03/08/2014 - 08:30

BÀ PHAN THỊ THANH HÒA, PHÓ GIÁM ĐỐC PHỤ TRÁCH NHNN- CHI NHÁNH TP CẦN THƠ:

Rút ngắn khoảng cách dòng vốn trên thị trường

 

Chương trình kết nối Ngân hàng - Doanh nghiệp (DN) dưới hình thức “Ký kết hỗ trợ vốn vay tháo gỡ khó khăn cho DN” là sự gắn kết giữa cơ quan quản lý nhà nước, DN và ngân hàng thương mại. Theo đó, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Chi nhánh thành phố Cần Thơ giữ vai trò cầu nối giữa DN với các ngân hàng thương mại (NHTM) trên địa bàn trong thực hiện các hợp đồng tín dụng. Bà Phan Thị Thanh Hòa, Phó Giám đốc phụ trách NHNN chi nhánh TP Cần Thơ, cho biết: “Chương trình kết nối, ký kết cho vay vốn trực tiếp giữa Ngân hàng - DN trên địa bàn theo hình thức chương trình “Lễ ký kết hỗ trợ vốn vay tháo gỡ khó khăn cho DN” vừa triển khai ngày 1-8-2014.

* Hiện nay, rất nhiều DN cần vốn cho sản xuất kinh doanh. Vậy, Chương trình kết nối Ngân hàng- DN trên địa bàn thành phố Cần Thơ sẽ góp phần giải quyết nhu cầu vốn cho DN ra sao, thưa bà?

-Thực hiện Nghị quyết số 02/NQ-CP của Chính phủ ngày 7-1-2013 về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường, giải quyết nợ xấu; Công văn số 2667/NHNN-VP ngày 17-4-2014 của NHNN Việt Nam về triển khai Chương trình kết nối Ngân hàng- DN; thực hiện Kế hoạch số 62/KH- UBND ngày 18-6-2014 của UBND TP Cần Thơ, NHNN chi nhánh đã chỉ đạo các NHTM trên địa bàn chủ động tìm kiếm khách hàng, hỗ trợ tín dụng với lãi suất hợp lý cho từng khách hàng cụ thể. Chương trình khi triển khai sẽ có ý nghĩa thiết thực và mang lại kết quả cụ thể đối với cộng đồng DN và hiệu ứng lan tỏa cao trong xã hội. Qua đó, ngày càng nhiều DN tiếp cận được chính sách hỗ trợ khó khăn của Chính phủ, NHNN. Khách hàng tham gia chương trình là DN có tình hình tài chính lành mạnh, có phương án kinh doanh khả thi và hiệu quả; nếu khách hàng đang tạm thời gặp khó khăn thì phải có phương án vượt qua giai đoạn khó khăn. Chương trình không giới hạn ngành, lĩnh vực và đặc biệt ưu tiên cho 5 lĩnh vực: phát triển nông nghiệp, nông thôn; sản xuất kinh doanh hàng xuất khẩu; DN nhỏ và vừa; công nghiệp hỗ trợ; DN ứng dụng công nghệ cao.

Chương trình có sự tham gia của 8 NHTM đang hoạt động trên địa bàn thành phố. Theo đó, đợt đầu tiên có 25 DN được ký kết hợp đồng tín dụng, với số tiền trên 1.750 tỉ đồng. Chương trình kết nối Ngân hàng- DN sẽ góp phần duy trì và phát triển kinh tế của thành phố; DN được hỗ trợ tháo gỡ khó khăn, tiếp cận nguồn vốn vay với lãi suất hợp lý để duy trì, phục hồi, phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh. Đồng thời giảm bớt những khó khăn về vốn và chi phí lãi vay cho DN, góp phần nâng cao năng lực tài chính, năng lực cạnh tranh của DN. Thông qua chương trình kết nối này còn giúp ngân hàng đưa vốn vào sản xuất kinh doanh, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn và đạt được mục tiêu tăng trưởng tín dụng có hiệu quả. Đây còn là trách nhiệm của các NHTM đối với cộng đồng DN.

* Lãi suất cho vay theo chương trình có ưu đãi hơn so với mức lãi suất cho vay hiện tại của các NHTM không, thưa bà?

- Lãi suất cho vay của chương trình sẽ theo quy định của NHNN Việt Nam. Đây là chương trình hỗ trợ trực tiếp. Do đó, các chi nhánh NHTM phải đảm bảo hợp đồng tín dụng ký kết giữa ngân hàng và khách hàng phải theo tiêu chí của chương trình, thực hiện giải ngân theo các điều khoản của hợp đồng.

Lãnh đạo thành phố, NHNN chi nhánh TP Cần Thơ chứng kiến lễ ký kết hỗ trợ vốn vay tháo gỡ khó khăn cho DN. Ảnh: THU HÀ

Trước mắt, các DN tham gia chương trình là những DN đang hoạt động trên địa bàn thành phố. Trong quá trình thực hiện chương trình kết nối có thể mở rộng thêm các đối tượng là hợp tác xã, kinh tế hộ gia đình, tiểu thương ở các chợ đầu mối… Từ đó, các đối tượng tiếp nhận, thụ hưởng lợi ích của chương trình ngày càng phong phú, đa dạng về thành phần kinh tế, ngày càng nhiều về lượng vốn tín dụng được hỗ trợ, giải ngân. Đồng thời, gắn kết chương trình kết nối ngân hàng- DN với chương trình các ngân hàng tham gia bình ổn giá của địa phương thông qua việc các ngân hàng cam kết dành gói hỗ trợ với lãi suất phù hợp cho các DN bình ổn giá. Chương trình này sẽ góp phần tăng trưởng tín dụng trên địa bàn thành phố, rút ngắn khoảng cách dòng vốn ra thị trường.

* Tăng trưởng tín dụng 6 tháng đầu năm của thành phố Cần Thơ cao hơn mức tăng trưởng chung cả nước. Như vậy, để đảm bảo an toàn tín dụng, kiểm soát dòng vốn ra thị trường, NHNN chi nhánh sẽ thực hiện các giải pháp gì, thưa bà?

- Theo chỉ đạo của NHNN Việt Nam, các tổ chức tín dụng (TCTD) trên địa bàn đều quan tâm đến tháo gỡ khó khăn đối với các DN. Mặt bằng lãi suất cho vay đối với một số lĩnh vực, ngành kinh tế hiện ở mức 7%-8%/năm; cho vay sản xuất kinh doanh thông thường phổ biến từ 9%-11%/năm đối với ngắn hạn, 11%-13%/năm đối với trung, dài hạn. Với chức năng quản lý nhà nước về tiền tệ và hoạt động ngân hàng, chi nhánh thường xuyên giám sát các hoạt động cho vay của các TCTD trên địa bàn. Đồng thời, yêu cầu các TCTD tích cực tìm kiếm khách hàng mới, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của thành phố.

Tổng dư nợ cho vay đến cuối tháng 6-2014 đạt 48.707 tỉ đồng, tăng 11,34% so với đầu năm 2014. Nếu chưa tính số dư nợ cho vay đến cuối tháng 6-2014 của Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển chi nhánh Tây Nam từ tỉnh Hậu Giang chuyển đến thì dư nợ cho vay trên địa bàn đạt 45.926 tỉ đồng, tăng 4,98% so với cuối năm 2013, cao hơn mức bình quân chung của toàn ngành (3,52%). Ước đến cuối tháng 7, tổng dư nợ cho vay đạt 49.200 tỉ đồng, tăng khoảng 1,01% so với tháng 6-2014. Các chính sách tín dụng đặc thù theo chỉ đạo của NHNN Việt Nam đều được các TCTD tích cực thực hiện. Đặc biệt, các TCTD chú trọng cho vay đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Hiện khối TCTD nhà nước chiếm 52,64%, TCTD ngoài nhà nước chiếm 47,36% thị phần. Hầu hết các chương trình tín dụng ưu tiên đều có dư nợ tăng; đến cuối tháng 6-2014, cho vay phát triển nông nghiệp, nông thôn có dư nợ đạt 21.311 tỉ đồng, chiếm 43,75% tổng dư nợ, tăng 16,54% so với cuối năm 2013; cho vay xuất khẩu dư nợ đạt 12.009 tỉ đồng, chiếm 24,66% tổng dư nợ, tăng 12,94% so với cuối năm 2013; dư nợ cho vay hỗ trợ DN nhỏ và vừa đạt 13.160 tỉ đồng, chiếm 27,02% tổng dư nợ, tăng 10,21% so cuối năm 2013; cho vay công nghiệp hỗ trợ đạt 876 tỉ đồng, tăng 35,19% so với cuối năm 2013; cho vay nuôi trồng và thu mua, chế biến thủy sản dư nợ đạt 9.955 tỉ đồng, tăng 23,13% so với cuối năm 2013... Để đảm bảo dòng vốn lưu thông trên thị trường lành mạnh, đến đúng địa chỉ, an toàn hệ thống, NHNN chi nhánh thường xuyên giám sát từ xa, gắn với thu thập các thông tin, có cảnh báo kịp thời để các TCTD chủ động tự kiểm tra, rà soát và ngăn chặn rủi ro trong hoạt động. Triển khai các cuộc thanh tra theo kế hoạch và tham gia Đoàn kiểm tra theo yêu cầu của các đơn vị.

Bên cạnh những kết quả đạt được, nhiệm vụ đặt ra trong những tháng cuối năm còn hết sức nặng nề. Đó là tình hình của các DN còn nhiều bất cập, khó khăn, nợ xấu đang có chiều hướng tăng và nhiều tiềm ẩn rủi ro cao,... Do vậy, ngoài sự nỗ lực cố gắng của cả hệ thống ngân hàng trên địa bàn, ngành Ngân hàng rất mong được sự chỉ đạo kịp thời của Thành ủy, Hội đồng nhân dân, UBND thành phố; sự phối hợp của các sở, ngành thành phố; các quận, huyện trong việc triển khai các chủ trương, chính sách của Chính phủ, giải pháp điều hành của NHNN Việt Nam về tiền tệ và hoạt động ngân hàng để ngành ngân hàng thành phố Cần Thơ có những bước phát triển vững chắc hơn trong thời gian tới.

* Xin cảm ơn bà!

Gia Bảo (thực hiện)

Chia sẻ bài viết