14/08/2019 - 07:32

Ông Nguyễn Phúc Tăng, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TP Cần Thơ:

Sẵn sàng nguồn lực phục vụ năm học mới 

Ngày 19-8, học sinh các cấp trên địa bàn TP Cần Thơ sẽ tập trung để chuẩn bị bước vào năm học mới 2019-2020. Ðến thời điểm này, mọi công tác phục vụ dạy và học của ngành giáo dục đã hoàn tất. Ông Nguyễn Phúc Tăng, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Ðào tạo (GD&ÐT) TP Cần Thơ, cho biết:

- Tất cả các trường trên địa bàn đã sẵn sàng đón học sinh. Công tác huy động học sinh đúng độ tuổi ra lớp học được ngành thực hiện nghiêm túc, đúng quy định. Sở GD&ĐT thành phố đã có Công văn số 845/SGDĐT-VP hướng dẫn xây dựng kế hoạch huy động trẻ mầm non ra lớp và tuyển sinh vào lớp 1, lớp 6 năm học 2019-2020. Riêng tuyển sinh đầu cấp lớp 10, Sở GD&ĐT đã ứng dụng công nghệ thông tin vào tư vấn tuyển sinh và đăng ký, xem kết quả thi tuyển bằng hình thức trực tuyến. Có 11.585/12.768 học sinh trúng tuyển vào các trường THPT công lập. Những em chưa trúng tuyển sẽ đăng ký vào học các trường ngoài công lập, các trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên hoặc học nghề.

Dự kiến, số học sinh năm học 2019-2020 khoảng 246.700 em ở các bậc học mầm non đến THPT; trong đó bậc tiểu học nhiều nhất, với hơn 99.400 học sinh.

Ngành đã chuẩn bị cơ sở vật chất, trường lớp và đội ngũ giáo viên như thế nào, thưa ông?

- Những năm qua, ngành GD&ĐT thành phố luôn quan tâm đến việc nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý và cơ bản đáp ứng yêu cầu triển khai thực hiện chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) mới. Ngành đã tổ chức nhiều lớp bồi dưỡng nhằm nâng cao phẩm chất, năng lực thực hiện nhiệm vụ theo yêu cầu đổi mới; trong đó chú trọng nâng cao ý thức giữ gìn đạo đức nhà giáo theo đúng định hướng của ngành. Theo thống kê của Bộ GD&ĐT, Cần Thơ là một trong những đơn vị đi đầu cả nước trong công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên chuẩn bị cho thực hiện đổi mới chương trình GDPT.

Về cơ sở vật chất, tính đến tháng 7-2019, toàn thành phố có trên 460 trường ở các cấp học; với hơn 6.270 phòng học phục vụ cho hơn 7.640 lớp học các cấp. Tỷ lệ trường chuẩn quốc gia của thành phố hiện có 306 trường (đạt trên 66%). Ngoài ra, ngành đã đầu tư mua sắm sách, thiết bị, đồ dùng dạy học, đáp ứng yêu cầu phục vụ hoạt động quản lý, giảng dạy, học tập; đặc biệt là về ứng dụng công nghệ thông tin, đổi mới phương pháp dạy học.

Xin ông cho biết thêm về việc chuẩn bị sách giáo khoa phục vụ năm học mới?

- Chuẩn bị triển khai thực hiện nhiệm vụ năm học 2019-2020, Sở GD&ĐT thành phố đã chỉ đạo các cơ sở giáo dục hướng dẫn phụ huynh sớm chuẩn bị sách giáo khoa cho học sinh ngay trong hè. Đồng thời, ngành giáo dục thành phố đã trao đổi với Công ty Cổ phần Sách - Thiết bị trường học TP Cần Thơ về việc cung ứng sách giáo khoa cho học sinh. Tùy vào tình hình thực tế, Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam sẽ tiếp tục cung ứng sách giáo khoa cho Cần Thơ, đảm bảo không để xảy ra tình trạng khan hiếm sách giáo khoa vào năm học mới. 

Thưa ông, hiện nay ngành còn gặp vấn đề khó khăn gì trước thềm năm học mới?

- Dù toàn ngành đã có nhiều nỗ lực để chuẩn bị chu đáo cho năm học mới, nhưng vẫn còn không ít khó khăn. Về đội ngũ giáo viên, căn cứ Thông tư số 16/2017/TT-BGDĐT ngày 12 tháng 7 năm 2017 về việc hướng dẫn danh mục khung vị trí việc làm và định mức số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo dục phổ thông công lập và Thông tư liên tịch số 06/2015/TTLT-BGDĐT-BNV ngày 16 tháng 3 năm 2015 của Bộ GD&ĐT và Bộ Nội vụ về việc quy định danh mục khung vị trí việc làm và định mức số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo dục mầm non công lập, hiện tại ngành GD&ĐT thành phố còn thiếu 406 người; trong đó thiếu 144 giáo viên mầm non, 137 giáo viên tiểu học, 61 giáo viên THCS, 64 giáo viên THPT.

Giờ học của học sinh Trường THCS Lương Thế Vinh. Ảnh: B.NG

Để đảm bảo các điều kiện thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới bắt đầu từ năm học 2020-2021, cấp tiểu học thiếu gần 400 phòng học, 48 trường học thiếu các phòng chức năng; thiếu hơn 200 giáo viên tiểu học theo quy định 1,5 giáo viên/lớp cho việc tổ chức dạy học 2 buổi/ngày đối với cấp tiểu học. Trong đó, môn Tin học thiếu nhiều giáo viên, phòng chức năng, trong khi đây là môn học bắt buộc đối với học sinh từ lớp 3 đến lớp 5 trong chương trình GDPT mới.

Ngành đã có giải pháp gì để khắc phục những khó khăn trên, thưa ông?

- Các cơ sở giáo dục ở các cấp học, bậc học đã bố trí cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện có để thực hiện nhiệm vụ giáo dục học sinh. Nhằm bảo đảm điều kiện về cơ sở vật chất, thiết bị trường học thực hiện chương trình giáo dục mầm non và GDPT theo lộ trình đổi mới chương trình GDPT, Sở GD&ĐT đang hoàn thiện Kế hoạch triển khai thực hiện Đề án bảo đảm cơ sở vật chất cho chương trình giáo dục mầm non và GDPT trên địa bàn TP Cần Thơ giai đoạn 2017-2025, trình UBND thành phố ban hành trong quý III năm 2019. Đồng thời, chúng tôi mong muốn UBND thành phố chỉ đạo các sở, ngành liên quan, UBND các quận, huyện quan tâm đầu tư hơn nữa cơ sở vật chất, trường lớp, trang thiết bị đáp ứng yêu cầu dạy và học. Ngoài ra, quy mô học sinh các cấp của thành phố tăng nhanh hằng năm, nên để đảm bảo đúng tỷ lệ giáo viên/lớp của từng ngành học, bậc học, đáp ứng yêu cầu triển khai thực hiện chương trình GDPT mới, ngành GD&ĐT đã đề nghị HĐND thành phố giao bổ sung 406 biên chế năm 2019 để đảm bảo đủ giáo viên giảng dạy theo định mức hiện hành.  

Tuy vẫn còn khó khăn, thách thức nhưng toàn ngành GD&ĐT TP Cần Thơ nỗ lực tiếp tục thực hiện 9 nhiệm vụ trọng tâm và 5 nhóm giải pháp cơ bản trong năm học mới 2019-2020. Trong đó tập trung triển khai thực hiện hiệu quả chương trình GDPT mới từ năm học 2020-2021 ở bậc tiểu học. Ngành cũng tập trung đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên đáp ứng yêu cầu; đồng thời tăng cường cơ sở vật chất để đáp ứng yêu cầu trường lớp học cũng như ứng dụng công nghệ thông tin hiệu quả trong dạy học và quản lý.

Xin cảm ơn ông!

Bích Ngọc (Thực hiện)

Chia sẻ bài viết