13/11/2016 - 16:42

Ngày Phòng, chống đái tháo đường

Quan tâm dự phòng bệnh đái tháo đường

Theo kết quả nghiên cứu của Bệnh viện Nội tiết Trung ương, sau 10 năm (2002 - 2012), tỷ lệ mắc bệnh đái tháo đường (ĐTĐ) trong cộng đồng tăng từ 2,7% lên gần 6%. Ước tính hiện Việt Nam có khoảng 3 đến 4 triệu người bị ĐTĐ, hơn 60% số này chưa được phát hiện bệnh.

"Tình cờ" phát hiện

Hơn tháng nay, bác T.V.Q. (61 tuổi, ngụ ở huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long) điều trị tại Bệnh viện Đa khoa TP Cần Thơ. Bác bị vết đứt nhỏ ở bàn chân nhưng do biến chứng bệnh ĐTĐ làm lở loét và phải cắt bỏ một ngón chân. Vợ bác Q. cho biết: "Chồng tôi phát hiện bị ĐTĐ 5 năm. Ông hay nhức đầu, bị co giật, méo miệng, đi khám bệnh, bác sĩ yêu cầu thử máu, mới biết bị bệnh ĐTĐ, bác sĩ nói, có thể ông bị ĐTĐ trước đó nhiều năm mà không biết". Tương tự, bà M.T.Đ. (60 tuổi, ở huyện Cờ Đỏ, TP Cần Thơ) kể: "Tôi bị ĐTĐ gần 3 năm. Lúc trước, tôi sụt cân mặc dù tôi ăn ngon và rất nhiều. Nghi mình bị suy nhược cơ thể, tôi đi khám bệnh, bác sĩ yêu cầu thử đường và phát hiện mắc bệnh ĐTĐ tuýp 2".

Bác sĩ kiểm tra đường huyết cho bệnh nhân ĐTĐ đang điều trị tại Bệnh viện Đa khoa TP Cần Thơ.  

Đây là hai trong rất nhiều trường hợp phát hiện bệnh ĐTĐ khi "tình cờ" đi khám bệnh lý khác hoặc có những biến chứng. Chủ nhiệm đề tài "Nghiên cứu một số đặc điểm lâm sàng và cận lâm sàng ở bệnh nhân ĐTĐ tuýp 2 điều trị nội trú tại Bệnh viện Đa khoa TP Cần Thơ" thực hiện năm 2015, BS.CKII Võ Việt Thắng, Trưởng khoa Tim Mạch - Nội tiết - Lão học, Bệnh viện Đa khoa TP Cần Thơ, cho biết, qua nghiên cứu 192 bệnh nhân điều trị nội trú tại khoa, có 145 trường hợp phát hiện bệnh tình cờ khi khám bệnh khác (75,5%); 34 trường hợp phát hiện bệnh nhờ khám sức khỏe định kỳ (17,7%); còn lại là bệnh vào viện khi có triệu chứng nghi ngờ (6,8%). Điều này cho thấy, nhiều người không biết mình bị mắc bệnh trước đó. Việc phát hiện bệnh ĐTĐ muộn, điều trị trễ, sẽ dẫn đến các biến chứng nguy hiểm, thậm chí tàn phế hoặc tử vong. Vì vậy, các bác sĩ nội tiết - tim mạch khuyến cáo người dân cần tầm soát sớm và điều trị kịp thời bệnh ĐTĐ, tránh những biến chứng nguy hiểm.

Nên tầm soát sớm bệnh ĐTĐ

BS.CKII Võ Việt Thắng cho biết: "ĐTĐ là bệnh mạn tính, có nhiều loại như: ĐTĐ tuýp 1, ĐTĐ tuýp 2, ĐTĐ thai kỳ... ĐTĐ tuýp 2 xuất hiện nhiều ở tuổi trung niên, chiếm đa số và có nhiều biến chứng nặng nề. Bệnh có yếu tố gia đình từ cha mẹ hoặc ông bà và không có triệu chứng rõ ràng".

Nếu phát hiện muộn bệnh ĐTĐ, bệnh nhân phải gánh chịu nhiều hậu quả nặng nề do biến chứng, biến chứng cấp như: hôn mê do tăng áp lực thẩm thấu hoặc nhiễm ceton axit... Những bệnh nhân ĐTĐ không được điều trị tốt, lâu ngày dẫn đến biến chứng mạn, ảnh hưởng mạch máu và thần kinh, gây ra một số bệnh lý như: thiếu máu não, nhồi máu cơ tim, thiếu máu cục bộ cơ tim, tăng huyết áp, suy thận, teo cơ, giảm khả năng vận động, tổn thương thần kinh cảm giác, hoại tử ngón chân, nhiễm trùng bàn chân, tàn phế...

BS.CKII Võ Việt Thắng khuyến cáo người dân, đặc biệt người nguy cơ cao như trong gia đình có tiền sử bệnh ĐTĐ nên khám sức khỏe định kỳ 6 tháng/lần hoặc 1 năm/lần để có thể phát hiện sớm và điều trị bệnh kịp thời. Khi có những triệu chứng như: ăn nhiều và thèm ăn liên tục; uống nhiều mà không hết khát,; tiểu nhiều vào ban đêm và sụt cân nhanh, cần đến ngay cơ sở y tế để thử đường huyết nhằm tầm soát sớm bệnh ĐTĐ. Đối với bệnh nhân ĐTĐ cần tuân thủ tốt điều trị thuốc kết hợp điều chỉnh một số yếu tố nguy cơ như: đưa cân nặng về điều kiện lý tưởng; huyết áp về chỉ số bình thường; kiểm soát chặt chẽ các chỉ số li pít máu. Hằng ngày, hạn chế thức ăn có đường và trái cây nhiều vị ngọt; giảm bớt tinh bột và nên ăn nhiều rau xanh, chất xơ có vị đắng và vị chát; hạn chế mỡ động vật; hạn chế rượu bia; nên bỏ thuốc lá và tăng cường vận động bằng những bài thể dục nhẹ nhàng phù hợp sức khỏe. Có như thế mới ổn định chỉ số đường huyết và hạn chế các biến chứng của bệnh.

Tầm soát, phát hiện sớm và điều trị bệnh ĐTĐ đúng cách sẽ giảm các triệu chứng, biến chứng, tần suất nhập viện, đồng thời giảm gánh nặng cho gia đình và xã hội. Người bệnh ĐTĐ có thể sống lâu và khỏe mạnh nếu kiểm soát tốt các yếu tố nguy cơ và lượng đường máu.

Bài, ảnh: H.G - KIM NHIÊN

Chia sẻ bài viết