15/09/2016 - 21:39

Phát triển nông, ngư nghiệp bền vững trong điều kiện biến đổi khí hậu

Việt Nam xếp hàng thứ 5 trong các quốc gia bị tác động mạnh mẽ nhất do biến đổi khí hậu (BĐKH), thì ĐBSCL trong đó có TP Cần Thơ được đánh giá là 1 trong 3 đồng bằng có nguy cơ cao nhất thế giới. Trong đó nông nghiệp sẽ là ngành chịu tác động nặng nề, ảnh hưởng đến đời sống của người dân, môi trường... Trong khuôn khổ Hội nghị hợp tác giữa các địa phương Việt Nam - Pháp lần thứ 10, TP Cần Thơ đồng chủ trì cùng tỉnh Seine-Saint-Denis (Pháp) tổ chức hội thảo chuyên đề: Môi trường, BĐKH và nông nghiệp/ngư nghiệp. Các chuyên gia, nhà quản lý 2 bên đã cùng nhau phân tích, nghiên cứu tính phức tạp, đa chiều của BĐKH tác động đến Việt Nam nói chung và ĐBSCL nói riêng. Từ đó, đưa ra những giải pháp, cách thức ứng phó dài hạn với BĐKH mà vẫn đảm bảo phát triển nông, ngư nghiệp.

Thách thức

Theo đánh giá của các chuyên gia, các bất định đến từ BĐKH tác động đến Việt Nam nói chung và ĐBSCL nói riêng, đó là việc khai thác tài nguyên nước trên thượng nguồn châu thổ. Bao gồm chuyển nước trong lưu vực và ra ngoài lưu vực, nhất là việc khai thác thủy điện trên dòng chính sông Mekong từ cao nguyên Tây Tạng trở xuống. Trong khi đó, nhu cầu về nước cho sản xuất và đời sống ngày càng tăng. Các đập thủy điện biến dòng chảy liên tục theo trọng lực thành một chuỗi đập, thay đổi sinh thái thủy văn trong lưu vực. Từ đó, gây nên thâm hụt trong cán cân trầm tích ở hạ du, làm thay đổi địa mạo lòng sông, cửa biển và đường bờ biển. Đó là những thách thức lớn đối với đồng bằng, tác động tiêu cực đến môi trường, đa dạng sinh học, sản xuất, đời sống của cư dân và đặt đồng bằng trước nguy cơ lún chìm và bị xâm thực.

 Ứng phó với BĐKH và xâm nhập mặn, TP Cần Thơ quan tâm xây dựng các hồ, kênh trữ nước ngọt phục vụ nhu cầu sinh hoạt và sản xuất của người dân. Trong ảnh: Lãnh đạo UBND TP Cần Thơ khảo sát kênh Đất Sét, quận Cái Răng.

Về những khó khăn tại ĐBSCL, những năm gần đây, tình trạng mất rừng ngập mặn bờ biển làm mất đi đệm chắn sóng thiên nhiên và khả năng quyện giữ phù sa. Mất rừng tràm, đa dạng sinh học và môi trường vùng ngập nước trở nên nghèo kiệt, mực thủy cấp vùng trũng hạ thấp. Thêm vào đó, khai thác cát dọc sông Tiền, sông Hậu không quản lý được làm trầm trọng thêm sự thâm hụt của cán cân trầm tích. Việc khai thác nước ngầm quá mức góp phần làm mặt đất đồng bằng sụt lún. Các biểu hiện BĐKH tác động lên vùng ĐBSCl ngày càng rõ rệt, như: nhiệt độ không khí tăng cao, tổng lượng mưa hằng năm có chiều hướng sụt giảm, chế độ nước lũ lụt và khô hạn bất thường và sự gia tăng cả về tần suất và cường độ của giông lốc, sấm sét. Ngoài ra, hiện tượng sạt lở bờ sông và hiện tượng sụt lún mặt đất do lạm dụng khai thác nước ngầm cũng góp phần to lớn ngăn cản phát triển kinh tế xã hội của địa phương. Trong vấn đề môi trường, vùng ĐBSCL không chủ động được nguồn nước mặt. Ngoại trừ sông Hậu, chất lượng nước mặt hiện đã suy giảm đáng kể do ô nhiễm chất hữu cơ, nước không còn nhiều phù sa, đa dạng sinh học bị suy giảm. Mực nước ngầm thấp hơn 3,5m so trước đây, có khi còn bị ô nhiểm do hữu cơ, kim loại nặng và nhiễm mặn. Những yếu tố trên ảnh hưởng lớn đến sản xuất nông nghiệp vùng ĐBSCL, gây thiệt hại năng suất cây trồng, đời sống người dân khó khăn. Bên cạnh đó, ĐBSCL là nơi chủ lực trong nuôi trồng thủy sản của cả nước, tuy nhiên, nghề nuôi hiện nay cũng đang gặp nhiều trở ngại, trong đó vấn đề tác động của BĐKH và xâm nhập mặn.

Giải pháp ứng phó

Trước những thách thức của BĐKH tác động đến vùng ĐBSCL, ông Đào Anh Dũng, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, cho biết: TP Cần Thơ nói riêng và ĐBSCL nói chung phải đẩy mạnh chiến lược chống chịu với 3 mũi nhọn cơ bản. Đó là, chủ động quản trị nguồn nước để cung cấp đầy đủ nước cho sinh hoạt và sản xuất, bảo vệ tài sản và tính mạng của cộng đồng dân cư dù có thiên tai hay có các tác động bất lợi từ thượng nguồn. Đồng thời, chủ động tạo sinh kế và hỗ trợ nhà ở an toàn cho người nghèo và các thành phần dễ bị tổn thương, giúp cho từng hộ dân cư có cuộc sống ổn định, có nguồn tích lũy để đủ sức vượt qua các thiên tai, địch họa. Bên cạnh đó, ổn định vững chắc kinh tế nông nghiệp và công nghiệp; đồng thời chủ động đẩy mạnh, tăng cường tỷ trọng khu vực dịch vụ trong cơ cấu kinh tế để tăng cường dự trữ xã hội đủ năng lực chống chịu các nguy cơ khó dự báo trong tương lai.

GS.TSKH. Nguyễn Ngọc Trân, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội, cho rằng: "Trước hết cần có nhận thức rõ: Nước ngọt không còn là "của trời cho" vô hạn. Trữ, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả cao nguồn nước ngọt trong sản xuất và sinh hoạt là một thay đổi cơ bản và bức thiết trong nhận thức của các cấp quản lý nhà nước và trong xã hội. Thứ hai, ở những vùng mà quá trình biển chiếm ưu thế, chung sống với nước mặn, xem nước mặn và lợ là một dạng tài nguyên cần được khai thác. Hơn thế, biến "thách thức mặn" thành lợi thế của vùng đất duy nhất của lưu vực tiếp giáp với biển, sẽ mở ra những tiềm năng và khát vọng mới cho đồng bằng". Phát triển bền vững vùng ĐBSCL, theo GS.TSKH. Nguyễn Ngọc Trân, xây dựng cơ chế sử dụng nguồn nước cho sông Mekong và được quy định bằng một điều ước quốc tế. Công việc này khó nhưng phải kiên trì. Trước hết, cần có quy định về việc chia sẻ các số liệu thủy văn, cơ chế vận hành của đập thủy điện giữa các nước trong lưu vực để quản lý tốt nguồn nước sông Mekong và các rủi ro từ BĐKH. Nghiên cứu những biện pháp phi công trình, từ các giống cây, con cho vùng lợ, mặn, đến quy hoạch đô thị, các vật liệu xây dựng nhẹ, bền cho vùng đất ngập mặn, lọc nước mặn thành nước ngọt ở các quy mô khác nhau… Ngoài ra, có chính sách để tái tạo rừng ngập mặn, rừng tràm ở những vùng trũng trong Đồng Tháp Mười, Tứ giác Long Xuyên, Bán đảo Cà Mau, … Mô hình phát triển ở đồng bằng phải chuyển từ chiều rộng (vắt kiệt và lãng phí tài nguyên) sang chiều sâu (hàm lượng khoa học công nghệ tăng trong sản phẩm), từ số lượng sang chất lượng, hiệu quả và phát thải ít khí nhà kính. Hơn bao giờ, sự liên kết chuỗi, liên kết vùng, phát triển kinh tế vùng là bức thiết trong bối cảnh toàn cầu hóa kinh tế và hội nhập quốc tế.

Thời gian qua, tại vùng ĐBSCL đã có một số mô hình nuôi thủy sản thích ứng với BĐKH và xâm nhập mặn. PGS. TS Trần Ngọc Hải, Khoa Thủy sản – Trường Đại học Cần Thơ, cho biết: Hiện nay mô hình nuôi tôm chân trắng siêu thâm canh trong nhà kính, áp dụng công nghệ Bioflocs đang được bắt đầu nghiên cứu, áp dụng và cho năng suất rất cao (20-40 tấn/ha hay 2-4kg/m3). Đây là mô hình rất triển vọng do giảm thiểu tác động của thời tiết, môi trường ngoài; an toàn sinh học; giảm chi phí thức ăn; thân thiện môi trường do hạn chế sử dụng nước và giảm thiểu chất thải và có thể áp dụng được cả qui mô nhỏ hay lớn. Mô hình nuôi cá tra thương phẩm trong hệ thống bể tuần hoàn nước chảy đã được thử nghiệm thành công tại Đại học Cần Thơ với năng suất trên 500kg/ha/vụ. Hệ thống này có ưu điểm lớn là hạn chế tác động môi trường, thời tiết hay xâm nhập mặn; diện tích nhỏ, nhiều vị trí nuôi thuận lợi; lọc sinh học, ổn định chất lượng nước, an toàn sinh học; hạn chế thay nước; quản lý chất thải tốt; không dùng thuốc – hóa chất; tỷ lệ sống cao, năng suất cao; chất lượng sản phẩm tốt. Hệ thống này cũng có thể dùng cho ương cá giống, phục vụ nuôi thương phẩm. Ngoài ra, nuôi hàu trên giàn treo đang phát triển nhanh trong những năm gần đây ở các cửa sông vùng ĐBSCL. Mặc dù một số trở ngại cũng đã gặp phải, tuy nhiên, nuôi nhuyễn thể có triển vọng rất lớn trong thích ứng BĐKH và xâm nhập mặn.

Hợp tác phát triển bền vững

Trên thực tế, thời gian qua, một số địa phương của Pháp hợp tác cùng địa phương Việt Nam thực hiện một số dự án, đề án hợp tác mang lại hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp và môi trường. Chẳng hạn, tỉnh Val-de-Marne hỗ trợ TP Yên Bái xây dựng Đề án tổng thể vệ sinh môi trường cho phép khắc phục tư duy manh mún nhất thời trong các dự án cơ sở hạ tầng thiếu tầm nhìn tổng thể và chiến lược về vệ sinh môi trường. Bà Raphaelle Primet, Tổ chức SIAAP, cho biết: Xây dựng quy hoạch tổng thể vệ sinh môi trường là một nhu cầu ngày càng cấp thiết đối với người dân. Quy hoạch sẽ cho phép xác định chiến lược thu gom và xử lý nước thải. Cách tiếp cận triển khai với TP Yên Bái nằm trong tầm nhìn tổng thể về bảo vệ môi trường và cụ thể hơn là bảo vệ sông Hồng, nơi thu gom toàn bộ nước thải của thành phố. Đặc thù của thành phố là hệ thống hồ ao và hệ thống mặt nước có chức năng cảnh quan cũng như vai trò trong thích ứng với BĐKH đem lại sự mát mẻ cho thành phố, phòng chống lụt lội trên cơ sở điều tiết lưu lượng nước.

Hai nước Việt Nam và Pháp có quá trình hợp tác liên chính phủ và hợp tác giữa các địa phương gần 40 năm qua và có kết quả khả quan. Đây là một thuận lợi cho việc hợp tác trong lĩnh vực ứng phó với BĐKH. Những nỗ lực này đi cùng chiều với yêu cầu chung sống với ngập và mặn ở ĐBSCL. GS.TSKH. Nguyễn Ngọc Trân, đề xuất: Hai bên có thể trao đổi kinh nghiệm xây dựng cơ chế sử dụng nguồn nước các sông quốc tế, quy định quốc gia và quy định châu Âu; xây dựng cơ chế sử dụng nguồn nước theo lưu vực các sông nội địa; trữ và sử dụng tiết kiệm nguồn nước, đặc biệt trong tưới tiêu. Bên cạnh đó, hợp tác giữa các địa phương có vùng ngập nước (ngọt và mặn): quy hoạch phát triển (sản xuất, du lịch,…), quy hoạch các điểm dân cư, cung cấp nước ngọt (nếu là vùng ngập nước mặn)…; nghiên cứu các giống cây, con cho các vùng lợ và mặn…

Bài, ảnh: T. Trinh

Chia sẻ bài viết