30/01/2012 - 09:17

ĐỒNG CHÍ NGUYỄN PHONG QUANG, PHÓ TRƯỞNG BAN THƯỜNG TRỰC BAN CHỈ ĐẠO TÂY NAM BỘ:

Quyết sách mới để ĐBSCL phát triển nhanh và bền vững

 

10 năm thực hiện Nghị quyết 21- NQ/BCT (ngày 20-1-2003) của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế- xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) thời kỳ 2001- 2010, ĐBSCL đã đạt thành tựu khá toàn diện. Tuy nhiên, sự phát triển của vùng còn thiếu bền vững, đầu tư kết cấu hạ tầng cho ĐBSCL chưa thỏa đáng so với mức mà vùng đóng góp. ĐBSCL đang cần một quyết sách mới để xích lại gần hơn với các vùng, miền cả nước và vươn ra thế giới. Đó là khẳng định của đồng chí Nguyễn Phong Quang, Phó Trưởng ban Thường trực Ban chỉ đạo Tây Nam bộ trong cuộc trao đổi với phóng viên Báo Cần Thơ dịp xuân mới 2012.

* Chặng đường 10 năm thực hiện Nghị quyết 21, ĐBSCL đã có bước tiến gì nổi bật, thưa đồng chí?

- Qua 10 năm thực hiện Nghị quyết 21 của Bộ Chính trị, hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế- xã hội có bước chuyển biến và thay đổi lớn. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, giảm tỷ trọng nông nghiệp, tăng tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ. Công tác xóa đói giảm nghèo, các vấn đề bức xúc của xã hội được giải quyết tốt hơn, bộ mặt nông thôn ngày một đổi mới... Nghị quyết 21 là chủ trương đúng đắn, sát lòng dân và phù hợp với tình hình thực tế của vùng ĐBSCL.

KCN – đòn bẩy tăng tỷ trọng công nghiệp trong cơ cấu GDP của các địa phương (ảnh: KCN Trà Nóc, TP Cần Thơ).
Ảnh: T.HÀ. 

Nghị quyết 21 đã xác định tiềm năng, thế mạnh, lĩnh vực trọng tâm, đột phá của vùng để đầu tư phát triển. GDP của vùng đạt từ 7% tăng lên mức 11,7% (năm 2010); giá trị sản xuất công nghiệp tăng gấp 3,5 lần so với năm 2001, thu nhập bình quân đầu người tăng gấp 2,5 lần, thu ngân sách tăng 6 lần so với năm 2001. Đến năm 2010 đạt 156.000 tỉ đồng, tăng bình quân 18,8%/năm trong giai đoạn 2001-2010, công nghiệp chế biến nông sản, thực phẩm được tập trung đầu tư phát triển, góp phần tăng tỷ trọng của ngành đạt 26% trong cơ cấu kinh tế của vùng năm 2010. Sản phẩm chế biến thủy sản phát triển mạnh, góp phần giải quyết việc làm cho khoảng 6 triệu lao động. Một số ngành công nghiệp then chốt như năng lượng, hóa chất, dược phẩm có bước phát triển khá. Nhiều địa phương đã quy hoạch, xây dựng các khu, cụm công nghiệp khí, điện, đạm, hóa chất; hình thành các khu công nghiệp cấp vùng và quốc gia như: Cụm công nghiệp khí- điện- đạm Cà Mau, đường ống dẫn khí Lô B- Ô Môn (TP Cần Thơ), Trung tâm nhiệt điện Ô Môn...

Bước đầu hình thành trung tâm thương mại cấp vùng ở TP Cần Thơ và các trung tâm cấp tỉnh theo mục tiêu Nghị quyết 21 đề ra; các địa phương có đường biên giới với Campuchia như An Giang, Kiên Giang, Long An và Đồng Tháp đã chú ý khai thác lợi thế để phát triển kinh tế biên mậu và các khu kinh tế cửa khẩu. Các dịch vụ tài chính, tiền tệ, tư vấn,.. được các địa phương quan tâm đầu tư và phát triển. Tổng kim ngạch xuất khẩu giai đoạn 2001-2010 tăng bình quân 17,8%/năm, đạt bình quân 4,6 tỉ USD/năm. Cơ sở vật chất phục vụ du lịch được chú trọng đầu tư, nâng cấp, đặc biệt là tại các tỉnh trong Vùng kinh tế trọng điểm ĐBSCL (TP Cần Thơ, An Giang, Kiên Giang, Cà Mau).

* Thưa đồng chí, hạ tầng giao thông vận tải, thủy lợi là một trong những yếu tố quyết định thúc đẩy sự phát triển của vùng, mức đầu tư trên lĩnh vực này thời gian qua có tương xứng với nhu cầu?

- Hạ tầng giao thông, nhiều cầu vượt sông lớn giảm ách tắc giao thông liên vùng, liên tỉnh hoàn thành, góp phần làm thay đổi nhanh diện mạo đô thị, bước đầu đáp ứng nhu cầu đầu tư, phát triển, an sinh xã hội. Trong đó, trên 10 tuyến quốc lộ với tổng chiều dài hơn 2.500 km, gần 70 tuyến tỉnh lộ đã được nhựa hóa, các địa phương đã mở mới 9.117km, nâng cấp 23.218km đường các loại, xây dựng 11.453 cầu, mở mới đường đến 72 trung tâm xã và cụm xã, kết nối với hệ thống quốc lộ. Đến cuối năm 2010, toàn vùng có đường ô tô đến 1.161 trung tâm xã; các địa phương đã xóa trên 4.013 cầu khỉ. Đã hoàn thành việc nâng cấp TP Cần Thơ thành đô thị loại I, thành phố trực thuộc Trung ương, giữ vai trò trung tâm kinh tế, văn hóa, khoa học kỹ thuật của vùng; thành lập mới 10 thành phố thuộc tỉnh, 4 thị xã; kết cấu hạ tầng kỹ thuật ở các thành phố, thị xã, thị trấn được phát triển khá nhanh.

Trong 10 năm, vùng ĐBSCL đã huy động tổng nguồn vốn trên 4.600 tỉ đồng xây dựng các công trình kiểm soát lũ, hoàn thành 35 công trình thủy lợi vừa và lớn, hoàn thành 148 cống cấp 1,2; nạo vét hoàn thành 2.000km kênh cấp 1,2; đã xây dựng hơn 754km đê sông, đê biển và nhiều công trình thủy lợi đã phát huy tác dụng. Nhiều cụm dân cư phát triển thành đô thị nông thôn mới, giúp ổn cư cho 132.371 hộ dân vùng ngập sâu. Hiện nay, Chương trình cụm tuyến dân cư vượt lũ đang tiếp tục triển khai giai đoạn 2, gồm 7 địa phương (TP Cần Thơ, Đồng Tháp, An Giang, Kiên Giang, Tiền Giang, Vĩnh Long, Hậu Giang), dự kiến đến cuối năm 2012 hoàn thành để bố trí 57.252 hộ dân vào ở.

Mặc dù kết cấu hạ tầng giao thông, thủy lợi được tập trung đầu tư, nhưng vẫn chưa đáp ứng yêu cầu phát triển. Một số công trình trọng điểm về giao thông được xác định trong Nghị quyết như cầu Vàm Cống, tuyến đường cao tốc Trung Lương - Cần Thơ, tuyến đường sắt TP Hồ Chí Minh- Mỹ Tho, đường ô tô đến trung tâm xã (hiện còn 144 xã chưa có đường ô tô đến trung tâm xã, chiếm tỷ lệ 11%), các cảng nằm dọc trên tuyến sông Tiền, sông Hậu chưa được đầu tư xây dựng...

* Theo đồng chí, ngoài những bất cập về hạ tầng giao thông vận tải, thủy lợi thì chất lượng giáo dục, y tế và công tác an sinh của vùng đã được giải quyết thỏa đáng chưa?

- Trong 10 năm, toàn vùng đã xây mới 20.000 phòng học và trên 2.000 phòng công vụ giáo viên, hoàn thành xóa lớp học ca 3 đúng tiến độ. Các địa phương có đông đồng bào dân tộc Khmer đều có trường Dân tộc nội trú. Đến năm 2010, cơ bản hoàn thành nâng cấp bệnh viện đa khoa tuyến huyện và khu vực liên huyện, đẩy mạnh xã hội hóa trên lĩnh vực y tế; tỷ lệ trạm y tế có bác sĩ phục vụ chiếm 71%, đạt tỷ lệ 5,7 bác sĩ/vạn dân.

Công tác đền ơn đáp nghĩa, xóa đói giảm nghèo, an sinh xã hội được quan tâm. 10 năm qua, vùng đã giải quyết trên 100.000 căn nhà tình nghĩa, tình thương, đại đoàn kết và nhà nghĩa tình đồng đội. Tỷ lệ hộ nghèo trong vùng giảm từ 14,18% (năm 2001), xuống còn 10,32% (năm 2010). Hàng năm, vùng giải quyết việc làm mới cho trên 375.000 lao động. Song, phải nhìn nhận thực tế là dù có sự quan tâm đầu tư, nhưng giáo dục- đào tạo, dạy nghề, y tế, xóa đói giảm nghèo và giải quyết việc làm của vùng chưa thể phát triển ngang bằng với các vùng, miền khác. Chất lượng nguồn nhân lực thấp, nhất là đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Nguyên nhân khách quan là do xuất phát điểm kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội của vùng thấp, nguồn lực đầu tư có hạn, khó khăn trong một thời gian dài. Sự phối hợp của các địa phương trong vùng còn rời rạc, nên chưa phát huy tốt lợi thế sẵn có.

Nói chung là mức đầu tư cho vùng thời gian qua chưa tương xứng với mức mà vùng đóng góp. Để ĐBSCL trở thành vùng kinh tế năng động, trọng điểm của cả nước cần đầu tư thỏa đáng hơn cho vùng.

* Như vậy, ĐBSCL đang cần một quyết sách mới để phát triển nhanh và bền vững hơn?

- Đúng vậy. Giai đoạn 2011-2020, ĐBSCL phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng GDP bình quân 12-13%; tỷ trọng nông, lâm, ngư nghiệp trong GDP giảm xuống còn 32-30%, công nghiệp xây dựng tăng lên 33-34%, khu vực dịch vụ 35-36%. Thu nhập GDP bình quân đầu người phấn đấu đến năm 2015 đạt tương đương 2.130 USD và 3.200 USD vào năm 2020. Trong đó, những khâu đột phá trọng tâm trong 10 năm tới là: phát triển hạ tầng giao thông và thủy lợi. Hình thành cơ bản hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ với một số công trình hiện đại là một đột phá chiến lược để thúc đẩy quá trình cơ cấu lại nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng.

Trước mắt cần tập trung rà soát và hoàn chỉnh các quy hoạch kết cấu hạ tầng trong từng tỉnh, thành vùng ĐBSCL, huy động cao nhất các nguồn lực đầu tư để hoàn thiện cơ bản mạng lưới giao thông vận tải thiết yếu đáp ứng nhu cầu phát triển trong vùng. Xây dựng mới các công trình kết cấu hạ tầng giao thông mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội (đường cao tốc, nạo vét luồng Định An, đào kênh Quan Chánh Bố, cảng biển cho tàu lớn...). Đầu tư phát triển hệ thống giao thông vận tải đối ngoại, hoàn thiện đường vành đai biên giới. Từng bước hoàn thiện hệ thống giao thông đô thị giải quyết tình trạng ách tắc giao thông ở các đô thị lớn. Đồng thời, phát triển đồng bộ hệ thống giao thông vận tải địa phương, phấn đấu đến năm 2020 đạt 100% xã có đường ôtô đến trung tâm. Chú trọng đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giáo dục đào tạo, y tế, văn hóa, thể thao, du lịch, môi trường và các lĩnh vực khác theo hướng tập trung và nâng cao hiệu quả sử dụng công trình. Phát triển đồng bộ và hiện đại hóa hệ thống thủy lợi, chú trọng xây dựng và củng cố hệ thống đê biển, đê sông, các công trình ngăn mặn... ưu tiên đầu tư công trình ứng phó biến đổi khí hậu và nước biển dâng.

Song song đó, thực hiện đồng bộ các giải pháp chính sách tạo thêm việc làm mới bao gồm các giải pháp thúc đẩy sản xuất, khuyến khích các doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động; duy trì và mở rộng thị trường xuất khẩu lao động, thực hiện có hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia về việc làm. Tăng cường quán triệt nhận thức về đoàn kết dân tộc, chính sách dân tộc. Điều quan trọng là tăng trưởng kinh tế phải gắn với công bằng xã hội, thu hẹp khoảng cách giàu, nghèo giữa các tầng lớp dân cư. Một chính sách mới là kiến nghị của các địa phương đến Bộ Chính trị, Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương để ĐBSCL theo kịp các vùng khác trên cả nước.

* Xin cảm ơn đồng chí!

GIA BẢO (thực hiện)

Chia sẻ bài viết