18/10/2010 - 08:30

Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng dự lễ đặt viên đá khởi động dự án Công viên nghĩa trang đường Hồ Chí Minh trên biển tại Bến Tre

Ngày 17-10, tại ấp 8, cồn Bửng, xã Thạnh Hải (Thạnh Phú), UBND tỉnh Bến Tre đã tổ chức lễ đặt viên đá khởi động dự án Công viên nghĩa trang đường Hồ Chí Minh trên biển, nhân dịp kỷ niệm 49 năm ngày mở đường Hồ Chí Minh trên biển (23/10/1961 - 23/10/2010). Đến dự có đồng chí Trương Vĩnh Trọng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ; đại diện UBND tỉnh Phú Thọ, UBND Thành phố Hải Phòng, QK 9, Quân chủng Hải quân, Vùng 2 Hải quân, các cán bộ cựu chiến binh Lữ đoàn 125 đoàn tàu không số...

Ban tổ chức lễ đặt viên đá đã tiếp nhận nấm đất tổ từ tỉnh Phú Thọ và 4 viên đá thiêng lần lượt từ các địa phương: Thạnh Hải - nơi là đầu cầu tiếp nhận vũ khí từ Bắc chuyển vào Nam; Hải Phòng, nơi xuất phát của các đoàn tàu không số; một viên đá từ Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn và một viên đá từ quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Các viên đá được đặt trên một bệ cao hướng ra biển Đông...

Dự án Công viên nghĩa trang đường Hồ Chí Minh trên biển có qui mô công trình cấp quốc gia, diện tích 635 ha, vốn đầu tư 1.500 tỉ đồng, trong đó 30% từ ngân sách nhà nước, phần còn lại kêu gọi sự ủng hộ của các ngành, các cấp, các thành phần kinh tế. Theo thiết kế, Công viên nghĩa trang đường Hồ Chí Minh trên biển có ba khu chính: Khu nước Việt Nam; bờ biển Việt Nam thu nhỏ; khu bảo tàng, đài tưởng niệm các bến tàu và đường đi trên biển của đoàn tàu không số...

Phát biểu tại buổi lễ, Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng ôn lại những ngày đầu ra đời của đoàn tàu không số ở Bến Tre, do một phụ nữ chỉ huy vượt biển ra miền Bắc xin vũ khí và Chỉ thị của Trung ương vào năm 1946. Đó là bà Nguyễn Thị Định, nguyên Phó Chủ tịch HĐNN nước CHXHCNVN. Trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, đặc biệt là trong giai đoạn 1961 - 1970, đã có hàng chục chuyến tàu chở hàng ngàn tấn vũ khí từ Bắc cặp bến Thạnh Phong (tên xã Thạnh Hải từ xã Thạnh Phong tách ra sau này) vào chi viện cho chiến trường miền Nam. Nhân dân Thạnh Phong giàu truyền thống cách mạng, đã từng chở che cho căn cứ của Tỉnh ủy Bến Tre đóng tại đây và đoàn tàu không số. Ngày nay, nhân dân Thạnh Phong, sau 35 năm giải phóng, vẫn còn nghèo. Vì vậy, Đảng bộ huyện Thạnh Phú phải có kế hoạch nâng cao dân trí, đào tạo nguồn nhân lực cho Thạnh Phong, Thạnh Hải. Nhân dân Thạnh Hải, Thạnh Phong cần tiếp tục phát huy truyền thống cách mạng, tích cực sản xuất, vươn lên làm giàu. Việc đầu tư xây dựng Công viên nghĩa trang đường Hồ Chí Minh trên biển tại Thạnh Hải, góp phần giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ hôm nay. Nhà nước sẽ đầu tư xây cầu, làm đường để giao thông phát triển thuận lợi, thúc đẩy kinh tế, xã hội phát triển theo. Trước mắt, công trình xây dựng Cầu Ván, hiện nay qua lại bằng phà, nằm trên quốc lộ 57, về các xã Giao Thạnh, Thạnh Phong, Thạnh Hải đã có vốn sẽ triển khai trong thời gian tới.

VĂN TRÍ (TTXVN)

Chia sẻ bài viết