19/06/2015 - 20:02

Quốc hội thông qua Luật Nghĩa vụ quân sự (sửa đổi) và Luật Thú y

(TTXVN) - Tiếp tục chương trình làm việc kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIII, sáng 19/6, Quốc hội thảo luận ở hội trường về Dự án Luật tổ chức cơ quan điều tra hình sự. Đa số đại biểu đồng ý bổ sung Cục cảnh sát điều tra tội phạm về buôn lậu thuộc hệ thống Cơ quan cảnh sát điều tra trong Công an nhân dân và không nên giao thêm một số hoạt động điều tra cho lực lượng Công an xã, phường, thị trấn.

Thảo luận về dự án Luật tổ chức cơ quan điều tra hình sự, các đại biểu Quốc hội đề nghị, ngoài việc bảo đảm phù hợp với Hiến pháp năm 2013, dự án Luật cần bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật, nhất là với các luật về tổ chức bộ máy các cơ quan tư pháp như Luật tổ chức Tòa án nhân dân, Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân và các đạo luật khác có liên quan. Các đại biểu Quốc hội cũng đề nghị cơ quan soạn thảo cần bám sát tổng kết đầy đủ việc thi hành Pháp lệnh tổ chức điều tra hình sự năm 2004 và phải thể chế hóa nghiêm túc các chủ trương của Đảng về cải cách tư pháp.

* Chưa nên quy định trách nhiệm điều tra đối với Công an xã

Liên quan đến thẩm quyền thực hiện hoạt động mang tính chất điều tra ban đầu của Công an xã, nhiều ý kiến thảo luận đề nghị không quy định trách nhiệm của Công an xã, phường, thị trấn, đồn Công an vào dự thảo Luật này. Bởi vì, trên thực tế, Công an xã là lực lượng bán chuyên trách, trình độ của Công an xã vẫn còn nhiều hạn chế, chưa được đào tạo cơ bản về chuyên môn, nghiệp vụ điều tra. Do đó, việc giao thêm một số hoạt động điều tra ban đầu cho Công an xã sẽ vượt quá khả năng của lực lượng này, dễ dẫn đến việc làm sai lệch trong điều tra vụ án hình sự, gây khó khăn cho cơ quan điều tra chuyên trách hoặc bỏ lọt tội phạm, làm oan người vô tội.

Theo đại biểu Lê Thị Nga (Thái Nguyên), về mặt pháp lý thì các quy định hiện hành về thẩm quyền liên quan đến tố tụng của Công an xã là chưa phù hợp với Bộ luật tố tụng hình sự hiện hành và Hiến pháp. Thực tiễn đã xảy ra nhiều sai phạm gây bức xúc trong dư luận. Đại biểu Lê Thị Nga đề nghị: “Đề nghị bỏ những quy định về thẩm quyền mang tính chất điều tra ban đầu của Công an xã trong dự thảo; cho dừng thực hiện những quy định của Pháp lệnh Công an xã và các văn bản hướng dẫn thi hành về những nội dung thẩm quyền tố tụng hình sự của Công an xã để ngăn chặn những sai phạm có thể xảy ra trong thời gian tới thay vào đó là tăng cường thành lập đồn Công an chính quy và điều động cán bộ, chiến sĩ cơ quan chính quy xuống để thực hiện nhiệm vụ này. Thứ 3 là nâng tiêu chuẩn bình chọn đầu vào của Công an xã để đảm bảo năng lực thực thi nhiệm vụ”.

* Tăng cường lực lượng đấu tranh chống buôn lậu

 Đa số ý kiến tán thành với việc sáp nhập Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng với Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế và chức vụ bởi vì, tội phạm tham nhũng thường liên quan chặt chẽ với tội phạm về kinh tế và chức vụ. Việc sáp nhập hai đơn vị này đảm bảo tập trung lực lượng và phối hợp với lực lượng trinh sát nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả điều tra án tham nhũng, kinh tế, chức vụ.

Các ý kiến cho rằng, theo thống kê, phạm pháp hình sự về buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ từ năm 2010 đến nay, số lượng các vụ xử lý hình sự chiếm tỷ lệ thấp 7,3%, còn lại xử lý vi phạm hành chính và chuyển các cơ quan khác để giải quyết. Trong các vụ xử lý hình sự mới chỉ xử lý được đối tượng vận chuyển, chưa xử lý được đối tượng chủ mưu, cầm đầu nên không có tính chất răn đe, hạn chế hiệu quả đấu tranh, chưa ngăn chặn, đẩy lùi được tình trạng này. Một trong những nguyên nhân là do, tuy có cơ quan tham gia đấu tranh chống buôn lậu nhưng các cơ quan này lại không có chức năng điều tra, xử lý hình sự nên phải chuyển về các cơ quan điều tra nơi xảy ra sự việc, thường là Công an tỉnh, thành phố để tiếp tục điều tra làm rõ. Như vậy, làm mất tính liên tục trong đấu tranh, truy xét để xử lý đối tượng chủ mưu, cầm đầu.

Theo đại biểu Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng): Việc trao thẩm quyền điều tra cho Cục cảnh sát phòng chống tội phạm buôn lậu trong Luật không làm tăng đầu mối của cơ quan điều tra Bộ Công an. Bộ vẫn có 5 đơn vị có chức năng điều tra như về kinh tế, tham nhũng, hình sự, ma túy, buôn lậu và gian lận thương mại. Đại biểu đề nghị thành lập phòng cảnh sát chống buôn lậu ở một số tỉnh trọng điểm, phức tạp về tình hình buôn lậu hàng giả để đấu tranh quyết liệt với loại tội phạm này.

Nhiều ý kiến cho rằng, không nên mở rộng bổ sung nhiệm vụ điều tra cho lực lượng Kiểm ngư, Thuế, Ủy ban Chứng khoán nhà nước vì không cần thiết. Thực tế, trong quá trình điều tra, các cơ quan điều tra đều có quyền trưng cầu chuyên gia để phục vụ điều tra. Hơn nữa, nếu tổ chức điều tra tại lĩnh vực này cần có lực lượng điều tra viên am hiểu pháp luật về quy trình tố tụng, pháp luật hình sự, do vậy nếu tổ chức mở rộng cơ quan điều tra ở các lực lượng trên là bất cập và không chất lượng.

Trước đó, đầu giờ sáng nay, với đa số ý kiến tán thành, Quốc hội thông qua Luật tổ chức Chính phủ (sửa đổi) và Luật tổ chức chính quyền địa phương.

Trong buổi chiều, các đại biểu Quốc hội làm việc tại hội trường biểu quyết thông qua Luật nghĩa vụ quân sự (sửa đổi) và Luật thú y; thảo luận về dự án Luật tạm giữ, tạm giam.

* Thông qua Luật nghĩa vụ quân sự (sửa đổi) và Luật thú y

Với 87,65% đại biểu tán thành, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật nghĩa vụ quân sự (sửa đổi). Như vậy, Luật nghĩa vụ quân sự (sửa đổi) gồm 9 chương, 62 Điều quy định rõ về nghĩa vụ quân sự; nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan, tổ chức, cá nhân và chế độ, chính sách trong việc thực hiện nghĩa vụ quân sự. Luật này sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2016.

Luật nghĩa vụ quân sự (sửa đổi) ban hành sẽ khắc phục được những vướng mắc, bất cập, bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật, đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Trong đó, về nghĩa vụ quân sự, Luật nêu rõ: Nghĩa vụ quân sự là nghĩa vụ vẻ vang của công dân phục vụ trong Quân đội nhân dân. Thực hiện nghĩa vụ quân sự bao gồm phục vụ tại ngũ và phục vụ trong ngạch dự bị của Quân đội nhân dân. Công dân trong độ tuổi thực hiện nghĩa vụ quân sự, không phân biệt dân tộc, thành phần xã hội, tín ngưỡng, tôn giáo, trình độ học vấn, nghề nghiệp, nơi cư trú phải thực hiện nghĩa vụ quân sự theo quy định của Luật này. Công dân phục vụ trong lực lượng Cảnh sát biển và thực hiện nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân được coi là thực hiện nghĩa vụ quân sự tại ngũ. Công dân thuộc một trong các trường hợp sau đây được công nhận hoàn thành nghĩa vụ quân sự tại ngũ trong thời bình: Dân quân tự vệ nòng cốt đã hoàn thành nghĩa vụ tham gia dân quân tự vệ, trong đó có ít nhất 12 tháng làm nhiệm vụ dân quân tự vệ thường trực; hoàn thành nhiệm vụ tham gia Công an xã liên tục từ đủ 36 tháng trở lên; cán bộ, công chức, viên chức, sinh viên tốt nghiệp đại học trở lên, đã được đào tạo và phong quân hàm sĩ quan dự bị; thanh niên đã tốt nghiệp đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp tình nguyện phục vụ tại đoàn kinh tế - quốc phòng từ đủ 24 tháng trở lên theo Đề án do Thủ tướng Chính phủ quyết định; công dân phục vụ trên tàu kiểm ngư từ đủ 24 tháng trở lên.

Về thời hạn phục vụ tại ngũ của hạ sĩ quan, binh sĩ, Luật nêu rõ: Thời hạn phục vụ tại ngũ trong thời bình của hạ sĩ quan, binh sĩ là 24 tháng. Bộ trưởng Bộ Quốc phòng được quyết định kéo dài thời hạn phục vụ tại ngũ của hạ sĩ quan, binh sĩ nhưng không quá 6 tháng trong trường hợp sau đây: Để bảo đảm nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu; đang thực hiện nhiệm vụ phòng, chống thiên tai, dịch bệnh, cứu hộ, cứu nạn. Thời hạn phục vụ của hạ sĩ quan, binh sĩ trong tình trạng chiến tranh hoặc tình trạng khẩn cấp về quốc phòng được thực hiện theo lệnh tổng động viên hoặc động viên cục bộ.

Liên quan đến độ tuổi gọi nhập ngũ, Luật quy định: "Công dân đủ 18 tuổi được gọi nhập ngũ; độ tuổi gọi nhập ngũ từ đủ 18 tuổi đến hết 25 tuổi; công dân đào tạo trình độ cao đẳng, đại học đã được tạm hoãn gọi nhập ngũ thì độ tuổi gọi nhập ngũ đến hết 27 tuổi".

Đối với những công dân được tạm hoãn gọi nhập ngũ, Luật ngũ vụ quân sự (sửa đổi) lần này đã quy định rõ là: Chưa đủ sức khỏe phục vụ tại ngũ theo kết luận của Hội đồng khám sức khỏe; là lao động duy nhất phải trực tiếp nuôi dưỡng thân nhân không còn khả năng lao động hoặc chưa đến tuổi lao động; trong gia đình bị thiệt hại nặng về người và tài sản do tai nạn, thiên tai, dịch bệnh nguy hiểm gây ra được Ủy ban nhân dân cấp xã xác nhận; một con của bệnh binh, người nhiễm chất độc da cam suy giảm khả năng lao động từ 61% đến 80%; có anh, chị hoặc em ruột là hạ sĩ quan, binh sĩ đang phục vụ tại ngũ; hạ sĩ quan, chiến sĩ thực hiện nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân; người thuộc diện di dân, giãn dân trong 3 năm đầu đến các xã đặc biệt khó khăn theo dự án phát triển kinh tế - xã hội của Nhà nước do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trở lên quyết định; cán bộ, công chức, viên chức, thanh niên xung phong được điều động đến công tác, làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn theo quy định của pháp luật; dang học tại cơ sở giáo dục phổ thông; đang đào tạo trình độ đại học hệ chính quy thuộc cơ sở giáo dục đại học, trình độ cao đẳng hệ chính quy thuộc cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong thời gian một khóa đào tạo của một trình độ đào tạo.

Trong phần đầu của phiên họp, Quốc hội cũng đã biểu quyết thông qua Luật thú ý với 85,43% đại biểu tán thành. Luật thú y gồm 7 Chương, 116 điều, quy định rõ về phòng bệnh, chữa bệnh, chống dịch bệnh động vật; kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật; kiểm soát giết mổ động vật, sơ chế, chế biến động vật, sản phẩm động vật; kiểm tra vệ sinh thú y; quản lý thuốc thú y; hành nghề thú y. Luật này áp dụng đối với tổ chức, cá nhân trong nước và tổ chức, cá nhân nước ngoài có liên quan đến hoạt động thú y tại Việt Nam.

Trong đó, nguyên tắc hoạt động, Luật thú y nêu rõ: Bảo đảm sự thống nhất trong hoạt động thú y từ trung ương đến địa phương nhằm chăm sóc, bảo vệ sức khỏe động vật, nâng cao hiệu quả kinh tế - xã hội, tính bền vững trong chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, bảo vệ sức khỏe con người và môi trường sinh thái. Thực hiện việc phòng bệnh là chính, chữa bệnh kịp thời, chống dịch khẩn trương; phát hiện nhanh, chính xác, xử lý triệt để các ổ dịch, nguồn lây dịch bệnh; ngăn chặn kịp thời sự lây nhiễm, lây lan của đối tượng kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật. Phòng, chống dịch bệnh động vật trước hết là trách nhiệm của chủ vật nuôi, chủ cơ sở chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản; cơ quan quản lý nhà nước có trách nhiệm tổ chức hướng dẫn, triển khai các biện pháp phòng, chống dịch kịp thời, hiệu quả. Bảo đảm thuận lợi trong giao dịch thương mại đối với động vật, sản phẩm động vật; hài hòa lợi ích của Nhà nước, cộng đồng, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân. Áp dụng tiến bộ khoa học và công nghệ, kết hợp khoa học và công nghệ hiện đại với kinh nghiệm truyền thống của nhân dân trong phòng, chống dịch bệnh, chữa bệnh động vật.

Luật thú y sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2016.

* Thảo luận Luật tạm giữ, tạm giam

Cũng trong chiều 19/6, các đại biểu Quốc hội đã thảo luận về dự án Luật tạm giữ, tạm giam. Qua thảo luận, cơ bản các đại biểu tán thành với Chính phủ về sự cần thiết ban hành dự án Luật này và cho rằng: Dự thảo Luật bảo đảm các quy định về tạm giữ, tạm giam phù hợp với Hiến pháp năm 2013; khắc phục kịp thời những hạn chế, bất cập trong thực tiễn, nhất là tình trạng bức cung, nhục hình, vi phạm quyền con người xảy ra ở nhà tạm giữ, trại tạm giam trong thời gian qua; đồng thời phúc đáp yêu cầu cải cách tư pháp trong tiến trình xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Đồng tình với việc ban hành Luật tạm giữ, tạm giam, đại biểu Trần Tiến Dũng (Hà Tĩnh) nhấn mạnh: Dự án Luật đã đưa ra nhiều quy định mới, tiến bộ, chặt chẽ và triển khai thực hiện quyền hiến định trong Hiến pháp năm 2013 về quyền con người, quyền công dân. Còn theo đại biểu Lưu Thị Huyền (Ninh Bình): Luật tạm giữ, tạm gian là luật quan trọng liên quan trực tiếp đến quyền con người, quyền, nghĩa vụ của công dân, phục vụ trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử và thi án hình sự. Tuy nhiên, đại biểu cho rằng, dự án Luật vừa phải đáp ứng quyền con người, quyền, nghĩa vụ của công dân, mà người tạm giữ, tạm giam không bị hạn chế; nhưng đồng thời phải bảo đảo tính khả thi trong điều kiện thực tế của đất nước ta để Luật sau khi ban hành được thực hiện một cách thuận lợi, đầy đủ, đáp ứng yêu cầu công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm.

Nhất trí với sự cần thiết ban hành Luật tạm giữ, tạm giam, đại biểu Đỗ Ngọc Niễn (Bình Thuận) cho rằng: Dự thảo Luật đã cụ thể hóa Hiến pháp năm 2013 về quyền con người, quyền công dân; đồng thời khắc phục được những hạn chế phát sinh từ thực tiễn, nhất là khắc phục tình trạng bức cung, nhục hình ở các trại tạm giam, nhà tạm giữ. Nhưng sẽ văn minh, tiến bộ hơn nữa khi cho phép người bị tạm giữ, tạm giam có quyền được khởi kiện nếu bị xâm phạm về quyền và lợi ích hợp pháp.

Góp ý về chế độ của phụ nữ có thai và nuôi con dưới 36 tháng tuổi. Các đại biểu đề nghị dự án Luật cần quy định cụ thể hơn về vấn đề này. Theo đại biểu Lưu Thị Huyền (Ninh Bình): Đối tượng nữ bị tạm giam trong trại tạm giam, nhà tạm giữ trong các cơ sở của Công an nhân dân rất nhiều. Để đảm bảo vấn đề bình đẳng giới, dự thảo Luật đã lồng ghép khá tốt vấn đề bình đẳng giới đảm bảo theo quy định của Luật bình đẳng giới. Những quy định trong dự thảo Luật đã đảm bảo quyền của người bị tạm giữ, người bị tạm giam; không phân biệt giữa nam và nữ. Trong dự thảo Luật có nhiều điểm thể hiện tính nhân đạo phù hợp về độ tuổi, giới tính, đảm bảo quyền phụ nữ, trẻ em, người già, người bị bệnh. Tuy nhiên, do đặc thù giới tính, dự thảo Luật cần có những quy định đảm bảo bình đẳng giới cho phù hợp.

Đại biểu Nguyễn Minh Phương (thành phố Cần Thơ) cho rằng: Dự thảo Luật quy định người bị tạm giữ, tạm giam là phụ nữ có thai, nuôi con nhỏ dưới 36 tháng tuổi được chăm sóc y tế và đảm bảo tiêu chuẩn theo chỉ dẫn của y bác sĩ; được cấp thực phẩm, thuốc, đồ dùng thiết yếu trong thời gian nuôi cao; được bố trí chỗ nằm tối thiểu 3m2 đã thể hiện tính nhân đạo, sự quan tâm đến việc bảo vệ quyền của bà mẹ và quyền của trẻ em. Tuy nhiên, dự thảo Luật cần quy định rõ hơn khi nào và ai xác định được chăm sóc y tế trong những trường hợp cần thiết, cơ sở giam giữ hay người tạm giam, tạm giữ đang mang thai. Theo đại biểu nên quy định như Bộ Y tế về chăm sóc y tế cho phụ nữ mang thai ở cơ sở tạm giữ, tạm giam và cần tổ chức khám thai ít nhất 3 lần trong thời kỳ mang thai.

Thảo luận về mô hình quản lý trại tạm giam, nhà tạm giữ, nhiều đại biểu nhất trí như quy định trong dự thảo Luật. Theo đại biểu Lưu Thị Huyền (Ninh Bình): Quy định như trong dự thảo Luật là phù hợp với điều kiện thực tiễn và bảo đảm được yêu cầu độc lập của các trại tạm giam, nhà tạm giữ với cơ quan điều tra các cấp trong Công an nhân dân; đồng thời đáp ứng được yêu cầu, phục vụ trong công tác điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án.

Cũng theo đại biểu, hiện nay, trên toàn quốc có 83 trại tạm giam, 734 nhà tạm giữ và 224 buồng tạm giữ ở các đồn biên phòng. Nếu tách khỏi cơ quan Công an các cấp sẽ phải đầu tư một khoản kinh phí khổng lồ để xây dựng trại tạm giam, nhà tạm giữ mới; đồng thời phải bổ sung một lượng biên chế cán bộ, chiến sĩ để thực hiện công tác tạm giữ, tạm giam. Do đó, đại biểu đề nghị giữ nguyên quy định tổ chức cơ quan quản lý trại tạm giam, nhà tạm giữ như hiện nay là phù hợp. Tuy nhiên, cần tăng cường công tác kiểm sát, thanh tra để kịp thời phòng ngừa, phát hiện và xử lý những hành vi tiêu cực trong công tác quản lý tạm giữ, tạm giam.

Ngoài ra, các đại biểu Quốc hội cũng đã góp ý cụ thể vào các nội dung khác của Dự án Luật tạm giữ, tạm giam như: Tên gọi và phạm vi điều chỉnh; vấn đề khởi kiện trong thực hiện chế độ tạm giữ, tạm giam; quyền và nghĩa vụ của người bị tạm giữ, tạm giam…

Nguyễn Cường

Chia sẻ bài viết