29/05/2021 - 08:07

Rèn kỹ năng sống từ thuở thơ ấu 

Cô Thu Thanh ở quận Ninh Kiều, vui vẻ kể, cuối tuần qua, cháu ngoại 5 tuổi của cô vừa đi chơi về đến nhà, sau khi thưa ông bà ngoại, xếp giày lên kệ, vừa tháo khẩu trang, vừa giục mẹ “Cho con rửa tay sát khuẩn”. Cô Thanh khen cháu ngoan, cháu khoe được cô giáo dạy lúc đi học. Không chỉ vậy, ngày cuối tuần, cháu ngoại cô Thanh còn lăng xăng vào bếp, được mẹ và ngoại hướng dẫn nhặt, rửa rau, lau bàn, bày chén đũa… Lúc đầu, cháu làm rất lọng cọng, bày bừa, qua vài lần thì mọi việc khá ổn. Cháu còn biết cách xếp quần áo ngay ngắn. Cô Thanh bày tỏ sự hài lòng với những kiến thức, kỹ năng rất gần gũi, dễ hiểu mà cháu ngoại được các cô giáo ở trường mầm non dạy dỗ, chỉ bảo.

Buổi sinh hoạt chuyên đề về kỹ năng sống cho trẻ có hoàn cảnh đặc biệt tại cơ sở Bảo trợ xã hội Thiên Ân do Trung tâm Công tác xã hội thành phố tổ chức. 

Hiện nay, ngoài chương trình học ở trường, có nhiều loại sách giúp cập nhật đa dạng kiến thức về kỹ năng sống. Các bé mầm non thích thú bộ tranh tổng hợp Bé rèn kỹ năng sống của Bộ Giáo dục Ðào tạo, gồm những hình ảnh trực quan, sống động, dễ hiểu, gần gũi với sinh hoạt hằng ngày ở trường và ở nhà, gồm các tiêu đề:  thực hiện nếp sống văn minh; quan tâm đến mọi người; yêu lao động, ý thức bảo vệ cảnh quan môi trường. Chị Bùi Thị Thu Hiền ở quận Cái Răng, vừa mua bộ sách Kỹ năng sống cho trẻ mầm non, với các nội dung bổ ích đối với trẻ nhỏ, như: chuẩn bị đồ đạc khi đi du lịch, khéo tay trang trí, làm anh thật dễ, sắp xếp nhà cửa thật là vui, trổ tài sửa chữa, làm bạn với thú cưng, vui trồng cây, vào bếp học nấu ăn. Chị Hiền cho biết: “Tôi đọc qua thấy bộ sách có nội dung dễ hiểu, hình ảnh bắt mắt nên chọn mua để con gái 5 tuổi xem trước và từ từ giải thích, hướng dẫn”.   

Thời gian qua, rất nhiều ý kiến cho rằng, thế hệ trẻ thiếu kỹ năng sống, sống vội, sống gấp và nguyên nhân chủ yếu là do nhà trường, gia đình, xã hội chưa quan tâm giáo dục, định hướng và trang bị cho các em. Theo một số tài liệu, kỹ năng sống cần được học hỏi dần từ kinh nghiệm và nhà trường không thể dạy hết những kỹ năng này cho trẻ. Trẻ cần được rèn luyện các kỹ năng sống trong gia đình từ tấm bé. Nếu trẻ được học những kỹ năng sống từ bậc mầm non thì khi lớn lên sẽ tự tin hơn, biết tự lập, vượt khó và làm việc có ích cho xã hội, cộng đồng. Ông Hồ Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm Công tác xã hội TP Cần Thơ, chia sẻ: “Những năm gần đây, Trung tâm chú trọng trang bị kỹ năng sống cho trẻ có hoàn cảnh đặc biệt tại các cơ sở trợ giúp xã hội, trường học. Qua đó, giúp các em mạnh dạn, tự tin, có khả năng ứng xử, tự vệ trước những tình huống nguy hiểm, bất trắc trong cuộc sống”.

Theo cô Thu Thanh, chị Thu Hiền, việc trang bị kỹ năng sống cho trẻ mầm non rất kịp thời chứ không quá sớm. Qua đó, giúp trẻ dần thấm nhuần và hình thành thói quen, hành vi, nhân cách suốt cuộc đời. Ðồng thời, đào tạo cho tương lai lớp người trẻ năng động, nhân ái, biết cảm thông, sẻ chia...

Bài, ảnh: MAI THY

Chia sẻ bài viết