26/02/2022 - 08:51

Sản xuất nông nghiệp an toàn, chất lượng cao ở Vĩnh Thạnh 

Bài, ảnh: HÀ VĂN

Thời gian qua, huyện Vĩnh Thạnh đã tập trung nhân lực, vật lực hỗ trợ nông dân ứng dụng khoa học kỹ thuật tiến bộ vào sản xuất, đảm bảo chất lượng an toàn, hiệu quả của sản phẩm. Nhờ đó, các vụ mùa sản xuất lúa trong năm gặt hái nhiều kết quả, mang lại lợi nhuận, thu nhập cho nông dân...

Lúa đông xuân 2021-2022 đang được thu hoạch ở huyện Vĩnh Thạnh.

Vụ lúa đông xuân 2021-2022, nông dân huyện Vĩnh Thạnh sản xuất giống lúa chất lượng cao, phù hợp điều kiện sản xuất của địa phương, được thị trường chấp nhận, doanh nghiệp có nhu cầu bao tiêu. Các giống lúa mà địa phương chọn gieo trồng, như: OM5451, OM4218, đài thơm 8, RVT và một số giống khác phù hợp được doanh nghiệp đặt hàng. Ðến nay (22-2-2022) toàn huyện đã thu hoạch gần 6.500ha, đạt gần 26% diện tích, năng suất trung bình 8,21 tấn/ha, tổng sản lượng trên 53.000 tấn. Hiện nông dân tiếp tục thu hoạch lúa và đảm bảo đủ phương tiện, nhân công phục vụ thu hoạch.

Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện Vĩnh Thạnh, vụ lúa đông xuân 2021-2022, nông dân huyện Vĩnh Thạnh sản xuất trên 25.100ha, ước tổng sản lượng khoảng 183.230 tấn lúa hàng hóa. Ðể đạt kế hoạch này, Vĩnh Thạnh tập trung hướng dẫn nông dân ứng dụng các kỹ thuật sản xuất tiên tiến, như "3 giảm 3 tăng", "1 phải 5 giảm" vào sản xuất. Cơ cấu giống lúa được ngành Nông nghiệp huyện Vĩnh Thạnh đặc biệt quan tâm, hướng dẫn nông dân gieo sạ phù hợp với thực tế sản xuất và thị trường tiêu thụ. Theo nông dân sản xuất lúa giá cả đầu ra của lúa đông xuân 2021-2022 thuận lợi khi đã có nhiều doanh nghiệp và tiểu thương tham gia ký hợp đồng bao tiêu, đặt tiền cọc mua lúa ngay từ đầu vụ và khi chuẩn bị thu hoạch. Trong đó các giống lúa Ðài Thơm 8 giá từ 5.600-5.700 đồng/kg, lúa thơm RVT là 7.000 đồng/kg, OM5451 là 5.400 đồng/kg…

Ông Trần Thanh Tâm, ở xã Vĩnh Trinh, cho biết: "Vụ lúa đông xuân, gia đình tôi tiếp tục sản xuất lúa chất lượng cao. Năm nay sản xuất lúa có nhiều thuận lợi về thời tiết, nguồn nước đủ  cung cấp cho lúa. Tuy nhiên, khi lúa vào mùa thu hoạch, giá sụt giảm nên nông dân thu lợi nhuận không cao hơn so với vụ lúa đông xuân 2020-2021. Dù lợi nhuận không cao, nhưng sau khi thu hoạch lúa đông xuân, chúng tôi vẫn vệ sinh đồng ruộng để chuẩn bị sản xuất vụ lúa hè thu kế tiếp, đồng thời tiếp tục ứng dụng các biện pháp khoa học tiến bộ vào sản xuất nhằm nâng cao giá trị sản phẩm…".

Sau khi thu hoạch lúa đông xuân 2021-2022, ngành Nông nghiệp huyện Vĩnh Thạnh vận động nông dân chuyển đổi trồng cây màu trên nền đất lúa kém hiệu quả để thích ứng khô hạn, thiếu nước sản xuất. Ðối với những địa phương không xuống giống được vụ màu, nên cày ải, phơi đất để tiêu diệt mầm bệnh lưu tồn trên đồng ruộng và xử lý rơm rạ nhằm hạn chế nguy cơ ngộ độc hữu cơ… UBND các xã, thị trấn tuyên truyền, lưu ý để nông dân sản xuất vụ lúa tiếp theo tuân thủ theo nguyên tắc né rầy, phòng ngừa sâu bệnh phá hại. Vụ lúa hè thu năm nay, Vĩnh Thạnh có kế hoạch sản xuất với diện tích khoảng 25.000ha. Sau khi thu hoạch lúa đông xuân 2021-2022, đến nay nhiều nông dân huyện Vĩnh Thạnh đã xuống giống lúa hè thu 2022 được 238,5ha, tập trung ở xã Vĩnh Trinh, Vĩnh Bình, với giống lúa được gieo sạ là OM5451…

Ông Nguyễn Ngọc Hiền, Phó trưởng Phòng NN&PTNT huyện Vĩnh Thạnh, cho biết: Vụ lúa hè thu 2022, ngành Nông nghiệp huyện khuyến cáo nông dân chuẩn bị nguồn giống tốt, đảm bảo yêu cầu giống chất lượng và chọn các giống phù hợp cho vùng sản xuất 2 hoặc 3 vụ/năm, đảm bảo thời gian cách ly giữa các vụ lúa ít nhất 3 tuần. Khuyến cáo nông dân sử dụng giống cấp xác nhận trở lên và cơ cấu giống lúa cho vụ hè thu phải đảm bảo yêu cầu cân đối, an toàn dịch bệnh, sử dụng giống bền vững, phù hợp với thực tế sản xuất và thị trường. Trong đó cần chú ý sử dụng các giống có thời gian sinh trưởng trung bình, với các giống chủ lực, như OM5451, OM18, OM380, Ðài Thơm 8... Ðồng thời, các xã, thị trấn xây dựng vùng sản xuất giống lúa thơm, đặc sản gắn kết với việc tiêu thụ theo chuỗi sản phẩm và có kế hoạch bố trí ở từng vùng sản xuất phù hợp. Thực hiện tốt vệ sinh đồng ruộng, xử lý chế phẩm sinh học giúp rơm rạ mau phân hủy để giảm ngộ độc hữu cơ, tiêu diệt các mầm bệnh trên đồng ruộng trước khi xuống giống; chuyển giao và hỗ trợ nông dân ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất…

Ông Ðoàn Quốc Sử, Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Thạnh, nhấn mạnh: "Các vụ sản xuất lúa trong năm, địa phương đều chủ động ứng dụng các biện pháp đảm bảo an toàn, hiệu quả, chất lượng sản phẩm trong sản xuất. Hiện nay, huyện hỗ trợ nông dân thu hoạch lúa đông xuân, hỗ trợ thương lái và doanh nghiệp thu mua, vận chuyển lúa thuận lợi, an toàn hơn. Vụ lúa hè thu 2022 tiếp theo, Vĩnh Thạnh tiếp tục tổ chức sản xuất theo hướng hàng hóa chất lượng cao, số lượng lớn, an toàn thực phẩm với mô hình tổ hợp tác, cánh đồng lớn, hợp tác xã gắn với nhu cầu thị trường thông qua doanh nghiệp liên kết sản xuất… nhằm mang lại lợi nhuận cao nhất cho nông dân".

Chia sẻ bài viết