H.X..., ngày ngày ôm laptop đắt tiền la cà những quán xá sang trọng, mở rộng mối quan hệ với những chàng trai “sành điệu” mà chểnh mảng chuyện học hành. Một người bạn cùng quê với N.T tâm sự: “Ban đầu em với T. chơi rất thân, nhưng thấy bạn tiêu tiền quá đà, làm mọi cách để chứng tỏ cho mọi người thấy mình sành điệu, thuộc đẳng cấp cao nên dần dà em cũng ngại và ít gặp T. hơn”. Trường hợp của N.T.H (Trường TCBNCT) gia cảnh rất khó khăn. Cha mất sớm, ngày ngày mẹ H. vất vả mua bán chắt chiu từng đồng để lo cho H. ăn học. H. biện đủ lý do để thuyết phục mẹ gom tiền dành dụm và mượn thêm để đủ vài chục triệu cho H. sắm laptop, xe gắn máy “xịn”. Số tiền trị giá gấp nhiều lần sạp tạp hóa nhỏ của người mẹ nghèo. Hàng ngày, chứng kiến những chuyện “chướng tai gai mắt” giống như H., một chủ nhà trọ trên đường 3 Tháng 2, ngao ngán nói: “Bác không khỏi đau lòng khi nhìn cảnh cha mẹ các cháu lên thăm con mà hai tay xách nào là gạo, chuối, mắm, tương..., dồn tất cả tiền bạc, hy vọng vào chúng nhưng nào ngờ con mình chỉ lo ăn chơi, đua đòi, sống phóng túng, chẳng lo học hành...”.
Những tiếc nuối muộn màng...
Nếu chịu khó tìm hiểu về nhiều trường hợp tương tự như trên, thật bất ngờ khi biết rất ít bạn trẻ tìm được kết quả “có hậu” sau mấy năm “chạy đua” theo bạn bè. Như trường hợp N.V.T. mà chúng tôi nhắc ở trên, sau một thời gian la cà vào các quán cà phê rồi sinh nghiện, T. ngày càng bê trễ việc học hành. Vì vậy, học kỳ nào T. đều có môn bị “dính” nợ. Đến năm cuối, T. mới nhận ra nguy cơ đánh mất tấm bằng tốt nghiệp nên bỏ hết mọi thứ dồn sức học quyết liệt, cuối cùng T. cũng vượt qua kỳ thi tốt nghiệp. Nhưng với tấm bằng cao đẳng loại trung bình, T. không tìm được việc làm, lại tiếp tục khăn gói lên TP Hồ Chí Minh làm tiếp thị cho một công ty sản xuất rượu, bia để có tiền liên thông lên đại học.
T.V.T. (sinh viên Trường ĐHCT) cũng vì “lỡ đà” chạy theo bạn bè mà lâm vào cảnh “trốn nợ”. Cha mẹ T. đều cao tuổi, kinh tế khó khăn nhưng nài nỉ cha mẹ bằng mọi cách vay tiền Ngân hàng chính sách xã hội để sắm laptop đầu tư cho việc học. Một ngày nọ, T. tá hỏa khi “đứa con yêu” “không cánh mà bay”. Để có “vật chứng” trình cha mẹ dưới quê, T. chạy vạy mượn tiền bạn bè khắp nơi để mua laptop mới. Dù cật lực làm thêm để trả nợ nhưng đến nay T. còn nợ bạn bè số tiền trị giá hơn 2/3 cái laptop và T. luôn tìm cách “tránh mặt” khi chủ nợ đòi rát quá.
Còn N.K.L từ một cô gái quê hiền lành, giản dị, sau một thời gian lên thành phố ăn học, cũng vì muốn lột xác, “gột bỏ” chân quê, sắm quần áo đắt tiền, điện thoại, laptop... nên L. mở rộng quan hệ với nhiều chàng trai khá giả. Hôm thì thấy L. cặp kè với anh này, vài hôm sau L. lại hẹn hò với người khác. Từ khi sa đà vào chuyện tình cảm, thay “bồ” như thay áo, L. sa đà vào những cuộc vui, kết quả học tập của L. sa sút bị trường cảnh cáo học vụ 2 lần và buộc phải thôi học. Đã quen với cuộc sống tiêu xài nên L. mượn tiền của hầu hết bạn bè từ vài trăm đến vài triệu đồng. Trong khi bạn bè đều tốt nghiệp, phần lớn đã có việc làm thì L. phải tất bật phụ bán quần áo cho một cửa hàng để có tiền trả nợ cho bạn bè và luyện thi đại học lại...
Trong khi V.T., K.L và một số bạn trẻ đang tiếc nuối khoảng thời gian chạy theo những thứ viển vông mà đánh mất tương lai thì vẫn còn những bạn trẻ tiếp tục “phấn đấu” bằng mọi giá để trở thành những sinh viên hitech (từ được một số bạn trẻ dùng gọi những sinh viên có laptop, điện thoại xịn, xe máy đời mới...), và xem ra câu chuyện vẫn chưa có hồi kết...
DÂN AN