27/07/2019 - 13:48

Quy định pháp luật về Bảo hiểm thất nghiệp 

Bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) được xem là đặc quyền của người lao động trong thời gian nghỉ việc. Tuy nhiên, rất nhiều người người lao động còn lúng túng, chưa nắm rõ được cách thức, cũng như lợi ích được hưởng từ BHTN này. 

Người lao động làm thủ tục hưởng BHTN tại Văn phòng giao dịch của Trung tâm Dịch vụ giới thiệu việc làm TP Cần Thơ, đặt tại quận Ô Môn.

Người lao động làm thủ tục hưởng BHTN tại Văn phòng giao dịch của Trung tâm Dịch vụ giới thiệu việc làm TP Cần Thơ, đặt tại quận Ô Môn.

Theo quy định pháp luật, trong quá trình làm việc, người lao động bị sa thải hoặc thôi việc, thì sẽ nhận được một khoản gọi là trợ cấp thất nghiệp. Mức hưởng trợ cấp thất nghiệp hằng tháng bằng mức lương bình quân của 6 tháng liền kề đã đóng BHTN trước đó nhân với 60%. Đối với người hưởng lương theo lương cơ sở thì mức tối đa không quá 5 lần mức lương cơ sở. Đối với người lao động hưởng lương theo lương tối thiểu vùng, theo quy định của Bộ luật Lao động thì mức tối đa không quá 5 lần mức lương tối thiểu vùng.

Như vậy, căn cứ vào số tháng đóng BHTN trước đó, thời gian người lao động được hưởng trợ cấp thất nghiệp được tính như sau: Khi đóng đủ từ 12 tháng đến đủ 36 tháng sẽ được hưởng 3 tháng trợ cấp thất nghiệp. Tiếp sau đó cứ đóng đủ thêm 12 tháng sẽ được hưởng thêm 1 tháng trợ cấp thất nghiệp, tuy nhiên tối đa không vượt quá 12 tháng.

Cụ thể, người lao động tham gia BHTN từ đủ 1 năm đến đủ 3 năm: nhận 3 tháng trợ cấp; người lao động tham gia BHTN từ đủ 4 năm: nhận 4 tháng trợ cấp; người lao động tham gia BHTN từ đủ 5 năm: nhận 5 tháng trợ cấp; người lao động tham gia BHTN từ đủ 12 năm: nhận 12 tháng trợ cấp; người lao động tham gia BHTN từ đủ 12 năm trở lên: chỉ nhận 12 tháng trợ cấp.

Theo quy định nhận BHTN, trong vòng 3 tháng kể từ ngày chấm dứt hợp đồng làm việc thì người lao động có nhu cầu nhận trợ cấp thất nghiệp, phải nộp hồ sơ trực tiếp tại các trung tâm giới thiệu việc làm địa phương. Hồ sơ gồm: chứng minh nhân dân/ căn cước công dân; Sổ Bảo hiểm xã hội; bản chính hoặc bản sao có công chứng hợp đồng lao động đã hết hạn; đơn đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp (theo mẫu do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định); bản chính hoặc bản sao quyết định nghỉ việc hoặc thông báo thỏa thuận chấm dứt hợp đồng làm việc... Theo ông Cao Văn Thông, chuyên viên Văn phòng Giao dịch Trung tâm Dịch vụ giới thiệu việc làm TP Cần Thơ đặt tại quận Ô Môn, trong vòng 20 ngày, Trung tâm sẽ gởi quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp đến người lao động theo giấy hẹn. Kể từ lúc có quyết định, trong thời hạn 5 ngày thì người lao động sẽ được nhận trợ cấp thất nghiệp tháng đầu tiên.

Với quy trình thực hiện như trên, người lao động dễ dàng hoàn tất thủ tục hưởng chế độ BHTN. Trường hợp của chị N.T.K (ở xã Thới Thạnh, huyện Thới Lai) hơn 10 năm làm công nhân tại một công ty chế biến thủy sản, nay vì hoàn cảnh gia đình, chị quyết định nghỉ việc. Chị K cho biết: “Tôi đến Văn phòng giao dịch Trung tâm Dịch vụ giới thiệu việc làm để làm thủ tục hưởng chế độ BHTN. Nhân viên của văn phòng tận tình hướng dẫn, giúp tôi dễ dàng hoàn tất thủ tục”.

Cũng theo quy định pháp luật, thời gian đóng bảo hiểm sẽ là tổng thời gian đóng bảo hiểm liên tục hoặc không liên tục được cộng dồn từ khi bắt đầu đóng BHTN đến khi người lao động chấm dứt hợp đồng lao động mà chưa hưởng trợ cấp thất nghiệp. Vì vậy, với trường hợp người lao động không nhận trợ cấp thất nghiệp thì BHTN vẫn được cộng dồn cho người lao động khi họ tiếp tục làm việc tại công ty mới.

6 tháng đầu năm 2019, toàn TP Cần Thơ 115.919 người tham gia BHTN (tăng 1.019 người so với cuối năm 2018), đạt 100,23% so với chỉ tiêu Quyết định 03 của UBND thành phố. Theo Bảo hiểm Xã hội TP Cần Thơ, công tác giải quyết các chế độ chính sách bảo hiểm xã hội, BHTN đúng, đủ, kịp thời, hồ sơ trả đúng hẹn, không để tồn đọng. Bảo hiểm Xã hội thành phố đang quản lý chi trả lương hưu và trợ cấp bảo hiểm xã hội, BHTN hằng tháng cho 21.327 người, với số tiền chi trả trên 594 tỉ đồng...

Bài, ảnh: CHẤN HƯNG

Chia sẻ bài viết