Trong suốt chiều dài lịch sử 94 năm, Hội LHPN Việt Nam không ngừng phát triển và trở thành tổ chức chính trị - xã hội lớn mạnh, rộng khắp, vận động, tập hợp đông đảo các tầng lớp phụ nữ (PN) tham gia tích cực, đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Phát huy truyền thống vẻ vang, Hội LHPN TP Cần Thơ không ngừng đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, tích cực chăm lo, bảo vệ, quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của hội viên; hỗ trợ chị em làm kinh tế, từng bước vươn lên, khẳng định vai trò trong gia đình và xã hội.
Hội LHPN TP Cần Thơ thực hiện chuyến xe “San sẻ yêu thương” đến tỉnh Lạng Sơn, hỗ trợ PN, người dân vượt qua khó khăn do bão lũ. Ảnh: KIỀU CHINH
Nâng cao quyền năng kinh tế của PN
Phong trào PN giúp nhau phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo là nhiệm vụ trọng tâm, được các cấp Hội trên địa bàn TP Cần Thơ đẩy mạnh tuyên truyền; đồng thời hỗ trợ hội viên lao động sản xuất với nhiều cách làm thiết thực.
Trong 9 tháng đầu năm 2024, các cấp Hội triển khai hiệu quả Ðề án 939 “Hỗ trợ PN khởi nghiệp giai đoạn 2017-2025”, nâng cao chất lượng các hoạt động tín dụng, tiết kiệm, duy trì các hoạt động tài chính vi mô hỗ trợ PN khởi nghiệp. Quỹ Hỗ trợ PN phát triển kinh tế Cần Thơ phát vay cho 1.127 thành viên, nâng tổng số dư nợ gần 8 tỉ đồng với 2.025 thành viên; Hội thực hiện ủy thác với Ngân hàng Chính sách xã hội phát vay cho 11.503 hộ, nâng tổng dư nợ trên 1.931,798 tỉ đồng với 42.626 hộ vay, tạo điều kiện để chị em phát triển kinh tế gia đình… Hội LHPN thành phố tổ chức hội thi “Tay nghề giỏi” các mô hình kinh tế do Hội thành lập, tôn vinh, nhân rộng những điển hình tiên tiến, tạo động lực phát triển, duy trì các ngành nghề truyền thống của địa phương…
Thực hiện Ðề án 01 “Hỗ trợ hợp tác xã do PN tham gia quản lý, tạo việc làm cho lao động nữ đến năm 2030”, thông qua các mô hình và các tổ liên kết, các cấp Hội tư vấn, giới thiệu việc làm cho 4.672 chị. Ngoài ra, Hội LHPN thành phố tổ chức nhiều lớp tập huấn kiến thức sản xuất và tiêu dùng xanh bền vững, kỹ thuật chăn nuôi cho hội viên ở các quận, huyện. Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp PN Cần Thơ phối hợp Trung tâm PN phát triển ÐBSCL và Hội Nữ doanh nhân thành phố tổ chức nhiều lớp dạy nghề miễn phí cho hàng trăm hội viên, PN có hoàn cảnh khó khăn.
Nhiều năm qua, cơ sở sản xuất nước mắm Tư Hon ở quận Ô Môn không chỉ là mô hình kinh tế mang lại hiệu quả cao mà còn giải quyết việc làm cho nhiều chị em trên địa bàn, với thu nhập 6-8 triệu đồng/tháng. Theo chị Trần Thị Mỹ Phương, chủ cơ sở, trong quá trình khởi nghiệp, chị luôn có sự đồng hành, hỗ trợ của Hội để góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm, quảng bá thương hiệu, tạo niềm tin nơi người tiêu dùng… Hiện sản phẩm đã được chứng nhận HACCP nằm trong chuỗi cung ứng thực phẩm sạch an toàn, được chứng nhận OCOP 4 sao của TP Cần Thơ…
Ðối với các hộ gia đình hoàn cảnh khó khăn thì sự hỗ trợ kịp thời của Hội thật sự đáng quý. Cô Dương Ngọc Hưởng ở phường Bình Thủy, quận Bình Thủy, có cuộc sống ổn định từ nghề bán trái cây ở chợ và các món ăn nhà làm. Cô Hưởng tâm sự: “Trước đây, trong những lúc thắt ngặt, nhờ Hội động viên, hỗ trợ vay vốn làm ăn, tôi mới có điều kiện cải thiện kinh tế. Tôi và các chị em ở phường nuôi heo đất tiết kiệm và tổ hùn vốn không lãi, hỗ trợ nhau làm ăn”. Chị Nguyễn Thị Phượng ở phường An Nghiệp, quận Ninh Kiều thì nhờ Hội giới thiệu vay vốn ưu đãi mua máy móc, tham gia lớp học may miễn phí, lãnh hàng may gia công, có thu nhập, nuôi con học đại học…
Theo chị Nguyễn Thị Thúy, Chủ tịch Hội LHPN huyện Cờ Ðỏ, 9 tháng năm 2024, Hội phát huy hiệu quả công tác giới thiệu việc làm, truyền thông đến các chi, tổ, nhóm PN khởi nghiệp phát triển kinh tế bằng nhiều phương thức, phối hợp tổ chức tập huấn kỹ thuật sản xuất, kỹ năng kinh doanh... Hội phối hợp Ngân hàng Chính sách xã hội giới thiệu 471 chị vay trên 12,7 tỉ đồng; giúp 20 chị khởi nghiệp, đạt 100% chỉ tiêu; giới thiệu 164 đầu việc... Ở quận Bình Thủy, Hội giúp 28 chị khởi nghiệp, vay vốn kinh doanh phát triển kinh tế; phối hợp giới thiệu 912 chị làm việc tại các công ty, xí nghiệp. Tại huyện Thới Lai, Hội tổ chức các phiên chợ giới thiệu món ngon, sản phẩm từ các mô hình của chị em trên địa bàn huyện, các loại trái cây; phối hợp giới thiệu việc làm cho 179 lượt lao động nữ. Trong năm 2024, Hội ra mắt 7 mô hình kinh tế, thu hút nhiều chị em tham gia...
Hội LHPN huyện Cờ Ðỏ trưng bày sản phẩm tại Ngày hội PN khởi nghiệp sáng tạo và chuyển đổi xanh 2024. Ảnh: Hội LHPN huyện Cờ Ðỏ.
Vì sự tiến bộ của hội viên, PN
Theo bà Nguyễn Thị Thu Lam, Phó Chủ tịch phụ trách Hội LHPN TP Cần Thơ, với vai trò gắn kết và bảo vệ quyền lợi PN, 9 tháng năm 2024, các cấp Hội đa dạng hóa hoạt động, tạo điều kiện để chị em nâng cao trình độ, năng lực về mọi mặt, tích cực tham gia hoạt động Hội và phong trào địa phương. Công tác tuyên truyền, vận động hội viên, PN thực hiện chủ trương của Ðảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước gắn với việc thực hiện nghị quyết đại hội PN các cấp được triển khai bằng nhiều hình thức mới, hiệu quả cao. Hội LHPN thành phố tổ chức 19 lớp tập huấn chuyên đề: phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới; ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động Hội; nâng cao năng lực cán bộ trong công tác lễ tân đối ngoại và hội nhập quốc tế; kinh doanh cho nông dân trong đổi mới sáng tạo xanh; phân loại chất thải rắn tại nguồn; truyền thông về phòng chống mua bán người và diễn đàn phụ nữ với pháp luật… Thực hiện chủ đề năm 2024 của Trung ương Hội LHPN Việt Nam “Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động Hội”, Hội ra mắt 32 mô hình “PN tham gia chuyển đổi số”, “Ứng dụng công nghệ thông tin” có 1.864 thành viên; phối hợp với nhiều công ty truyền thông hỗ trợ, hướng dẫn cán bộ, hội viên, PN cài đặt và sử dụng phần mềm cung cấp dịch vụ thanh toán tiền điện, nước; khuyến khích sử dụng ví điện tử trong hoạt động mua hàng…
Công tác hỗ trợ xây dựng gia đình Việt Nam ấm no, hạnh phúc, tiến bộ, văn minh; xây dựng môi trường an toàn cho PN, trẻ em được thực hiện chất lượng, có sức lan tỏa mạnh mẽ, triển khai theo hướng vừa tuyên truyền thay đổi hành vi vừa huy động nguồn lực xã hội để thực hiện. Cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch” triển khai toàn diện, đạt nhiều kết quả thiết thực. Các mô hình, câu lạc bộ gia đình hạnh phúc, dịch vụ gia đình, dịch vụ chăm sóc trẻ em an toàn… được nhân rộng, chị em đồng tình, ủng hộ. Các cấp Hội ra mắt mới 37 mô hình “PN sống xanh” và mô hình “5 có, 3 sạch”… Thành Hội tổ chức nhiều lớp tập huấn kỹ năng phòng ngừa tự bảo vệ thân thể cho trẻ em trên địa bàn; tuyên truyền các văn bản pháp luật, chính sách liên quan đến phụ nữ và bình đẳng giới; phối hợp tư vấn, hỗ trợ kỹ năng cho 10.591 bà mẹ có con dưới 16 tuổi, tư vấn kế hoạch hóa gia đình cho 1.914 chị và giáo dục tiền hôn nhân cho 3.652 nữ thanh niên… Các cấp Hội đẩy mạnh vận động hội viên, PN rèn luyện sức khỏe, góp phần thực hiện hiệu quả phong trào thi đua “Xây dựng người phụ nữ Cần Thơ thời đại mới - năng động sáng tạo, khỏe mạnh, nghĩa tình, yêu gia đình, yêu quê hương đất nước”.
Chị Nguyễn Thị Hồng Diễm, Chủ tịch Hội LHPN quận Bình Thủy, cho biết: “Hội tuyên truyền khuyến khích các tầng lớp PN chủ động học tập, nâng cao năng lực, trình độ, rèn luyện thể chất, xây dựng nếp sống văn minh, chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật”. Ở huyện Cờ Ðỏ, tất cả 74 nhà văn hóa ấp đều có tủ sách pháp luật, thu hút hội viên, PN đến tìm hiểu nâng cao kiến thức pháp luật. Thông qua các hoạt động, Hội kịp thời lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của hội viên, PN để đề nghị xem xét những chính sách thiết thực, góp phần thực hiện bình đẳng giới trong gia đình và ngoài xã hội…
Theo Hội LHPN TP Cần Thơ, với phương châm “Nơi nào có PN, nơi đó có hoạt động Hội”, các cấp Hội triển khai nhiều hoạt động hiệu quả, mang lại lợi ích thiết thực cho hội viên, PN. Thời gian tới, các cấp Hội tiếp tục xây dựng tổ chức Hội vững mạnh, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới; quan tâm đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, thực hiện tốt các chương trình, đề án hỗ trợ PN, tích cực phát huy vai trò chị em trên các lĩnh vực...