13/09/2008 - 08:01

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát:

Quy hoạch vùng nuôi tôm gắn với nhu cầu thị trường

* ĐỒNG BẰNG SÔNG CỬU LONG: Giá cá tra nguyên liệu vượt mức 17.500 đồng/kg

(CT)- Ngày 12-9-2008, tại Cà Mau, ông Cao Đức Phát, Bộ trưởng, Bộ NN&PTNT chủ trì hội nghị đánh giá hiện trạng và giải pháp phát triển nuôi tôm vùng ĐBSCL.

Theo Bộ NN&PTNT, 7 tỉnh ven biển ĐBSCL có diện tích nuôi tôm nước lợ (tôm sú và tôm thẻ chân trắng) trên 539.000 ha, chiếm 90% diện tích của cả nước; sản lượng hàng năm đạt trên 160.000 tấn, chiếm 76% tổng sản lượng cả nước. Với diện tích và sản lượng đứng đầu ĐBSCL, đặc biệt là các tỉnh Bạc Liêu - Cà Mau - Sóc Trăng - Kiên Giang được xem là “mỏ tôm” của cả nước. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, tôm nuôi liên tiếp gặp rủi ro, chỉ tính riêng vụ nuôi năm 2007 -2008, toàn vùng có đến trên 90.000 ha tôm nuôi bị thiệt hại với mức độ từ 20 - 30 %; hiện tại giá tôm nguyên liệu xuống gần bằng với giá sàn, nhiều người nuôi đang điêu đứng... Tại hội nghị, các đại biểu cho rằng, dù diện tích, sản lượng lớn, nhưng nơi đây đầu tư cơ sở hạ tầng cho vùng nuôi còn thấp kém, trình độ người nuôi chưa được nâng cao; con giống không đáp ứng đủ nhu cầu, chất lượng con giống không đảm bảo. Quy hoạch phát triển vùng nuôi chưa đồng bộ, cán bộ khuyến ngư không đáp ứng nhu cầu cho toàn bộ vùng nuôi. Nhiều ý kiến cho rằng, phát triển vùng nuôi cần gắn với thị trường tiêu thụ, đặc biệt là công tác dự đoán, dự báo thị trường.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát lưu ý: Các địa phương cần phối hợp với các nhà khoa học, nhất là Viện nghiên cứu nuôi trồng thủy sản 2 trong công tác quy hoạch; gắn quy hoạch với nhu cầu thị trường đồng thời tích cực trong công tác cảnh báo dịch bệnh, trách rủi ro cho người nuôi. Liên quan đến việc quy hoạch khoanh nuôi tôm thẻ chân trắng, bộ trưởng lưu ý các địa phương phải cương quyết xử lý những hộ nuôi không đúng quy hoạch; nuôi có trọng tâm, trong điểm, thận trọng và phải ăn chắc, tránh tình trạng nuôi tràn lan không theo quy hoạch ảnh hưởng đến môi trường và cả thị trường tiêu thụ...

* Hơn một tuần qua, giá cá tra nguyên liệu đúng cỡ thu hoạch (dưới 1,2 kg/con) ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) tiếp tục tăng 500 – 1.300 đồng/kg. Chiều ngày 11-9, theo thông tin từ Sở Công thương tỉnh An Giang, so với tuần trước, giá cá tra thịt trắng ở mức 17.000 – 17.800 đồng/kg, tăng 500 – 1.300 đồng/kg; giá cá loại thịt vàng, thịt hồng: 17.000 – 17.200 đồng/kg, tăng 1.000 – 1.200 đồng/kg. Tại TP Cần Thơ, sáng ngày 12-9, giá cá tra nguyên liệu đã vượt mức 17.000 đồng/kg. Cá biệt, có một số doanh nghiệp chế biến cá tra xuất khẩu đã nâng mức giá ký kết với người nuôi lên đến 17.800 – 18.000 đồng/kg. Tuy nhiên, số lượng hợp đồng theo đơn giá này không nhiều vì doanh nghiệp ký kết chủ yếu để giữ mối với người nuôi. Trong khi đó, theo Hiệp hội Chế biến Thủy sản các tỉnh ĐBSCL, do không mua được cá tra nguyên liệu, một số xí nghiệp chế biến cá tra xuất khẩu ở các tỉnh Tiền Giang, An Giang... đã tạm đóng cửa nhiều ngày nay.

Riêng cá tra nguyên liệu cỡ lớn (trên 1,2kg/con) hiện nay giá ở mức 15.500 đồng/kg. Tuy nhiên, theo thông tin từ Hiệp hội Chế biến Thủy sản Việt Nam (VASEP), lượng hợp đồng đối với kích cỡ cá này không lớn nên nhiều khả năng cá tra loại này sẽ giảm giá. VASEP khuyến cáo, trong thời điểm hiện nay, người nuôi nên sớm giải phóng cá tra nguyên liệu quá cỡ, không nên “neo” hàng chờ giá tiếp tục tăng.

* Theo thông tin từ VASEP, có 3 doanh nghiệp VN gồm: Công ty TNHH Thực phẩm QVD (tỉnh Đồng Tháp), Công ty Anvifish (tỉnh An Giang) và Công ty CP Thủy sản Bình An (TP Cần Thơ) vừa được Bộ Thương mại Mỹ (DOC) đưa ra kết luận không bán phá giá, nên không phải chịu thuế chống bán phá giá (CBPG) khi xuất khẩu sản phẩm cá tra vào Mỹ.

Đầu năm 2008, DOC đã yêu cầu Công ty Anvifish phải trả mức thuế 31,68% nhưng sau khi công ty này chứng minh được DOC đã mắc sai sót trong quá trình khấu trừ thuế, DOC đã ra quyết định miễn thuế. Đối với Công ty TNHH Thực phẩm QVD (Đồng Tháp), DOC lúc đầu cũng áp mức thuế 14,59% nhưng không có bằng chứng về hành động bán phá giá. DOC đã thừa nhận sai sót trong việc tính thuế nhập khẩu của 3 công ty xuất khẩu cá tra trên, nên đã đưa 3 công ty này ra khỏi danh sách CBPG. Ngoài ra, Công ty Agifish (An Giang) cũng được giảm mức thuế từ 43% xuống còn 15,38%.

T.TÂM - HÀ TRIỀU - GIA BẢO

Chia sẻ bài viết