10/04/2024 - 10:59

Phối hợp trợ giúp pháp lý cho trẻ em 

Trợ giúp pháp lý (TGPL) cho trẻ em (TE) là một trong những công tác quan trọng trong hoạt động của Trung tâm TGPL Nhà nước TP Cần Thơ. Trong đó, việc chú trọng tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật cho TE góp phần chủ động phòng ngừa, loại bỏ các nguy cơ gây tổn hại cho TE, làm giảm tình trạng TE rơi vào hoàn cảnh đặc biệt, bị bạo lực.

Trung tâm CTXH phối hợp cùng Trung tâm TGPL Nhà nước TP Cần Thơ tổ chức tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật tại Trường THCS Lương Thế Vinh, quận Ninh Kiều.

Trung tâm Công tác xã hội (CTXH) thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP Cần Thơ và Trung tâm TGPL Nhà nước TP Cần Thơ vừa ký kết kế hoạch phối hợp truyền thông về TGPL năm 2024. Việc ký kết phối hợp giữa 2 trung tâm là sự kiện quan trọng nhằm thể hiện trách nhiệm của 2 đơn vị trong quá trình thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, tăng cường công tác chỉ đạo phối hợp, tổ chức triển khai các hoạt động. Công tác phối hợp tập trung vào 2 hoạt động chính: tổ chức truyền thông về TGPL tại các cơ sở giáo dục và công tác truyền thông nâng cao nhận thức pháp luật tại các cơ sở giáo dục.

Nội dung truyền thông tập trung về quyền TE trong pháp luật Việt Nam hiện nay; quyền, nghĩa vụ của công dân; các nội dung liên quan đến giá trị đạo đức, rèn luyện thói quen, ý thức tôn trọng và chấp hành pháp luật; truyền thông về an toàn giao thông; phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội; phòng chống HIV/AIDS, chống kỳ thị, phân biệt đối xử với người nhiễm HIV/AIDS; phổ biến, cảnh báo và hướng dẫn học sinh về các tình huống, nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt, bị xâm hại, bị bạo lực, bỏ học, vi phạm pháp luật; hướng dẫn học sinh sử dụng các dịch vụ hỗ trợ; phổ biến tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ TE theo số 111, tổng đài tham vấn 18008065 tại Trung tâm CTXH và các đơn vị cung cấp dịch vụ CTXH cộng đồng.

Công tác phối hợp nhằm góp phần tạo chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và ý thức tuân thủ, chấp hành, tự giác học tập, tìm hiểu pháp luật, xây dựng lối sống và làm việc theo pháp luật cho học sinh tại các trường học trên địa bàn 9 quận, huyện của thành phố. Đồng thời, trang bị kiến thức về giáo dục kỹ năng sống, kiến thức bảo vệ, chăm sóc TE trong nhà trường; một số quy định của pháp luật Việt Nam trong việc bảo vệ quyền TE; chế độ chính sách cho TE có hoàn cảnh đặc biệt, góp phần giáo dục đạo đức, lối sống, phòng ngừa, ngăn chặn các tệ nạn xã hội xâm nhập vào học đường và hình thành ý thức, thói quen “Sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật” cho các em ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường. 

Theo Luật TE, TE có quyền được bảo vệ trong quá trình tố tụng và xử lý vi phạm hành chính; bảo đảm quyền được bào chữa và tự bào chữa, được bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp; được TGPL, được trình bày ý kiến, không bị tước quyền tự do trái pháp luật; không bị tra tấn, truy bức, nhục hình, xúc phạm danh dự, nhân phẩm, xâm phạm thân thể, gây áp lực về tâm lý và các hình thức xâm hại khác. Luật TGPL năm 2017 quy định TE được TGPL miễn phí. TE (người dưới 16 tuổi) được TGPL trong tất cả các lĩnh vực pháp luật (chỉ loại trừ lĩnh vực kinh doanh, thương mại), trong đó có người dưới 16 tuổi bị buộc tội. Ngoài ra, Luật TGPL còn quy định khi người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi là bị hại trong vụ án hình sự có khó khăn về tài chính (tức là người thuộc hộ cận nghèo hoặc đang được hưởng trợ cấp xã hội hằng tháng theo quy định) cũng là đối tượng được TGPL.

Bài, ảnh: HOÀNG YẾN

Chia sẻ bài viết