23/09/2015 - 15:11

Phát huy vai trò kinh tế tập thể

Thực hiện Kết luận số 56-KL/TW của Bộ Chính trị về đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết Trung ương 5, Khóa IX về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể (gọi tắt là Kết luận số 56), trong 3 năm qua, cấp ủy đảng, chính quyền các cấp đã tổ chức học tập, quán triệt Kết luận số 56 và tuyên truyền nâng cao nhận thức về kinh tế tập thể (KTTT) một cách nghiêm túc. Đến nay, KTTT, mà nòng cốt là hợp tác xã (HTX) đã dần được phục hồi, phát triển và xuất hiện những mô hình HTX kiểu mới.

Củng cố, nâng chất kinh tế tập thể

Sau khi Bộ Chính trị ban hành Kết luận số 56, các bộ, ngành có liên quan đã xây dựng chương trình hành động, ban hành nghị quyết, kế hoạch triển khai thực hiện Kết luận số 56. Liên minh Hợp tác xã Việt Nam phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng Trung ương và địa phương thường xuyên thông tin về vai trò của HTX trong xây dựng nông thôn mới, HTX làm ăn có hiệu quả. Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (UBTƯMTTQ Việt Nam) chủ động nghiên cứu, khảo sát, phối hợp với các bộ, ngành Trung ương tổ chức nhiều cuộc tọa đàm, hội thảo về phát triển HTX kiểu mới. Qua đó, tạo tác động lan tỏa lớn trong cộng đồng, nâng cao nhận thức về vai trò, vị trí của KTTT trong nền kinh tế thị trường. Các địa phương tổ chức phổ biến, tuyên truyền nội dung Kết luận số 56 và xây dựng nghị quyết, chương trình, kế hoạch triển khai thực hiện đến các tổ chức đảng cơ sở. Với sự nỗ lực của hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương, nhận thức của các tầng lớp nhân dân về KTTT có sự chuyển biến tích cực. Hệ thống cơ chế, chính sách về KTTT về cơ bản đã được hình thành, tạo hành lang pháp lý quan trọng phát triển KTTT.

Hợp tác xã Quốc Noãn, huyện Thới Lai là một trong những hợp tác xã điển hình, hoạt động có hiệu quả ở TP Cần Thơ.

Sau gần 3 năm triển khai thực hiện Kết luận số 56 và triển khai Luật HTX 2012, KTTT với nòng cốt là HTX đã dần phục hồi, phát triển ở các ngành, lĩnh vực, như: nông nghiệp, giao thông vận tải, xây dựng, tín dụng, ngân hàng HTX, công nghiệp – thương mại và các ngành nghề khác, như: môi trường, y tế, bốc xếp, du lịch… Đến cuối năm 2014, cả nước có 18.837 HTX, thu hút sự tham gia của gần 7,4 triệu thành viên; vốn điều lệ bình quân là 1,354 tỉ đồng/HTX; doanh thu bình quân ước đạt 2,986 tỉ đồng/HTX/năm. Đóng góp của khu vực HTX vào GDP năm 2013 lần đầu tiên trong gần 20 năm qua đã tăng hơn so với năm trước là 0,05%, trong khi tỷ lệ vốn đầu tư chỉ chiếm khoảng 0,6% tổng vốn đầu tư của nền kinh tế. Tốc độ tăng trưởng năm 2014 của khu vực HTX đạt khoảng 3,3-3,5%, mức đóng góp vào GDP tăng hơn 0,05-0,1% so với năm 2013. Tổng doanh thu của các HTX năm 2014 đạt 26.400 tỉ đồng; tổng lãi trước thuế đạt 1.410 tỉ đồng, tăng 0,7% so với năm 2013. Bên cạnh đó, số lượng thành viên và tổng số lao động làm việc thường xuyên trong HTX năm 2014 tăng cao so với năm 2013.

Theo thống kê, cả nước có gần 143.000 tổ hợp tác đang hoạt động với hơn 1,5 triệu thành viên. 3 năm qua, số tổ hợp tác phát triển trên tất cả các ngành nghề, lĩnh vực, vùng miền trong cả nước được thành lập và hoạt động xuất phát từ nhu cầu và lợi ích của thành viên. Tổ hợp tác khắc phục một số hạn chế yếu kém của kinh tế hộ, như: thiếu vốn, công cụ, kỹ thuật… giảm bớt rủi ro, tăng sức cạnh tranh. Trong tổng số 43 Liên hiệp HTX, hiện có 28 Liên hiệp đang hoạt động, 15 Liên hiệp ngừng hoạt động đang chờ giải thể hoặc chuyển sang hình thức khác. Trong 3 năm qua, 20% Liên hiệp HTX đã khẳng định được vị thế và sức mạnh trong mối liên kết, hợp tác trong phát triển thị trường, tăng khả năng cạnh tranh, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho thành viên và người lao động…

Tăng tốc phát triển

KTTT đã phát huy vai trò trong nhiều lĩnh vực, nhiều ngành nghề, góp phần tạo nên sự ổn định xã hội và phát triển kinh tế đất nước. Tuy nhiên, trên thực tế phát triển KTTT ở các địa phương vẫn tồn tại không ít khó khăn, hạn chế dẫn đến việc phát triển KTTT còn chậm và yếu kém. Ông Nguyễn Xuân Cường, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương, cho biết: Nhận thức về KTTT của một số cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu chưa đầy đủ, thống nhất, ý thức trách nhiệm còn thấp. Việc ban hành các văn bản dưới luật còn chậm, thiếu đồng bộ, một số nội dung chưa được hướng dẫn nên những chính sách hỗ trợ phát triển HTX chưa thực hiện đầy đủ. Chất lượng, hiệu quả hoạt động và lợi nhuận của các tổ hợp tác, HTX còn thấp. Phần lớn các HTX là hoạt động dịch vụ nông nghiệp và vẫn còn hoạt động theo mô hình HTX cũ. Bên cạnh đó, vẫn còn không ít HTX thành lập và tổ chức hoạt động chưa theo đúng nguyên tắc HTX, hoạt động như là một doanh nghiệp. Ngoài ra, năng lực, kinh nghiệm của cán bộ lãnh đạo, quản lý HTX, nhất là HTX nông nghiệp, dịch vụ nông nghiệp còn nhiều hạn chế…

Ngày 22-9-2015, tại Hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện Kết luận số 56, đã có nhiều ý kiến đóng góp, đề xuất, kiến nghị giải pháp nâng cao hiệu quả KTTT trong thời gian tới. Ông Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch UBTƯMTTQ Việt Nam yêu cầu các địa phương rà soát lại, địa phương có thế mạnh về nông nghiệp cần đề cập phát triển HTX kiểu mới theo Luật HTX 2012 vào Nghị quyết Đại hội Đảng cấp tỉnh để làm công cụ phát triển KTTT trong giai đoạn tới. Các bộ, ngành và Liên minh HTX Việt Nam cần làm rõ cơ quan nào ở cấp quốc gia có nhiệm vụ tiến hành nghiên cứu dự báo thị trường để cung cấp các thông tin cho các địa phương, các HTX và các doanh nghiệp nông nghiệp. Cần triển khai quyết liệt việc cho các HTX kiểu mới vay vốn theo Nghị định 55/2015/NĐ-CP của Chính phủ (về chính sách tín dụng phát triển nông nghiệp nông thôn) để tạo điều kiện cho các HTX kiểu mới tăng tốc phát triển. Thành lập HTX kiểu mới trên tinh thần tự nguyện của người dân, do đó vai trò UBMTTQ và các đoàn thể trong tuyên tuyền, vận động nhân dân là quan trọng.

Ông Nguyễn Đắc Thắng, Phó Chủ tịch Điều hành, Liên Minh HTX Việt Nam đề xuất thành lập đề án xây dựng Học viện HTX Việt Nam, có chương trình đào tạo đặc thù. Từ đó, xây dựng thế hệ cán bộ HTX có chuyên môn nghiệp vụ, nâng cao năng lực quản lý HTX một cách hiệu quả. Bên cạnh đó, hình thành các trung tâm thương mại, hệ thống phân phối sản phẩm tạo điều kiện cho các HTX tiêu thụ sản phẩm các vùng miền. Liên minh HTX Việt Nam kiện toàn hệ thống mạng lưới quỹ HTX, hướng tới các quỹ và mô hình thống nhất từ Trung ương đến địa phương. Qua đó có thể huy động nguồn lực trong hệ thống cũng như chia sẻ các rủi ro trong hoạt động tài chính… Theo ý kiến từ các địa phương, để phát triển KTTT thật sự hiệu quả, cần tập trung thực hiện công tác tuyên truyền để nhân dân hiểu rõ về HTX kiểu mới, lợi ích thiết thực của mô hình HTX. Trung ương xem xét thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về phát triển KTTT; phân công rõ trách nhiệm của các bộ, ngành có sự tập trung chỉ đạo thống nhất từ Trung ương đến địa phương. Đồng thời, ban hành một số chính sách, quy định về KTTT đủ mạnh để hỗ trợ phát triển KTTT, như: chính sách về khoa học kỹ thuật, đào tạo đội ngũ cán bộ, đất đai, hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm… Quỹ tín dụng nhân dân là loại hình HTX hoạt động trong lĩnh vực tiền tệ, phục vụ chủ yếu cho các thành viên tuy nhiên lợi nhuận của quỹ không đáng kể. Do vậy, Trung ương có thể xem xét giảm mức thuế còn 10% tương đương HTX nông nghiệp…

Bài, ảnh: TUYẾT TRINH

Chia sẻ bài viết