30/11/2014 - 10:14

HẬU GIANG

Quyết tâm chăm lo cho đồng bào dân tộc thiểu số

Sau hơn 5 năm thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) trên địa bàn, tỉnh Hậu Giang đã đạt được những thành quả nhất định.

Ông Ký Hiếu Thanh, Phó Trưởng ban Dân tộc tỉnh Hậu Giang, cho biết: "Từ các nguồn vốn các chương trình, dự án của Chính phủ, Hậu Giang đã xây dựng hàng ngàn mét đường nhựa, đường giao thông nông thôn, cầu bê tông; kéo hàng ngàn tuyến ống nước, điện an toàn… đến các vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc. Nhờ vậy, kết cấu hạ tầng tại các vùng có đông đồng bào dân tộc sinh sống đã thay đổi rõ nét. Cuộc sống của đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh ngày càng khởi sắc hơn".

Hơn 5 năm trước, khi đến các ấp vùng sâu, ấp có đông đồng bào dân tộc Khmer sinh sống, ai cũng ngán ngại đường sá sình lầy. Đây cũng là một trong những nguyên nhân làm cho học sinh bỏ học tăng cao. Nhưng giờ đây, hầu hết các tuyến đường được lót đan hoặc tráng bê tông đã mang đến sự chuyển biến lớn trong đời sống kinh tế, văn hóa và nhất là việc học của bà con vùng sâu, xa. Ông Danh Muôi, Trưởng ấp 10, xã Lương Nghĩa, huyện Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang, nói: "Nhờ sự đầu tư của Nhà nước nên đường vào Ấp 10 thông thoáng. Học sinh đi học dễ dàng. Trước đây, Ấp 10 mang tiếng là ấp có nhiều học sinh bỏ học. Bây giờ, Ấp 10 trở thành ấp Khuyến học với cả trăm người có bằng trung cấp, đại học và cả thạc sĩ. Đặc biệt, ấp này giờ không còn học sinh bỏ học nữa".

Đường liên ấp ở xã Hỏa Lựu, TP Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang.

Chuyện học hành của con em đồng bào DTTS được các cấp, các ngành của tỉnh Hậu Giang quan tâm thực hiện tốt. Tỉnh Hậu Giang hiện có 2 trường phổ thông dân tộc nội trú, với gần 450 học sinh DTTS theo học. Thời gian qua, tỉnh cũng đã thực hiện tốt chính sách cử tuyển dành cho học sinh DTTS. Gần 90 học sinh được cử tuyển vào các bậc cao đẳng, đại học. Hiện có 27 người ra trường và được bố trí việc làm. Sơn Thị Mery, công tác tại Phòng Dân tộc TP Vị Thanh, nói: "Nhờ chính sách cử tuyển mà tôi có thể học đại học văn hóa tại TP Hồ Chí Minh, được bố trí công tác tại đây sau khi ra trường. Hiện em gái tôi cũng đang học bác sĩ đa khoa tại Trường Đại học Y Dược Cần Thơ. Riêng anh trai tôi, tuy không đủ điều kiện cử tuyển nhưng cũng được vay tiền chính sách và học xong lớp cử nhân của Trường Đại học Tây Đô, đang có việc làm ổn định tại TP Vị Thanh. Với điều kiện gia đình mình, nếu không có chính sách cử tuyển của Nhà nước, chính sách hỗ trợ cho vay, chắc anh chị em tôi không dám mơ được học đại học".

Trình độ dân trí của bà con được nâng lên nên việc triển khai các chính sách, chủ trương của Đảng, Nhà nước cũng được thực hiện dễ dàng hơn. Ông Võ Thành Tài, Trưởng phòng Dân tộc huyện Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang, cho biết: "Khi chúng tôi triển khai các chương trình hỗ trợ vốn, chuyển giao kỹ thuật, bà con thực hiện rất tốt và mang lại hiệu quả cao. Chẳng hạn như mô hình nuôi gà Bến Tre thương phẩm, mô hình chuộc đất…". Tại TP Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang, các mô hình hỗ trợ vốn mua máy bơm nước, máy xới, nuôi trâu… cũng được bà con thực hiện một cách hiệu quả. Anh Nguyễn Ngọc Lợi, Phó Chủ tịch UBND xã Hỏa Lựu, TP Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang, cho biết: "Các mô hình nêu trên đã từng bước phát huy hiệu quả khi một số hộ tham gia đã thoát nghèo".

Theo ông Ký Hiếu Thanh, từ khi chia tách từ tỉnh Cần Thơ (cũ), đến nay, chỉ tính riêng kinh phí đầu tư của Nhà nước dành cho đồng bào DTTS của tỉnh Hậu Giang đã hơn 140 tỉ đồng. Từ sự đầu tư này, diện mạo vùng có đông đồng bào DTTS sinh sống của tỉnh Hậu Giang đã thay đổi rõ nét. Đời sống vật chất và tinh thần của bà con DTTS được nâng lên từng năm, từng giai đoạn cụ thể. Khi ổn định về vật chất, bà con DTTS quan tâm nhiều hơn đến đời sống tinh thần. Chỉ tính riêng lĩnh vực văn hóa, thời gian qua, tỉnh đã đầu tư đóng mới 4 chiếc ghe ngo, xây dựng 8 lò hỏa táng, hỗ trợ trùng tu, xây dựng các chùa Nam tông…

Không thể phủ nhận những thay đổi trong đời sống kinh tế của bà con DTTS trên địa bàn tỉnh Hậu Giang trong mấy năm gần đây. Tuy nhiên, ông Lê Văn Kha, Trưởng ban Dân tộc tỉnh Hậu Giang, cho rằng, bà con vẫn còn gặp nhiều khó khăn do không đất, ít đất sản xuất. Toàn tỉnh còn đến 22,66% hộ DTTS nghèo. Vì vậy, thời gian tới, Ban Dân tộc tỉnh sẽ tăng cường công tác phối hợp, tham mưu để thực hiện nhanh và có hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước để có thêm nhiều hộ DTTS nghèo thoát nghèo bền vững.

Bài, ảnh: Hà Thanh

Chia sẻ bài viết