Bài, ảnh: KIỀU CHINH
Theo đánh giá Ban Chỉ đạo 138 TP Cần Thơ, trong năm 2021, lực lượng công an phối hợp chặt chẽ với ban, ngành, đoàn thể triển khai nhiều giải pháp hiệu quả phòng, chống tội phạm mua bán người. Qua đó, đã tạo chuyển biến tích cực về nhận thức, trách nhiệm và hành động của các cấp, các ngành và người dân, nhất là chị em phụ nữ trong lĩnh vực này, góp phần giữ gìn an ninh trật tự (ANTT). Năm 2021, địa bàn TP Cần Thơ chưa phát hiện tội phạm mua bán người, không có tiếp nhận nạn nhân bị mua bán trở về.

Công an TP Cần Thơ tuyên truyền thủ đoạn tội phạm, trong đó có tội phạm mua bán người tại Trường ĐH Cần Thơ vào tháng 4-2021.
Với phương châm phòng ngừa là cơ bản, hướng về cơ sở, Ban Chỉ đạo 138 thành phố chỉ đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể, địa phương tăng cường tổ chức các hoạt động, chiến dịch truyền thông bằng nhiều hình thức phong phú. Ðể đảm bảo phòng, chống dịch COVID-19, các đơn vị sử dụng công nghệ thông tin, ứng dụng tiện ích của các trang mạng xã hội (zalo, facebook), nền tảng di động đăng tải các tờ bướm, thông điệp tuyên truyền phương thức, thủ đoạn hoạt động, kiến thức nhận biết dấu hiệu tội phạm mua bán người, giới thiệu tổng đài quốc gia 111, đường dây nóng 18001567 để tư vấn, hỗ trợ, hướng dẫn kịp thời các vấn đề liên quan… Qua đó, đã có 12.690 lượt đăng tải, tương tác, chia sẻ, tạo sức lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng.
Lực lượng công an phối hợp triển khai nhiều chương trình, kế hoạch về phòng, chống mua bán người; mở cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm này; làm tốt công tác quản lý nhà nước về ANTT, quản lý xuất, nhập cảnh để kịp thời phát hiện, ngăn chặn các hành vi xuất, nhập cảnh trái phép. Công an thành phố tích cực phát động Phong trào "Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc", kêu gọi người dân tham gia tố giác tội phạm qua hộp thư tố giác, điện thoại đường dây nóng. Song song đó, phối hợp xây dựng, củng cố, nâng chất các mô hình, câu lạc bộ phòng, chống tội phạm hiệu quả như "Hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về", Câu lạc bộ "Phụ nữ với pháp luật", "Phụ nữ xa nhà", "Phòng, chống bạo lực gia đình”… Ðặc biệt, trong đợt dịch vừa qua, TP Cần Thơ có 11 cháu bị mồ côi do dịch COVID-19. Công an thành phố triển khai mô hình “Tình thương cho em, hậu COVID”, nhận đỡ đầu với hình thức bảo trợ học tập đến năm 18 tuổi, hằng năm mua bảo hiểm y tế, bảo hiểm thân thể cho các cháu.
Ðồng hành cùng lực lượng công an, các ban, ngành, đoàn thể có nhiều hoạt động thiết thực trong phòng, chống mua bán người. Sở Tư pháp, Sở Lao động Thương binh và Xã hội, Hội LHPN thành phố phối hợp chặt chẽ với lực lượng công an nắm tình hình phụ nữ kết hôn với người nước ngoài, kịp thời tư vấn, tuyên truyền, không để đối tượng lợi dụng thực hiện hành vi bán phụ nữ ra nước ngoài. Hội LHPN thành phố duy trì và nâng chất hàng trăm mô hình "Ðịa chỉ tin cậy tại cộng đồng" và nhiều "Khu vực, địa điểm an toàn cho phụ nữ và trẻ em", tiếp cận nhóm phụ nữ có nguy cơ cao bị mua bán, những nơi có nhiều phụ nữ đi xuất khẩu lao động, lấy chồng nước ngoài để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, tư vấn, định hướng kịp thời. Ðồng thời tạo điều kiện giúp đỡ hội viên vay vốn, học nghề, giới thiệu việc làm, nâng cao thu nhập, phát triển kinh tế gia đình, hạn chế tình trạng phụ nữ bỏ đi làm ăn xa dễ mắc vào các tệ nạn xã hội hoặc bị lừa bán. Hội phối hợp giáo dục định hướng cho cô dâu Việt Nam trước khi di cư sang Hàn Quốc, trang bị kiến thức nâng cao cảnh giác tự bảo vệ mình để không trở thành nạn nhân của mua bán người thông qua hôn nhân. Ðồng thời phối hợp xây dựng mạng lưới hỗ trợ phụ nữ di cư hồi hương hoạt động hiệu quả, góp phần giúp chị em ổn định cuộc sống.
Thượng tá Phạm Quốc Anh, Trưởng Phòng Cảnh sát hình sự Công an TP Cần Thơ, cho biết: “Mặc dù tình trạng mua bán người ở Cần Thơ xảy ra ít, nhưng còn tiềm ẩn nhiều khả năng xảy ra, tập trung ở những vùng nông thôn. Thủ đoạn các đối tượng rất tinh vi, lợi dụng internet, mạng di động, các trang mạng xã hội giới thiệu việc làm, xuất khẩu lao động, môi giới hôn nhân, tổ chức du lịch, chữa bệnh… tiếp cận, dụ dỗ lừa người ra nước ngoài. Ðể nâng cao hiệu quả phòng ngừa, bên cạnh tuyên truyền, đơn vị còn làm tốt công tác điều tra cơ bản, quản lý đối tượng, địa bàn trọng điểm, tăng cường tuần tra, kiểm soát, thường xuyên trao đổi về tình hình tội phạm mua bán người với các cục nghiệp vụ, công an các tỉnh, thành phố và giữa công an các đơn vị, địa phương để kịp thời nắm thông tin, phục vụ tốt công tác điều tra, xác minh, đề ra biện pháp giải quyết khi có vụ việc xảy ra. Ngoài ra, đơn vị còn tham gia các lớp tập huấn về công tác điều tra, truy tố, xét xử vụ án mua bán người. Qua đó, có thêm nhiều kinh nghiệm hữu ích, góp phần nâng chất hoạt động đấu tranh, phòng, chống tội phạm liên quan lĩnh vực này”.