23/01/2008 - 09:33

Phát huy khả năng sáng tạo trong sinh viên

Hiện nay, các trường cao đẳng (CĐ), đại học (ĐH) là cơ sở trực tiếp đào tạo nguồn nhân lực có trình độ cao cho xã hội. Một trong những yêu cầu lớn mà xã hội đang đặt ra cho các trường này là sinh viên (SV) tốt nghiệp phải có những năng lực như: khả năng tư duy sáng tạo; khả năng thường xuyên cập nhật kiến thức; có trình độ thành thạo chuyên môn mới, có năng lực thích ứng với những thay đổi; có khả năng phát hiện và giải quyết vấn đề; năng lực tự học thường xuyên, học suốt đời và tự đánh giá,v.v... Để đạt được yêu cầu đó, vấn đề đặt ra là phải làm thế nào phát huy khả năng sáng tạo trong SV từ khi họ còn học tập ở trường CĐ, ĐH.

Sự sáng tạo được hiểu như là một hoạt động phức tạp của con người, nhằm tạo nên những giá trị vật chất và tinh thần mới dựa trên sự cải biến điều đã nhận thức. Những giá trị mới đó có thể là kết quả mới hoặc những con đường và phương pháp độc đáo để thu được kết quả. Sự sáng tạo có tính độc đáo là ở chỗ nó đối lập với sự bắt chước, sự sao chép, hoạt động theo khuôn mẫu, theo hình ảnh đã có sẵn.

Nhóm sinh viên khoa Công nghệ, Trường Đại học Cần Thơ chế tạo xe chạy bằng điện và năng lượng mặt trời. Ảnh: B.N 

Đặc điểm của hoạt động sáng tạo là cái mới và sự cải biến, là khả năng độc lập mang kiến thức, kỹ năng vào giải quyết tình huống mới; phát hiện ra những vấn đề mới trong tình huống đã biết... Con người càng đạt được mức độ cao về việc thể hiện mình trong một lĩnh vực nào đó của hoạt động thì phẩm chất của hoạt động sáng tạo càng thể hiện rõ.

Dạy học ở các bậc học CĐ, ĐH phải được xem xét theo các cấp độ: Quan điểm dạy học là những định hướng tổng thể cho các hành động phương pháp, trong đó sự kết hợp giữa các nguyên tắc dạy học làm nền tảng, những cơ sở lý thuyết của lý luận dạy học, những điều kiện dạy học và tổ chức cũng như những định hướng về vai trò của thầy và trò trong quá trình dạy học. Trong đó, quan điểm dạy học là những định hướng mang tính chất chiến lược.

Phương pháp dạy học được hiểu là những cách thức hoạt động phối hợp thống nhất của giáo viên và học sinh nhằm thực hiện những mục tiêu xác định, phù hợp với những nội dung và điều kiện dạy học cụ thể. Phương pháp dạy học cụ thể quy định những mô hình hành động của giảng viên và SV (thuyết trình, đàm thoại, trình diễn, luyện tập, thảo luận trò chơi...). Một trong những điều kiện để dạy học hướng vào phát huy tính sáng tạo của người học hiện nay là phải tiếp cận với dạy học khám phá (DHKP).

DHKP được hình thành trên cơ sở người học và người dạy thực hiện sự sáng tạo trong quá trình hình thành các sản phẩm giáo dục ở các lĩnh vực hoạt động và nghiên cứu tri thức. DHKP phát hiện những khả năng của SV, giảng viên qua các hoạt động của họ để hình thành các sản phẩm giáo dục. Nếu như khám phá, nói chung, có mục đích hình thành sản phẩm vật chất bên ngoài của hoạt động thì DHKP hướng tới giúp cho người học hình thành các sản phẩm giáo dục trong quá trình học. DHKP cần đạt được mục tiêu là giúp SV nắm vững những nội dung cơ bản của các lĩnh vực thông qua việc đối chiếu, so sánh với những kết quả đã đạt được; hình thành sản phẩm giáo dục trong các lĩnh vực học tập, nghiên cứu; hình thành những phẩm chất cá nhân.

DHKP đòi hỏi phải tổ chức dạy học sao cho mỗi bài giảng đều mở ra cái mới, cái chưa biết đối với SV, hình thành động cơ, thái độ đúng đắn, làm tăng lòng yêu thích, say mê của SV đối với học tập, nghiên cứu khoa học, với nghề nghiệp tương lai. Đó cũng chính là điểm khác nhau cơ bản giữa dạy học truyền thống và DHKP. DHKP không chỉ làm phát triển tiềm năng sáng tạo đối với SV mà còn đối với chính cả giảng viên.

Có thể nói, một yêu cầu bắt buộc hiện nay đối với giáo viên ở các bậc học, cấp học nói chung và giảng viên ở các trường CĐ, ĐH nói riêng là phải làm sao trong quá trình dạy học phải hướng học sinh, SV phát huy được các tố chất và khả năng sáng tạo của mình. Hội nghị thế giới bàn về giáo dục đại học cho thế kỷ XXI tổ chức tại Paris (Pháp) vào tháng 10-1998 đã nêu ra những năng lực cần có của người giáo viên nói chung và giảng viên đại học nói riêng là: Có kiến thức kỹ năng, thái độ liên quan đến việc đánh giá học, SV để giúp cho họ tiến bộ; Gắn bó với học vấn chuyên môn và tiêu chuẩn tri thức nghề nghiệp; Hiểu và áp dụng công nghệ thông tin trong chuyên môn và cách truy nhập nguồn tư liệu trên thế giới; Nhạy bén với những tín hiệu của thị trường bên ngoài liên quan đến việc tuyển dụng SV của mình; Làm chủ được những tiến bộ về phương pháp dạy học, bao gồm cả hai cách dạy mặt giáp mặt và dạy từ xa; Có khả năng dạy nhiều SV ở các độ tuổi, nguồn gốc kinh tế, xã hội, chủng tộc khác nhau; Có khả năng điều khiển số lớn SV trong các giờ thuyết giảng, thảo luận, hội thảo mà không làm giảm chất lượng. Tuy nhiên, khó có giảng viên nào có được toàn diện về những khả năng trên. Mỗi người chỉ có một thế mạnh ở một số mặt. Vì thế cần có giải pháp liên kết để phát huy những thế mạnh đó.

Dạy học hướng vào phát huy tính sáng tạo của SV, giúp cho họ chủ động tìm kiếm tri thức, tránh cách học thụ động, để đáp ứng yêu cầu giáo dục hiện nay là một đòi hỏi cần thiết. Muốn vậy, trước hết cần chú trọng khơi dậy tính tích cực nhận thức của người học, tác động vào hứng thú, nhu cầu nhận thức của SV. Khai thác tối đa tiềm năng của SV dựa vào những kinh nghiệm của họ. Mối quan hệ giảng viên và SV là mối quan hệ hợp tác giúp cho SV đạt đến mục đích sáng tạo. Để dạy học phát huy tính sáng tạo của người học thì chính hoạt động của giảng viên cũng phải mang tính sáng tạo. Đối với tri thức chuyên môn nghề nghiệp, đòi hỏi giảng viên cần nắm vững, nắm sâu và rộng những tri thức bộ môn đang đảm nhiệm, những hiểu biết về người học và cách tác động vào họ. Ngoài ra, giảng viên cần có hệ thống năng lực sư phạm, trong đó có các năng lực chủ yếu như: giao tiếp, dự đoán lạc quan, khả năng sáng tạo... để tác động đến SV...

Nội dung dạy học phải liên hệ với thực tiễn cuộc sống đa dạng và phong phú. Bởi lẽ, sự sáng tạo luôn nảy sinh từ thực tiễn và thực tiễn cũng chính là nơi kích thích sự sáng tạo. Nội dung dạy học phải giúp cho người học có thể nhận biết đối tượng theo nhiều góc độ khác nhau. Các hình thức tổ chức dạy học phải phong phú, phải tạo cho học sinh, SV môi trường học tập để họ mạnh dạn và hăng hái khám phá, sáng tạo.

TRUNG GIANG

Chia sẻ bài viết