16/02/2016 - 21:04

Rộng mở cơ hội phát triển sản xuất kinh doanh

Tháng 1-2016, sản xuất công nghiệp, thương mại- dịch vụ trên địa bàn TP Cần Thơ có tín hiệu khởi sắc. Một số ngành, lĩnh vực có tăng trưởng so với cùng kỳ năm 2015. Nhiều doanh nghiệp (DN) kỳ vọng sẽ đạt mức tăng trưởng cao hơn năm qua nhờ vào đà phục hồi của nền kinh tế vĩ mô, cùng với các cơ hội thị trường đang rộng mở hơn.

Tăng tốc đầu năm

Theo Sở Công thương TP Cần Thơ, tháng 1-2016, các DN trên địa bàn tập trung đẩy mạnh sản xuất các nguồn hàng phục vụ nhu cầu mua sắm cuối năm; chỉ số phát triển sản xuất công nghiệp ước tăng 5,89% so với cùng kỳ. Tình hình thị trường khá sôi động, nhu cầu mua sắm dịp Tết Nguyên đán của người dân tăng cao, đặc biệt nhóm hàng lương thực thực phẩm, đồ dùng gia đình, hàng may mặc,... Tháng 1-2016, tổng mức bán ra hàng hóa và doanh thu dịch vụ thực hiện 14.424 tỉ đồng, tăng 11,4% so cùng kỳ; trong đó tổng mức bán lẻ hàng hóa, doanh thu dịch vụ đạt 7.445 tỉ đồng, tăng 11,9% so cùng kỳ. Thực hiện chương trình bình ổn thị trường trước, trong và sau Tết Nguyên đán 2016, thành phố đã ký thỏa thuận kết nối cung - cầu hàng hóa ổn định thị trường với TP Hồ Chí Minh và các tỉnh trong vùng ĐBSCL, đảm bảo nhu cầu tiêu dùng của người dân. Bên cạnh đó, các sở, ngành chức năng còn tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát đối với các mặt hàng thiết yếu, xử lý các hành vi vi phạm quy định về buôn bán hàng cấm, hàng lậu, gian lận thương mại, góp phần bình ổn thị trường trên địa bàn thành phố.

 Chế biến cá tra xuất khẩu tại Công ty TNHH Công nghiệp thủy sản Miền Nam.

Về thị trường xuất khẩu tháng đầu năm đã có tín hiệu khả quan. Chẳng hạn mặt hàng gạo, các DN có hợp đồng xuất khẩu tập trung với số lượng khá lớn, nhưng xuất khẩu thủy sản vẫn còn nhiều khó khăn, nhu cầu nhập khẩu từ các thị trường lớn như Mỹ, EU và Nhật Bản thấp. Trong tháng 1-2016, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa và doanh thu dịch vụ thực hiện hơn 123,3 triệu USD, tăng 22,8% so cùng kỳ; trong đó kim ngạch xuất khẩu hàng hóa thực hiện 103,8 triệu USD, tăng 25% so cùng kỳ. Một số mặt hàng xuất khẩu tăng so cùng kỳ như: gạo tăng 58,7% về sản lượng và tăng 53,6% về giá trị, thủy sản tăng 32,5%, thủ công mỹ nghệ tăng 13,3%, rau quả tăng 11,4%... Theo phản ánh của một số DN ngành may mặc, thủy sản, dù tình hình xuất khẩu chưa thuận lợi nhiều như DN kỳ vọng, nhưng cũng đã có những tín hiệu tích cực hơn so với năm 2015. Những DN đã có thị trường nhập khẩu truyền thống đã có những đơn đặt hàng ổn định ngay từ đầu năm. Ông Trần Văn Quang, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Công nghiệp thủy sản Miền Nam (SOUTH VINA), khu Công nghiệp Trà Nóc 2, cho biết: "Năm 2015 là năm đầy khó khăn của ngành thủy sản. Trong đó khó khăn khách quan đối với DN là thị trường Brazil không chấp nhận nhập cá tra vào do sự chậm hồi đáp của Bộ NN&PTNT Việt Nam cho nước bạn. Từ đó, 6 tháng đầu năm 2015, DN mất thị trường Brazil, khiến kế hoạch xuất của DN bị tác động rất lớn. Bên cạnh đó, giá thức ăn cho cá tra không giảm, trong khi giá bán cá thương phẩm giảm đáng kể, các DN cạnh tranh nhau quyết liệt, một số đã bán giá "bèo", hàng hóa không đạt chất lượng… Theo kế hoạch năm 2015, DN dự kiến xuất khẩu thu về khoảng 40 triệu USD, nhưng cuối cùng chỉ đạt khoảng hơn 30 triệu USD. Tuy nhiên, năm 2016, hàng loạt hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết với các quốc gia đã mang lại nhiều lợi thế cho DN, nhưng cũng kèm theo nhiều khó khăn cho DN xuất khẩu trong đó có xuất khẩu thủy sản"…

Mặc dù đạt nhiều kết quả tích cực tháng đầu năm 2016, nhưng theo đánh giá của sở, ngành chức năng thành phố, tình hình kinh tế - xã hội vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức. Sản xuất kinh doanh, xuất khẩu của các DN có tăng nhưng ở mức thấp, sức cạnh tranh của các sản phẩm trên thị trường chưa cao; những rào cản kỹ thuật về an toàn vệ sinh thực phẩm của các thị trường nhập khẩu tiếp tục gây áp lực cho các DN xuất khẩu thủy sản. Trong sản xuất nông nghiệp, thời tiết có nhiều diễn biến phức tạp, ít nhiều ảnh hưởng đến mùa vụ của nông dân, nhưng một số lĩnh vực chủ lực vẫn giữ vững diện tích, sản lượng có tăng so với cùng kỳ. Do đó, để sản xuất kinh doanh của DN và nông dân phát triển bền vững trong năm mới rất cần sự hỗ trợ từ chính quyền và ngân hàng.

Cần sự phối hợp

Theo Sở NN&PTNT thành phố, trong sản xuất nông nghiệp, sở đang chú trọng phát triển các mô hình nuôi theo tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường và nâng cao giá trị sản phẩm hàng hóa thủy sản. Đồng thời khuyến khích người dân thực hiện mô hình nuôi liên kết với DN nhằm đảm bảo bao tiêu đầu ra. Ông Nguyễn Ngọc Hải, Giám đốc Hợp tác xã (HTX) thủy sản Thới An, quận Ô Môn, cho biết: "Nuôi cá tra vốn rất nặng, nên 8 năm qua, HTX đã liên kết với DN để cùng đầu tư nuôi cá. Mô hình nuôi cá tra của HTX đạt chứng nhận VietGAP năm 2015, đây là thuận lợi lớn cho HTX mở rộng liên kết với DN. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất của HTX hiện nay là vốn đầu tư ban đầu, người nuôi phải bỏ vốn mua cá giống, cá nuôi đạt kích cỡ 1 gam/con trở lên, DN đến khảo sát thấy cá tốt mới ký kết đầu tư và chỉ đầu tư thức ăn cho cá đến kỳ thu hoạch. Do đó, HTX cần vốn ưu đãi nhiều hơn từ ngân hàng để đầu tư nuôi cá". Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) Chi nhánh TP Cần Thơ, đến cuối tháng 1-2016, tổng dư nợ cho vay nền kinh tế ước đạt 54.600 tỉ đồng, tăng 0,97% so với cuối năm 2015. Trong đó, vốn của các tổ chức tín dụng (TCTD) tập trung chủ yếu cho các lĩnh vực ưu tiên và các chương trình, chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn.

Ông Trần Quốc Hà, Phó Giám đốc NHNN, Chi nhánh TP Cần Thơ, cho biết: Năm 2016 để góp phần gỡ khó cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường, chi nhánh sẽ tiếp tục chỉ đạo các TCTD thực hiện nghiêm chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng, kế hoạch kinh doanh do Hội sở giao. Tập trung vốn ưu tiên cho vay các lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, DN nhỏ và vừa, DN ứng dụng công nghệ cao; triển khai thực hiện các chương trình, chính sách theo chỉ đạo của Chính phủ và NHNN. Tiếp tục triển khai quyết liệt các giải pháp tháo gỡ khó khăn trong quan hệ tín dụng giữa các TCTD với khách hàng nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngân hàng; cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giảm lãi suất các khoản vay cũ; đảm bảo thời hạn cho vay phù hợp với chu kỳ sản xuất, kinh doanh và khả năng trả nợ. Đồng thời tăng cường công tác thanh tra, giám sát đối với các TCTD trên địa bàn, đảm bảo an toàn hệ thống và góp phần cùng thành phố phát triển kinh tế.

Song song đó, các sở, ngành chức năng của TP Cần Thơ đang nỗ lực thực hiện nhiều giải pháp để thúc đẩy sản xuất kinh doanh, tạo điều kiện tối đa cho DN tiếp cận thị trường và xúc tiến thương mại. Bản thân DN cũng đang nỗ lực tăng tốc để nắm bắt cơ hội trong năm mới. Ông Trần Văn Quang, Chủ tịch HĐQT SOUTH VINA, cho rằng: "Hội nhập kinh tế, bản thân DN phải nỗ lực phấn đấu, tự cân đối nguồn lực, tổ chức lại sản xuất, đào tạo nhân lực, bố trí vùng nguyên liệu, mở rộng tìm kiếm đối tác để mở rộng xuất khẩu… Năm 2016, chỉ tiêu phấn đấu của công ty là đạt kim ngạch xuất khẩu 45 triệu USD. Điều DN cần là sự hỗ trợ của chính quyền và bộ ngành về cơ chế, chính sách, hỗ trợ tìm kiếm thị trường mới; xử lý nghiêm các trường hợp chế biến sản phẩm chất lượng kém, bán phá giá". Theo ông Trần Văn Quang, đón cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do, DN đã và đang có hướng chuyển mới để phát triển thêm sản phẩm cá biển xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản, đồng thời tiếp tục phát triển thị trường Nam Mỹ và Trung Đông đối với mặt hàng truyền thống là cá tra. Hiện đội ngũ công nhân của công ty trên 2.000 người, để đảm bảo nhân lực trong xu thế hội nhập, công ty rất quan tâm chăm lo đời sống và các chế độ ưu đãi, phúc lợi cho người lao động. Công ty cho anh chị em công nhân đăng ký chỉ tiêu của mỗi người trong năm, nếu đạt và vượt sẽ có mức thưởng tương xứng để khuyến khích động viên. Đồng thời đào tạo nguồn nhân lực chất lượng tạo tính kế thừa, nhất là đội ngũ công nhân kỹ thuật bậc cao, lành nghề.

Bài, ảnh: GIA BẢO

Chia sẻ bài viết