15/06/2019 - 09:02

Sản xuất thực phẩm sạch hướng đến hội nhập 

Để đáp ứng nhu cầu thị trường và hướng đến hội nhập, nhiều nông dân TP Cần Thơ đã mạnh dạn ứng dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và đảm bảo sức khỏe người tiêu dùng. Qua đó, nhiều nông dân đã từng bước xây dựng thương hiệu sản  phẩm sạch với các mô hình trồng rau trong nhà lưới, trồng bưởi bao trái và trồng nấm linh chi…

Mô hình trồng rau trong nhà lưới của ông Trần Văn Út cho năng suất cao, thu nhập ổn định. 

Trồng rau trong nhà lưới

Khu trồng rau màu trong nhà lưới với diện tích 2,5 công của ông Trần Văn Út, khu vực Tràng Thọ B, phường Trung Nhứt, quận Thốt  Nốt được phủ kín bởi một màu xanh của các loại rau cải đang chờ ngày thu hoạch. Hơn 15 năm trồng rau cải, ông Út lo sợ nhất tình hình thời tiết thất thường, sâu bệnh tấn công sản phẩm. Từ năm 2016 đến nay, ông ứng dụng mô hình trồng rau trong nhà lưới nên năng suất cao gấp nhiều lần so với cách trồng truyền thống. Ông Út cho biết: "Ưu điểm của việc trồng rau trong nhà lưới là người trồng điều tiết được nhiệt độ, khắc phục được dịch bệnh, không có sâu hại, không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật nên các loại rau đạt năng suất cao, không bị tồn dư thuốc bảo vệ thực vật". Ngoài ra, người trồng sử dụng tro trấu, phân rơm, phân bò ủ với chế phẩm vi sinh để bón nên rau phát triển xanh tốt, nhẹ công chăm sóc, mang lại hiệu quả kinh tế khá cao.

Năm 2016, ông Út được Phòng Kinh tế quận Thốt Nốt hỗ trợ 100% chi phí đầu tư làm nhà lưới với diện tích 500m2. Việc trồng rau trong nhà lưới được tuân thủ theo quy trình từ chọn giống, gieo trồng, ươm hạt giống tới chăm sóc. Mô hình trồng rau sạch của ông Út hiệu quả, chất lượng sản phẩm đảm bảo, đáp ứng nhu cầu thị trường. Năm 2018, ông Út được một doanh nghiệp tin tưởng và đầu tư nhà lưới với diện tích 2.000m2; đồng thời ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm. Ông Út cho biết: "Hiện tại, tôi đang trồng cải các loại, mồng tơi, rau muống… Hằng ngày, thu  hoạch được từ 150 - 250kg rau, tùy loại rau, công ty hợp đồng bao tiêu với giá 7.000-10.000 đồng/kg".

Theo ông Út, thời gian đầu, các nhà khoa học, cán bộ khuyến nông đến hướng dẫn, chuyển giao khoa học kỹ thuật quy trình trồng rau sạch. Qua thời gian chăm sóc, đến nay ông đã làm chủ phương pháp trồng rau kỹ thuật cao này.

Trồng bưởi bao trái

Hội Nông dân phường Phước Thới, quận Ô Môn phối hợp với các ngành tạo điều kiện cho hội viên nông dân tiếp cận nguồn vốn vay, đồng thời mở nhiều lớp tập huấn, hội thảo đầu bờ chuyển giao khoa học kỹ thuật trồng cây ăn trái, giúp hội viên ứng dụng vào sản xuất. Từ những nỗ lực đó, nhiều hội viên nông dân đầu tư cải tạo vườn tạp thành vườn trồng chuyên canh cây ăn trái đặc sản cho lợi nhuận cao. Trong đó, có mô hình trồng bưởi da xanh của ông Võ Văn Dũng, khu vực Thới Ngươn B.

Vườn bưởi của ông Dũng có diện tích 5 công và trồng được 250 gốc. Đến nay, vườn bưởi đã được 4 năm tuổi, phát triển xanh tốt và trái xum xuê. "Vụ bưởi Tết năm 2019, gia đình thu hoạch được 2 gần tấn trái và bán với giá 50.000 đồng/ kg. Tôi đang xử lý ra hoa để có bưởi bán vào dịp Tết năm 2020". Hiện tại, ông Dũng trồng bưởi theo mô hình VietGAP, sử dụng phân hữu cơ và sử dụng thuốc sinh học để phòng, trị bệnh.

Ông Võ Văn Dũng (bìa trái) áp dụng phương pháp bao trái bưởi để tiết kiệm chi phí, cung ứng trái cây sạch ra thị trường.

Trước đây, 5 công vườn của ông Dũng trồng quýt, cam mật, mít, dâu Hạ Châu, năng suất không cao, giá cả bấp bênh nên lợi nhuận thấp. Năm 2014, trong chuyến tham quan các mô hình kinh tế hiệu quả ở huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre, ông Dũng nhận thấy cây bưởi da xanh có giá trị kinh tế cao và thị trường tiêu thụ ổn định. Ông Dũng đặt mua 250 nhánh bưởi giống với giá 18.000 đồng/ nhánh về trồng. Qua hơn 4 năm trồng và chăm sóc, ông Dũng nhận thấy giống bưởi da xanh dễ trồng, tỷ lệ đậu trái cao và có khả năng thu hoạch quanh năm. Để bưởi có trái to, bán được giá cao, ông Dũng chăm bón rất kỹ, từ lúc cây mới ra hoa, bao trái và thường xuyên vun gốc bón phân, đồng thời tỉa những cành kém hiệu quả giúp cây mang lượng trái vừa đủ. Nhờ cần mẫn chăm sóc nên vườn bưởi của ông Dũng lúc nào cũng xanh tốt, trái xum xuê. Ông Dũng, chia sẻ: "Tôi thường xuyên tham dự các lớp tập huấn kỹ thuật trồng cây có múi, ứng dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật vào vườn bưởi của gia đình. Nhờ làm đúng theo các quy trình nên vườn bưởi của tôi cho trái quanh năm".

Từ đầu năm đến nay, ông Dũng thu hoạch được hơn 1 tấn bưởi da xanh và được thương lái thu mua với giá 38.000 đồng/ kg. Những năm gần đây, ông Dũng áp dụng kỹ thuật bao trái nên bưởi hạn chế được sâu bệnh tấn công, mẫu mã đẹp và sản phẩm đảm bảo chất lượng nên được thị trường ưa chuộng, không phải lo đầu ra...

Trồng nấm sạch

Đến tham quan trại trồng nấm linh chi và bào ngư của ông Võ Hoàng Tuấn, khu vực Bình Thường A, phường Long Tuyền, quận Bình Thủy, nhiều hội viên trầm trồ trước hiệu quả của mô hình. Theo ông Tuấn, cuối năm 2018, ông được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố hỗ trợ 8.000 bịch phôi nấm linh chi trồng thí nghiệm. Qua quá trình chăm sóc, ông Tuấn nhận thấy nấm linh chi sinh trưởng và phát triển rất ổn định. Để tạo môi trường cho nấm linh chi phát triển tốt, ông Tuấn đầu tư hệ thống nhà lưới thoáng mát, sạch sẽ, duy trì độ ẩm từ 60-80% và nhiệt độ từ 22oC, dùng lưới che chắn không cho côn trùng lọt vào đục phá nấm. Hệ thống tưới phun sương được lắp đặt giúp tiết kiệm rất nhiều chi phí; yêu cầu nước tưới phải sạch, xử lý qua hệ thống máy lọc nước. Đặc biệt, trong quá trình chăm sóc phải hoàn toàn bảo đảm về điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm.

Mô hình trồng nấm theo quy trình khép kín của ông Võ Hoàng Tuấn mang lại hiệu quả kinh tế cao. 

Qua hơn 3 tháng chăm sóc, ông Tuấn thu hoạch được hơn 400kg nấm linh chi. Hiện tại, nấm linh chi được ông Tuấn bán ra thị trường từ 300.000-400.000 đồng/kg. Nấm linh chi hỗ trợ điều trị hiệu quả nhiều chứng bệnh: gút, thiểu năng tuần hoàn não, bệnh huyết áp và chống mỡ máu. Nấm linh chi cũng tốt cho bệnh suy nhược thần kinh và bệnh gan, uống nấm linh chi thường xuyên có thể giảm quá trình lão hóa cơ thể… Tùy từng thời điểm,  nấm linh chi có giá trên 700.000 đồng/kg…

 Song song với trồng nấm linh chi, 3 năm qua, ông Tuấn còn đầu tư trang trại nấm bào ngư theo quy trình khép kín, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Với diện tích 1.000m2, ông Tuấn trồng 40.000 bịch phôi, thu hoạch từ 150 đến 200kg nấm bào ngư/ ngày và bán ra thị trường với giá từ 30.000 đến 32.000 đồng/ kg. Với sự cần cù lao động, chịu khó học hỏi, ông Tuấn đã ứng dụng thành công mô hình sản xuất trên và có mức thu nhập trên 500 triệu đồng/năm. Nói về kinh nghiệm trồng nấm, ông Tuấn chia sẻ: "Phôi giống chọn mua phải chất lượng, trong quá trình trồng phải đảm bảo nhiệt độ và độ ẩm cho nấm phát triển. Nhà trại phải che chắn gió và ánh sáng trực tiếp vào bịch phôi. Kệ để phôi phải chắc và cố định,  tùy vào thời tiết, mỗi ngày tưới sương 2-3 lần".

Hiện tại, ông Tuấn có 4 trại nấm và trồng theo mô hình luân phiên, cứ thu hoạch xong trại nào là vệ sinh trại, trồng mới để có nguồn nấm bào ngư cung cấp ra thị trường mỗi ngày.

*     *     *

Trong quá trình hội nhập, phát triển nền nông nghiệp sạch để cung cấp các sản phẩm an toàn phục vụ người tiêu dùng là việc làm hết sức cần thiết. Đây là những nông dân mạnh dạn, tiên phong trong sản xuất nông nghiệp sạch, vừa tiết kiệm chi phí sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, mà còn đưa nông dân tới gần hơn với nền sản xuất hiện đại, có sức cạnh tranh trên thị trường.

Bài, ảnh: Thanh Thư

Chia sẻ bài viết