07/05/2008 - 10:01

Về việc xét tuyển và tuyển sinh các lớp đầu cấp, Ông Nguyễn Quí Đôn, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và đào tạo TP Cần Thơ:

Phụ huynh, học sinh cân nhắc kỹ để chọn trường phù hợp

Năm học 2007-2008 sắp kết thúc, việc xét tuyển và tuyển sinh vào các lớp đầu cấp là một trong những vấn đề được nhiều phụ huynh, học sinh quan tâm. Năm nay, việc tuyển sinh vào các lớp đầu cấp, đặc biệt là lớp 10, có gì mới? Phóng viên Báo Cần Thơ đã trao đổi với ông Nguyễn Quí Đôn, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) TP Cần Thơ, về vấn đề này.

* Thưa ông, năm nay, việc tuyển sinh vào các lớp đầu cấp, nhất là vào lớp 10 ở các trường THPT trên địa bàn TP Cần Thơ được thực hiện như thế nào?

- Sở GD&ĐT TP Cần Thơ đã xây dựng kế hoạch tuyển sinh các lớp đầu cấp và UBND TP Cần Thơ đã phê duyệt kế hoạch này. Theo đó, việc tổ chức tuyển sinh năm nay không có nhiều thay đổi so với năm học trước. Do thực hiện phân cấp quản lý nên công tác tuyển sinh vào lớp 1 và lớp 6 sẽ được giao về cho các quận, huyện. Các trường tiểu học, THCS cố gắng tuyển sinh 100% học sinh trong độ tuổi đến trường.

 

Về tuyển sinh lớp 10, vẫn duy trì hình thức thi tuyển và xét tuyển. Hình thức thi tuyển được áp dụng đối với các trường THPT công lập, khối chuyên Trường THPT Lý Tự Trọng. Học sinh tham gia thi tuyển vào các trường THPT công lập, sẽ thi 3 môn: Toán, Ngữ văn và Ngoại ngữ; trong đó 2 môn Toán và Ngữ văn có hệ số 2, môn Ngoại ngữ hệ số 1. Học sinh thi vào Trường THPT Chuyên Lý Tự Trọng sẽ thi 3 môn Ngữ văn, Toán (hệ số 1) và môn chuyên (hệ số 2). Nội dung thi nằm trong chương trình lớp 9. Các trường sẽ căn cứ vào điểm thi tuyển cộng với điểm khuyến khích, ưu tiên (nếu có) để tuyển sinh vào lớp 10. Khoảng trung tuần tháng 6-2008, sẽ tổ chức thi tuyển vào các lớp chuyên của Trường THPT Chuyên Lý Tự Trọng. Dự kiến các trường THPT công lập sẽ tổ chức thi tuyển vào cuối tháng 6-2008. Những học sinh không đậu vào các lớp chuyên của Trường THPT Chuyên Lý Tự Trọng vẫn có thể đăng ký thi tuyển vào một trường công lập trên địa bàn.

Hình thức xét tuyển được áp dụng đối với các trường THPT bán công, diện chính sách của Trường THPT Chuyên Lý Tự Trọng, Trường THPT Dân tộc Nội trú và Trường THPT Kỹ thuật Trần Ngọc Hoằng. Căn cứ để các trường xét tuyển là kết quả cuối năm học lớp 9 (qui ra điểm) và cộng thêm điểm ưu tiên, khuyến khích (nếu có).

* Sở GD&ĐT có qui định về địa bàn đăng ký thi tuyển cho học sinh ở những khu vực khác nhau hay không, thưa ông?

- Hiện nay, quận - huyện nào cũng có trường THPT nên Sở GD&ĐT phân định địa bàn tuyển sinh lớp 10. Cụ thể, học sinh thuộc quận, huyện nào thì đăng ký dự tuyển vào trường THPT trên địa bàn đó. Những học sinh ở quận Cái Răng, không đậu vào Trường THPT Nguyễn Việt Dũng, có thể theo học bán công tại Trường THPT Bán công An Bình, Phan Ngọc Hiển của quận Ninh Kiều. Riêng các Trường THPT Dân tộc Nội trú, THPT Kỹ thuật Trần Ngọc Hoằng và các lớp chính sách của Trường THPT Lý Tự Trọng tuyển sinh toàn thành phố.

Việc phân chia địa bàn tuyển sinh là cần thiết, nhưng ngành cũng chỉ đạo các trường phải linh hoạt khi tuyển sinh, dựa trên cơ sở tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh đi lại, học tập.

* Nếu không đậu vào trường THPT công lập mà mình đã đăng ký dự thi, học sinh có thể chuyển qua một trường công lập khác nếu điểm tuyển của trường đó thấp hơn điểm thi của mình không, thưa ông?

- Trường hợp học sinh không đậu vào trường THPT công lập mà mình đã đăng ký dự thi, thì chỉ có thể đăng ký vào trường bán công. Điều này có nghĩa mỗi học sinh chỉ có thể đăng ký thi vào một trường THPT công lập. Ví dụ, một học sinh ở phường Xuân Khánh, quận Ninh Kiều, dự thi vào Trường THPT Châu Văn Liêm nhưng không trúng tuyển thì dù cho điểm thi của em này cao hơn điểm tuyển vào Trường THPT Nguyễn Việt Hồng, em cũng không được chấp nhận chuyển sang Trường THPT Nguyễn Việt Hồng mà chỉ có thể nộp đơn vào các trường tổ chức xét tuyển trên địa bàn.

* Ông có thể cho biết vấn đề phân luồng học sinh sau khi tốt nghiệp THCS năm nay sẽ được thực hiện ra sao?

- Chỉ tiêu chung của toàn thành phố là 80% học sinh tốt nghiệp THCS vào học các trường THPT. 20% học sinh còn lại sẽ theo học chương trình bổ túc hoặc chương trình nghề... Tuy nhiên, trên thực tế việc phân luồng học sinh sau THCS vẫn không có nhiều thay đổi so với những năm trước. Ngoài nguyên nhân các cơ sở dạy nghề chưa thu hút được học sinh, còn do tâm lý của đa số phụ huynh không muốn cho con em mình học bổ túc, dù bằng tú tài bổ túc và bằng tú tài phổ thông có giá trị ngang nhau.

* Theo ông, trước khi quyết định đăng ký dự tuyển vào lớp 10 của một trường THPT công lập nào đó, phụ huynh và học sinh cần lưu ý những vấn đề gì?

- Sở GD&ĐT chủ trương tổ chức thi tuyển sinh lớp 10 vào giữa tháng 6 là để học sinh có thời gian tự ôn luyện, chọn cho mình một trường phù hợp với khả năng của bản thân và trong địa bàn qui định. Hiện nay, tâm lý nhiều phụ huynh chỉ muốn cho con em mình thi đậu vào một số trường công lập ở trung tâm thành phố (nhiều người gọi là trường điểm). Đây là một nhu cầu chính đáng. Tuy nhiên, phụ huynh cũng cần phải tìm hiểu sức học của con em mình để chọn trường phù hợp, tránh tình trạng thúc ép con em mình vào một trường quá sức, gây áp lực cho các em.

Thực tế, ngành giáo dục không qui định trường nào là “trường điểm” bởi không có trường nào toàn giáo viên giỏi, cũng không có trường nào toàn giáo viên dở mà chỉ có trường có cơ sở vật chất, điều kiện học tập tốt hơn. Vấn đề học giỏi hay không trước hết tùy thuộc vào ý thức tự học của mỗi học sinh.

LY GIANG (Thực hiện)

Chia sẻ bài viết