04/06/2008 - 09:24

Bế mạc kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XII

Quốc hội biểu quyết thông qua 8 luật và 2 nghị quyết

Sau 24 ngày làm việc với tinh thần khẩn trương và trách nhiệm cao, chiều 3-6, kỳ họp thứ ba, Quốc hội khóa XII đã kết thúc tốt đẹp, hoàn thành toàn bộ chương trình nghị sự, theo đúng yêu cầu về nội dung và tiến độ.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng đọc diễn văn bế mạc kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XII. Ảnh: NGUYỄN DÂN (TTXVN) 

Đọc diễn văn bế mạc kỳ họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng kêu gọi đồng bào, chiến sĩ cả nước và kiều bào ta ở nước ngoài nêu cao tinh thần yêu nước, đoàn kết, nỗ lực phấn đấu, phát huy thuận lợi, vượt qua khó khăn, hoàn thành mục tiêu đề ra, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ X của Đảng và các Nghị quyết của Quốc hội. Trước mắt, cần tập trung kiềm chế lạm phát, giảm nhập siêu; giảm tốc độ tăng giá hàng tiêu dùng, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, quan tâm vấn đề an sinh xã hội; hỗ trợ, giúp đỡ người nghèo, những gia đình gặp khó khăn; đồng thời duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế ở mức hợp lý để bảo đảm cho sự phát triển cao, bền vững trong những năm sau...

Điểm lại chương trình nghị sự của kỳ họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng nêu rõ: Cuối năm 2007 và đầu năm 2008, lạm phát toàn cầu gia tăng làm ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển kinh tế của nhiều nước, trong đó có Việt Nam. Trong nước, rét đậm, rét hại kéo dài; một số dịch bệnh diễn ra trên diện rộng; chỉ số giá tăng đột biến... ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất và đời sống nhân dân. Trên cơ sở phân tích, đánh giá một cách khách quan diễn biến tình hình trong nước và tác động quốc tế, Quốc hội đã quyết định điều chỉnh một số nội dung của mục tiêu tổng quát và một số chỉ tiêu kinh tế của kế hoạch năm 2008, trong đó nhấn mạnh ưu tiên hàng đầu cho kiềm chế lạm phát, giảm tốc độ tăng giá tiêu dùng, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội và tăng trưởng bền vững...

Quốc hội đã thảo luận, xem xét và thông qua 11 dự án luật và một nghị quyết có chứa quy phạm pháp luật; cho ý kiến về 7 dự án luật khác để tiếp tục chuẩn bị, trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp sau. Việc ban hành các đạo luật này có ý nghĩa quan trọng, góp phần tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật, tăng cường năng lực quản lý nhà nước, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và mở rộng quan hệ đối ngoại. Để thực hiện tốt hơn chính sách, pháp luật về xã hội hóa công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân, Quốc hội đã ra Nghị quyết “Về đẩy mạnh thực hiện chính sách pháp luật xã hội hóa để nâng cao chất lượng, hiệu quả chăm sóc sức khỏe nhân dân”. Quốc hội đã nghe Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam báo cáo tổng hợp 1.551 ý kiến, kiến nghị tâm huyết của cử tri; đồng thời yêu cầu các thành viên Chính phủ trả lời và có biện pháp giải quyết kịp thời các kiến nghị xác đáng của nhân dân. Quốc hội đã nghe 5 thành viên Chính phủ trả lời chất vấn về một số vấn đề quan trọng của đời sống xã hội; nghe Thủ tướng Chính phủ báo cáo tiếp thu, giải trình, làm rõ thêm các vấn đề liên quan và trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội về công tác quản lý, điều hành của Chính phủ. Quốc hội đã cùng Chính phủ và các thành viên Chính phủ xem xét toàn diện hơn về tình hình đất nước, về trách nhiệm đối với lĩnh vực phụ trách, quản lý. Các thành viên Chính phủ đã giải trình, nhận những yếu kém, khuyết điểm của ngành mình, thấy rõ trách nhiệm cá nhân và đưa ra giải pháp, lộ trình khắc phục. Quốc hội đã xem xét, quyết định việc điều chỉnh địa giới hành chính thành phố Hà Nội và một số tỉnh. Theo nghị quyết của Quốc hội có hiệu lực từ 1-8-2008, địa giới thành phố Hà Nội mở rộng sẽ hợp nhất toàn bộ diện tích tự nhiên và dân số tỉnh Hà Tây, toàn bộ huyện Mê Linh tỉnh Vĩnh Phúc và 4 xã của tỉnh Hòa Bình. Đây là một quyết định mang tính lịch sử và có ý nghĩa thiêng liêng, trọng đại, nhất là vào thời điểm mà Đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long- Hà Nội đang đến gần. Quốc hội cũng đã thông qua Nghị quyết về điều chỉnh địa giới hành chính giữa tỉnh Hà Tây và tỉnh Phú Thọ, tỉnh Bình Phước và tỉnh Đồng Nai; xem xét, quyết định một số vấn đề quan trọng khác.

Trước đó vào buổi sáng và đầu giờ chiều 3-6, Quốc hội đã xem xét, biểu quyết thông qua 8 luật, gồm: Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi); Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật dầu khí; Luật Năng lượng nguyên tử; Luật Hoạt động chữ thập đỏ; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống ma túy; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật xuất bản; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật sĩ quan quân đội nhân dân Việt Nam với đa số phiếu tán thành. Quốc hội cũng đã biểu quyết thông qua hai nghị quyết là: Nghị quyết về đẩy mạnh thực hiện chính sách pháp luật xã hội hóa để nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe nhân dân và Nghị quyết về một số vấn đề kinh tế-xã hội năm 2008 trong tình hình mới.

Quốc hội thông qua Nghị quyết về một số vấn đề kinh tế-xã hội năm 2008 trong tình hình mới có mục tiêu cơ bản là: Phấn đấu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội và tăng trưởng bền vững, trong đó kiềm chế lạm phát là mục tiêu hàng đầu. Về chỉ tiêu chủ yếu: Tổng sản phẩm trong nước (GDP) năm 2008 tăng 7%.

Quốc hội yêu cầu Chính phủ tập trung vào một số nhiệm vụ trọng tâm sau: Tiếp tục cụ thể hóa, kịp thời điều chỉnh hợp lý và tổ chức thực hiện đồng bộ các giải pháp, cơ chế, chính sách để vừa kiềm chế lạm phát, giảm tốc độ tăng giá tiêu dùng, vừa bảo đảm an sinh xã hội, không gây ách tắc sản xuất, kinh doanh. Rà soát để cắt giảm, đình hoãn những công trình, dự án đầu tư xây dựng cơ bản bằng vốn ngân sách nhà nước, vốn có nguồn gốc ngân sách nhà nước (kể cả từ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ) xét thấy chưa thật sự bức thiết; điều chuyển, tập trung vốn cho những công trình, dự án có hiệu quả, có khả năng hoàn thành, đưa vào sử dụng trong năm 2008 và 2009 nhằm bảo đảm giữ được tăng trưởng kinh tế ở mức phù hợp, nâng cao hiệu quả vốn đầu tư từ nguồn vốn nhà nước; rà lại và kiểm soát hoạt động đầu tư của các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước bảo đảm đúng định hướng. Các cấp, các ngành, cơ quan, đơn vị thụ hưởng ngân sách nhà nước nghiêm chỉnh thực hiện tiết kiệm thêm 10% chi thường xuyên trong những tháng còn lại của năm 2008, phấn đấu tiết kiệm các khoản chi khác một cách hợp lý mà Chính phủ đã đề nghị. Bám sát thực tế để chủ động trong quản lý, điều hành, phối hợp đồng bộ và có các biện pháp thật cụ thể trong lĩnh vực tài chính, tiền tệ, tín dụng. Áp dụng ngay các chính sách và biện pháp thích hợp để quản lý chặt chẽ, không gây biến động thị trường tiền tệ, thị trường chứng khoán, thị trường bất động sản. Kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi đầu cơ, tung tin thất thiệt nhằm gây rối thị trường. Tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi nhất để đẩy mạnh xuất khẩu, đi đôi với kiểm soát và cơ cấu lại hàng hóa nhập khẩu, giảm nhập khẩu nhóm hàng tiêu dùng và các nhóm hàng chưa thực sự cần thiết, đạt bằng được mục tiêu giảm nhập siêu.

HỒNG QUÂN (TTXVN)

Chia sẻ bài viết