14/01/2020 - 08:14

Sáng tạo trong dạy và học 

Những năm qua, nhiều mô hình giáo dục mới được triển khai tại các trường, tạo điều kiện cho giáo viên đổi mới phương pháp giảng dạy theo hướng phát huy sự sáng tạo của học sinh.

Hiệu quả từ hoạt động học trải nghiệm   

Những ngày đầu năm mới 2020, Trường Mầm non Thị trấn Phong Điền rộn ràng với các hoạt động mừng Xuân. Sân trường được trang trí đầy màu sắc, với nhiều gian hàng, cô trò cùng nhau làm những sản phẩm đặc trưng ngày Tết để giới thiệu với mọi người. Trong mỗi lớp học, cô trò cùng nhau làm thiệp, trang trí phòng lớp, cùng làm bánh... Chia lớp thành nhiều nhóm nhỏ, cô Võ Thị Ngọc Bích (lớp Lá 3) tỉ mẩn dạy các bé làm đồ trang trí ngày Tết bằng giấy. Bé Võ Lâm Thành Tài, 5 tuổi, hào hứng: “Cô dạy con dùng giấy làm đồ trang trí nhà đón Tết”. Cô Ngọc Bích cho biết: “Chúng tôi hướng dẫn để các bé tự tay làm đồ trang trí. Trong chuyên môn hằng ngày thì cô đặt câu hỏi gợi mở giúp trẻ rèn kỹ năng, phát triển tư duy. Cách dạy này giúp bé tự tin hơn”.

Trường Mầm non Thị trấn Phong Điền là trường đầu tiên bậc mầm non của huyện Phong Điền được ngành giáo dục thành phố chọn thực hiện mô hình Trường Điển hình đổi mới (ĐHĐM) vào năm 2019. Sau một năm thực hiện mô hình, giáo viên chủ động và sáng tạo hơn trong mỗi tiết dạy, trẻ tự tin và độc lập hơn trong các hoạt động giáo dục. Cô Hà Hải Ly, Phó Hiệu trưởng Trường Mầm non Thị trấn Phong Điền, cho biết: “Nhờ sự quan tâm của các cấp các ngành và nỗ lực của tập thể nhà trường, nhất là sự ủng hộ của phụ huynh học sinh nên mô hình ĐHĐM thực hiện hiệu quả. Sắp tới, trường tiếp tục duy trì thực hiện mô hinh này để trẻ phát triển toàn diện”. Trường hiện có 344 trẻ, với 35 cán bộ, giáo viên. 

Trong khi đó, được quận Ninh Kiều chọn thực hiện mô hình Trường ĐHĐM nhân rộng năm 2019, Trường Tiểu học Trần Quốc Toản cũng có nhiều hoạt động đổi mới đa dạng hơn. Đầu năm học 2019-2020, khuôn viên trường được bố trí thêm các góc trò chơi dân gian, trụ bóng rổ. Dịp Tết 2020, trường tổ chức Hội chợ Mùa xuân để học sinh trải nghiệm các phong tục Tết cổ truyền. Trịnh Nguyễn Tùng Anh, học sinh lớp 5A2, nói: “Em cùng các bạn trưng bày mâm ngũ quả ngày Tết, biết thêm tập tục đón năm mới cổ truyền”. Gần 1.400 học sinh cùng 110 cán bộ, giáo viên nhà trường tích cực thực hiện mô hình Trường ĐHĐM. Lãnh đạo trường tạo mọi điều kiện để tất cả học sinh đều được tham gia hoạt động trải nghiệm. Ngoài ra, trường còn có nhiều câu lạc bộ học thuật, thể dục thể thao giúp học sinh có điều kiện phát huy năng khiếu văn - thể - mỹ. Cô Huỳnh Thị Xuân Lan, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Trần Quốc Toản, cho biết: “Từ khi được chọn thực hiện mô hình Trường ĐHĐM, hoạt động giáo dục nhà trường ngày càng hiệu quả hơn”.

Lan tỏa các mô hình đổi mới

Sau gần 3 năm thực hiện, mô hình Trường ĐHĐM đã đem đến hiệu quả tích cực trong hoạt động giáo dục ở các trường trên địa bàn thành phố. Cô Lê Thị Kiều Trang, chuyên viên Phòng Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) huyện Phong Điền, cho biết: “Trường Mầm non Thị trấn Phong Điền là trường điểm của huyện, được thành phố chọn thực hiện mô hình Trường ĐHĐM. Từ hiệu quả mang lại, huyện sẽ nhân rộng các điểm trường khác trong những năm tiếp theo”. Tương tự, quận Ninh Kiều cũng đang mở rộng mô hình ở các điểm trường khác. Cô Quách Thị Thu Hương, Phó Trưởng Phòng GD&ĐT quận Ninh Kiều, cho biết: “Hiệu quả lớn nhất từ mô hình là tạo sự đồng thuận của phụ huynh học sinh. Họ cùng con em, giáo viên, nhà trường tham gia hoạt động giáo dục. Thầy trò các trường tích cực đổi mới, sáng tạo trong dạy và học”.

Bên cạnh mô hình Trường ĐHĐM, ngành giáo dục quận Ninh Kiều đã thực hiện 2 mô hình: Góc giáo dục tích hợp, Góc giáo dục trẻ hòa nhập ở các trường. Cô Quách Thị Thu Hương cho biết: “Ngành đã chỉ đạo nhân rộng mô hình ở tất cả các trường tiểu học. Các đơn vị chủ động xây dựng kế hoạch tổ chức hoạt động ở buổi học thứ 2 phù hợp điều kiện, tình hình của đơn vị. Từ đó, giúp học sinh vừa học, vừa chơi để rèn thêm các kỹ năng mềm trong học tập”.

Các quận, huyện của thành phố cũng đã và đang chỉ đạo các trường triển khai thực hiện mô hình giáo dục mới. Đơn cử như mô hình “Trường học - công viên - trải nghiệm” (huyện Thới Lai); mô hình trường học “Sáng - xanh - sạch - đẹp” (quận Ô Môn)… Tuy mỗi nơi có cách làm khác nhau nhưng đều hướng đến mục tiêu tăng cường giáo dục kỹ năng sống cho học sinh. Đây còn là một trong những điều kiện tiên quyết để ngành giáo dục thành phố chuẩn bị cho việc triển khai thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới vào năm 2020-2021. Theo thầy Nguyễn Phúc Tăng, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT thành phố, mô hình này đã góp phần cụ thể hóa Nghị quyết 29-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về đổi mới căn bản toàn diện giáo dục - đào tạo, tiệm cận chương trình giáo dục phổ thông mới. Mô hình giúp cơ sở giáo dục, đội ngũ quản lý và giáo viên chủ động sáng tạo, với sự hỗ trợ ban đầu về cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học. 

Theo Sở GD&ĐT TP Cần Thơ, trong 2 năm triển khai mô hình Trường ĐHĐM, các trường mầm non, tiểu học, trung học đã nhận hỗ trợ trên 4,2 tỉ đồng. Chất lượng giáo dục các bậc học ngày càng hiệu quả. Đặc biệt ở bậc mầm non, 100% nhóm, lớp xây dựng môi trường theo hướng phát triển tích cực cho trẻ khi tham gia vào các hoạt động vui chơi. Các trường đã vận dụng tính ưu việt của phương pháp giáo dục hành động trong việc tự nguyện, chủ động, sáng tạo xây dựng và thực hiện kế hoạch cải thiện điều kiện học tập, sinh hoạt của giáo viên, học sinh, từng bước nâng chất lượng dạy học và cảnh quan trường học…

Bài, ảnh: Ng.Ngân

Chia sẻ bài viết