29/01/2020 - 18:20

Phòng tránh dịch bệnh phá hại lúa đông xuân 

Ruộng lúa đông xuân trên địa bàn TP Cần Thơ phát triển tốt, hạn chế dịch bệnh xâm hại.

(CT)- Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật TP Cần Thơ (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), đến ngày 29-1-2020 (nhằm Mùng 5 Tết Nguyên đán Canh Tý), toàn thành phố có 60.837ha lúa đông xuân ở giai đoạn từ trổ đến chắc xanh, chiếm trên 87% diện tích xuống giống; 17.379ha bước vào thu hoạch và 279ha đã thu hoạch. Hiện tại, trên đồng đã bắt đầu xuất hiện một số dịch hại, như: rầy nâu, bệnh đạo ôn, chuột… Đặc biệt, ấu trùng rầy nâu đang gây hại trên lúa đông xuân  giai đoạn đòng trổ, mật số từ thấp đến trung bình, tuy nhiên có những khu vực cục bộ mật số rầy nâu tăng cao, trên 10.000 con/m2 phân bố tại các huyện Vĩnh Thạnh, Cờ Đỏ, Thới Lai... Đối với bệnh đạo ôn điều kiện thời tiết hiện nay đêm và sáng sớm trời lạnh, có sương, thuận lợi cho nấm bệnh đạo ôn lá tiếp tục phát triển và gây hại trên trà lúa đẻ nhánh đến đòng trổ, sạ dày bón thừa phân đạm, phân bố tại các huyện Vĩnh Thạnh, Cờ Đỏ, Thới Lai và quận Thốt Nốt.

Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật TP Cần Thơ khuyến cáo: Đối với lúa đông xuân giai đoạn làm đòng đến trổ cần hạn chế việc phun thuốc trừ sâu rầy tràn lan khi chưa cần thiết, khuyến cáo nông dân cần thường xuyên thăm đồng để phát hiện sâu bệnh và phòng trị kịp thời, áp dụng các giải pháp kỹ thuật chăm sóc lúa như: giữ mực nước 3-5cm trên ruộng lúa; áp dụng biện pháp tưới ngập khô xen kẽ, bón cân đối phân đạm, lân, kali (không để ruộng khô nước khi lúa giai đoạn trổ); đối với bệnh đạo ôn lá và bệnh đạo ôn cổ bông, khuyến cáo nông dân thăm đồng thường xuyên, kiểm tra phát hiện sớm vết bệnh để tiến hành xử lý kịp thời; trên những chân ruộng nhiễm bệnh cháy bìa lá có thể sử dụng một trong các loại thuốc đặc trị bệnh vi khuẩn, cần tiến hành phun thuốc ngay khi bệnh mới xuất hiện để đạt hiệu quả cao, phòng ngừa tốt…

Tin, ảnh: H.VĂN

Chia sẻ bài viết