04/10/2009 - 07:53

Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn thăm đồng bào vùng bị thiệt hại do lũ lụt gây ra tại Kon Tum

* Bão PARMA đã di chuyển đến vùng bờ biển phía Đông Bắc đảo Lu Dông (Philippines)
* Công điện của Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão Trung ương, Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn

Ngày 3-10, đoàn công tác của Quốc hội do phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn dẫn đầu đã về thăm đồng bào vùng bị thiệt hại do lũ lụt gây ra ở địa bàn tỉnh Kon Tum. Đoàn đến thăm và tặng quà các gia đình có người chết, người bị sập nhà, mất trắng tài sản ở huyện Đắk Tô đồng thời chuyển lời thăm hỏi và chia sẻ mất mát của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng đến với đồng bào các dân tộc trong tỉnh.

Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn ghi nhận và biểu dương các cấp ủy Đảng, chính quyền, lực lượng vũ trang và các ngành ở Kon Tum đã thực hiện có hiệu quả công tác tìm kiếm, cứu nạn, cứu hộ và khắc phục hậu quả do thiên tai gây ra. Phó Chủ tịch Quốc hội lưu ý Kon Tum cần tập trung lực lượng để tìm kiếm những người còn bị mất tích, quan tâm hơn nữa đến các hộ dân bị mất hết tài sản, tuyệt đối không để nhân dân bị thiếu ăn và huy động các nguồn lực khác nhau để nhanh chóng khôi phục sản xuất, đồng thời xử lý triệt để vấn đề vệ sinh môi trường, đảm bảo có đủ nguồn nước hợp vệ sinh trong sinh hoạt hằng ngày, Phó Chủ tịch Quốc hội đặc biệt lưu ý Kon Tum phải cảnh giác trước nguy cơ sạt lở núi gây phương hại đến tính mạng người dân sau khi lụt bão qua đi . Thay mặt Ủy Ban Thường vụ Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn đã gửi tặng hai huyện Đắk Tô và Tu Mơ Rông mỗi huyện 60 triệu đồng.

* Theo Trung tâm dự báo Khí tượng thủy văn Trung ương, trưa 3-10, cơn bão có tên quốc tế là PARMA đã di chuyển đến vùng bờ biển phía Đông Bắc đảo Lu Dông (Philippines), đây là cơn bão thứ 17 ở khu vực Tây Bắc Thái Bình Dương trong năm 2009.

Hồi 13 giờ ngày 3-10, vị trí tâm bão PARMA ở vào khoảng 17,8 độ Vĩ Bắc; 122,2 độ Kinh Đông. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 13 (tức là từ 134 đến 149 km một giờ), giật cấp 15, cấp 16. Tính từ tâm bão, vùng gió mạnh nguy hiểm từ cấp 10 trở lên có bán kính khoảng 60 km, từ cấp 6 trở lên có bán kính khoảng 250 km.

Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển theo hướng giữa Tây Bắc và Bắc Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 10 km. Đến 13 giờ ngày 4-10, vị trí tâm bão ở vào khoảng 19,5 độ Vĩ Bắc, 121,0 độ Kinh Đông, trên vùng biển phía Bắc đảo Lu Dông. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 12, cấp 13 (tức là từ 118 đến 149 km một giờ), giật cấp 14, cấp 15. Tính từ tâm bão, vùng gió mạnh nguy hiểm từ cấp 10 trở lên có bán kính khoảng 60 km, từ cấp 6 trở lên có bán kính khoảng 250 km.

Do ảnh hưởng của bão, vùng biển phía Đông Bắc biển Đông có mưa và giông, gió mạnh cấp 6, cấp 7, sau tăng lên cấp 8, cấp 9, giật cấp 10, cấp 11. Biển động rất mạnh.

* Hồi 17 giờ ngày 3-10-2009, Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão Trung ương, Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn đã có Công điện số 48/CĐ-TW điện Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, thành phố ven biển từ Quảng Ninh đến Quảng Ngãi; các bộ: Quốc phòng, Công an, Giao thông Vận tải. Nội dung Công điện ghi rõ:

Để chủ động đối phó với diễn biến của bão, Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão Trung ương, Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn đề nghị Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, thành phố và các bộ, ngành:

1. Thông báo cho chủ các phương tiện tàu thuyền đang hoạt động trên biển biết vị trí và hướng di chuyển của bão để chủ động phòng tránh, thoát ra khỏi hoặc không đi vào khu vực nguy hiểm được xác định là vùng biển phía bắc vĩ tuyến 17 và phía đông kinh tuyến 117. Thường xuyên giữ liên lạc với các chủ tàu thuyền để xử lý kịp thời các tình huống xấu có thể xảy ra.

2. Duy trì lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn để sẵn sàng ứng cứu khi có yêu cầu.

3. Tổ chức trực ban nghiêm túc và thường xuyên theo dõi diễn biến của Bão để chỉ đạo ứng phó với Bão, báo cáo về Ban chỉ đạo PCLB Trung ương và UBQG Tìm kiếm cứu nạn.

ĐOÀN HỮU TRUNG (TTXVN)

Chia sẻ bài viết